Englishen

Du lịch Tiền Giang khởi sắc trong điều kiện bình thường mới

Thứ ba, 19/04/2022, 08:53 GMT+7

Từ tháng 3/2022, chủ trương mở cửa trở lại hoạt động du lịch đã tạo “luồng gió mới" cho ngành du lịch ở tỉnh Tiền Giang từng bước phục hồi trong điều kiện bình thường mới. Hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh du lịch đều đổi mới, nâng cấp các sản phẩm, chương trình phục vụ khách.

Từ ngày 15/3 đến nay, Bến tàu thủy du lịch tại Phường 1, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang chứng kiến lượng du khách tham quan sông nước tăng lên. Đặc biệt từ ngày 7 - 9/4, tại đây đón 105 khách du lịch từ Mỹ đến tham quan cồn Thới Sơn. Đây là đoàn du khách quốc tế đầu tiên đến Tiền Giang tham quan, nghỉ mát từ khi dịch bệnh bùng phát.

Vào những ngày thứ Bảy, Chủ nhật, ngày nghỉ lễ gần đây, Bến tàu thủy du lịch Mỹ Tho cũng đón tiếp khoảng 400 du khách tham quan các điểm du lịch ven sông Tiền thuộc tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Tại đây, có 15/30 văn phòng giao dịch của các công ty du lịch lữ hành, đã mở cửa trở lại đến đón khách tham quan.

TSTtourist-du-lich-tien-giang-khoi-sac-trong-dieu-kien-binh-thuong-moi-1Lượng khách gia tăng tại các điểm du lịch ở cồn Thới Sơn, TP. Mỹ Tho.
Ông Châu Hồng Luật, Giám đốc công ty du lịch Miền Quê cho biết: "So với năm trước thì năm nay có khởi sắc và có hướng phát triển. Công ty đang có hướng chấn chỉnh các dịch vụ để phát triển du lịch. Nếu Nhà nước xem xét có hỗ trợ được cho ngành du lịch thì tốt”.
Chủ động trong điều kiện bình thường mới, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch đã tập trung chỉnh trang, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa các sản phầm, chương trình để thu hút du khách. Tại xã Song Thuận, huyện Châu Thành, gia đình ông Đoàn Văn Khanh đầu tư khu du lịch “ Ve chai Thần kì” với các nội dung phục vụ khách tham quan rất riêng và “độc lạ”.

Ông Đoàn Văn Khanh chia sẻ: “Nói chung ở đây cũng có khách lai rai, chủ yếu du khách đi trên ngọn dừa, ăn uống, bắn lựu đạn bằng dàn thun. Tour của mình là đi qua phà Bến Tre, đi thăm khu di tích của Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, khu di tích Ấp Bắc, bà Nguyễn Thị Thập, ông Lê Văn Duyệt, ra trại rắn Đồng Tâm... Các món ăn  đạt yêu cầu và độc, lạ, không giống ai, như món cháo dừa sáp... Mình kết hợp những cái đó thì sẽ bán được hàng lưu niệm, hiện đã sản xuất 40 mặt hàng đủ loại”.

TSTtourist-du-lich-tien-giang-khoi-sac-trong-dieu-kien-binh-thuong-moi-2Trải nghiệm đi xe ngựa trên đường quê tại cồn Thới Sơn.
So với thời điểm trước Tết Nguyên đán 2022, hiện tình hình phục hồi du lịch tại địa bàn tỉnh Tiền Giang đã khả quan hơn. Trại rắn Đồng Tâm tức Trung tâm Nuôi trồng nghiên cứu, chế biến dược liệu (Quân khu 9) tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, Tiền Giang, mỗi ngày có hàng trăm du khách; cá biệt các ngày nghỉ, lễ tiếp đón trên dưới 1.000 người. Mỗi tuần 2 ngày, trung tâm này còn biểu diễn cho rắn ăn, lấy nọc rắn... phục vụ khách tham quan. Bến du thuyền Mỹ Tho, mỗi ngày phục vụ hơn 100 khách du lịch xuống thuyền đi tham quan sông nước, các ngày cuối tuần lượng khách tăng 2-3 lần. Tuy nhiên do dịch bệnh mới lắng dịu nên du khách quốc tế chưa nhiều, chủ yếu do các công ty lữ hành từ TP.HCM đưa đến.

Điều đáng ghi nhận là dù ngành du lịch còn khó khăn và một thời gian dài bị ảnh hưởng do đại dịch covid-19 nhưng giá phí vận chuyển, ăn uống và các dịch vụ du lịch tại tỉnh Tiền Giang không tăng. Các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh du lịch còn có chương trình khuyến mãi, giảm giá cho khách. Chính quyền và các ngành chức năng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi du lịch; giải ngân hỗ trợ người lao động bị thất nghiệp theo chủ trương của Chính phủ.

TSTtourist-du-lich-tien-giang-khoi-sac-trong-dieu-kien-binh-thuong-moi-3Niệm Phật đường Liên Hoa tại huyện Chợ Gạo là một trong các điểm du lịch tâm linh rất thu hút du khách.
Ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Tiền Giang đã và đang triển khai quyết liệt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Cụ thể là tham gia xúc tiến du lịch tại Hà Nội, kết nối các doanh nghiệp du lịch Tiền Giang với Hà Nội - Bạc Liêu, Cần Thơ; ký kết chương trình hợp tác du lịch với các tỉnh miền Trung và miền Bắc.

Ông Nguyễn Vũ Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch, thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang cho biết: “Thời gian tới, Trung tâm Phát triển du lịch sẽ bám sát theo các nghị quyết của tỉnh, Trung ương về phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới. Sẽ nhấn mạnh các sản phẩm mới và đặc biệt là các điểm mới; trong đó chú trọng du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch tâm linh... Trung tâm sẽ xúc tiến quảng bá, cũng như kêu gọi các công ty ở Tiền Giang phát huy hơn nữa các sản phẩm mình có để phục vụ khách du lịch”.

Tuy nhiên để hoạt động du lịch tỉnh Tiền Giang phát triển ổn định trong thời gian tới, cần có sự đầu tư đúng mức; nhất là sớm triển khai các dự án, đề án phát triển du lịch đã được phê duyệt, cần phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng đất ven sông Tiền, có nhiều di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh, cấp quốc gia; tạo điều kiện cho người dân tham gia du lịch cộng đồng.

Ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, địa bàn có 12 điểm du lịch sinh thái mang tính đặc thù của vùng đất cù lao. Nếu sớm triển khai đề án phát triển du lịch đã được phê duyệt thì hoạt động du lịch nơi đây mới khởi sắc: “Đề án phát triển du lịch cù lao Tân Phong thì đến thời điểm này mới bắt đầu triển khai thôi, chưa có xây dựng cơ sở hạ tầng gì nhiều. Lúc này vào cuối tuần chỉ có một số khách nội địa... Đặc sản của mình ở đây là du lịch sinh thái, có kết hợp với các doanh nghiệp làm nghỉ dưỡng như homestay... Bây giờ vốn là quan trọng, còn các tiêu chí mềm mình lập kế hoạch riêng, triển khai cho tư nhân quản lý để thu hút khách du lịch về đó”.
(Nguồn: Nhật Trường/VOV-ĐBSCL, Thứ Ba, 06:06, 19/04/2022)