Englishen

Du lịch TP.HCM kích hoạt với hàng chục ngàn voucher, đưa tour lên sàn thương mại điện tử

Thứ hai, 18/10/2021, 13:32 GMT+7

Ngành du lịch TP.HCM xác định thị trường nội địa giữ vai trò chủ lực và là cơ sở để phục hồi ngành du lịch trong giai đoạn hiện nay, và sẽ đưa mô hình ứng dụng công nghệ để tăng hiệu quả.

1_41Các đại biểu tại lễ công bố phiên bản mới của trang thông tin điện tử xúc tiến du lịch TP.HCM www.visithcmc.vn. Với nhiều tiện ích, website cho phép người dùng 3 tương tác ảo và khám phá thông tin về các điểm tham quan, sự kiện và hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước - Ảnh: L.T

Chiều 16-10, Hội nghị triển khai kế hoạch phục hồi du lịch TP.HCM trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID-19 giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022 đã được Sở Du lịch TP tổ chức, "phát pháo" cho quá trình hồi phục của ngành du lịch TP sau nhiều tháng phải tạm ngưng.

Bà Phan Thị Thắng, phó chủ tịch UBND TP, khẳng định du lịch TP được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn với tỉ lệ đóng góp vào GRDP của TP từ 10-12% trong giai đoạn trước dịch bệnh. Là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp nên tập trung phục hồi du lịch sẽ kéo theo sự phục hồi của các ngành nghề khác

Do đó, quá trình hồi phục, du lịch TP phải xác định thị trường nội địa giữ vai trò chủ lực và là cơ sở để phục hồi ngành du lịch trong giai đoạn hiện nay để đẩy mạnh thiết kế, xây dựng các sản phẩm phù hợp tâm lý, thị hiếu từng phân khúc khách du lịch nội địa trong điều kiện bình thường mới.

Phó chủ tịch UBND TP cũng giao ngành du lịch tập trung xây dựng nguồn nhân lực an toàn, điểm đến an toàn và dịch vụ du lịch an toàn trên địa bàn TP. Trước mắt rà soát, tổ chức lại các điểm tham quan, các tuyến phố, các cơ sở dịch vụ lưu trú, mua sắm, ăn uống… theo hướng vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo chất lượng và lấy sự hài lòng của du khách làm tiêu chí hoàn thiện.

Đẩy mạnh liên kết du lịch giữa các tỉnh thành, nâng cao giá trị cạnh tranh của du lịch nội địa; phát huy kết quả đã liên kết thành công với hơn 40 tỉnh thành trong giai đoạn 2019-2020 để nối lại và tái khởi động. Trước hết cần tập trung chọn vùng xanh của các tỉnh thành để kết nối tour, tuyến khép kín và đảm bảo thống nhất các tiêu chí an toàn giữa các địa phương.

Cũng theo bà Thắng, thời gian qua, TP cũng đã làm việc với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ để thí điểm các tour du lịch liên tỉnh theo hình thức khép kín từ giữa tháng 10-2021. Dự kiến, từ nay đến cuối tháng 10, TP sẽ tiếp tục làm việc với các tỉnh Nam Trung Bộ, ĐBSCL để chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn 2 của kế hoạch phục hồi và đẩy mạnh du lịch nội địa từ tháng 11.

"Tôi đề nghị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tiếp tục thêm nhiều dự án, mô hình ứng dụng công nghệ như vừa giới thiệu hôm nay. Đồng thời phải quan tâm đến công tác truyền thông điểm đến TP, vận động người lao động tăng cường trải nghiệm và quảng bá các điểm đến, văn hóa, ẩm thực TP thông qua các hoạt động, sinh hoạt thường ngày", bà Thắng nhấn mạnh.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết kế hoạch phục hồi xác định cũng sẽ bám sát theo những mục tiêu, nhiệm vụ trên với 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1, từ đây đến hết ngày 31-10:

Mở du lịch nội vùng và thí điểm du lịch liên tỉnh: khách du lịch đang sinh sống và làm việc tại TP có thể tự đi du lịch hoặc đi theo đoàn đến các điểm tham quan trên địa bàn TP. Các cơ sở lưu trú và các điểm tham quan được hoạt động với công suất tối đa 50%.

Giai đoạn 2, từ ngày 1-11 đến ngày 31-12:

Đẩy mạnh du lịch nội vùng và mở du lịch liên tỉnh: khách tự đi du lịch nội vùng hoặc đi theo đoàn; khách du lịch liên tỉnh đi theo đoàn. Hoạt động lưu trú với công suất tối đa 70% và xem xét mở thêm một số dịch vụ ăn uống tại chỗ, spa... trong các cơ sở lưu trú. Hoạt động điểm tham quan được nâng công suất tối đa 70%.

Giai đoạn 3 trong năm 2022: TP sẽ khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn TP, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi, đưa và đón khách quốc tế.

100.000 voucher du lịch TP.HCM dành cho lực lượng tuyến đầu chống dịch

Cũng tại sự kiện, Sở Du lịch TP đã phát động Chương trình 100.000 voucher du lịch TP.HCM dành cho lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Dù mới phát động nhưng chương trình đã nhận được sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp với tổng giá trị đợt 1 gần 50 tỉ đồng, trong đó Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) trao tặng 15.000 phiếu quà tặng dịch vụ khách sạn và ăn uống với tổng giá trị 30 tỉ đồng.

Tập đoàn Vingroup trao tặng sản phẩm du lịch với tổng giá trị 10 tỉ đồng, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) trao tặng sản phẩm du lịch trị giá 5 tỉ đồng, Công ty CP Tập đoàn Masan trao tặng sản phẩm du lịch trị giá 3 tỉ đồng...

Theo Sở Du lịch TP, đây là những hỗ trợ thiết thực nhất cho ngành du lịch trong giai đoạn phục hồi.

Đưa 336 bộ tài nguyên du lịch TP lên online

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, phó giám đốc Sở Du lịch TP, đã công bố bộ tài nguyên du lịch TP gồm 366 tài nguyên làm cơ sở cho du khách tham khảo trong quá trình đi du lịch. Toàn bộ nguồn tài nguyên này đã được hoàn thiện và cập nhật trên nền tảng định vị trực tuyến Google Maps, Google Earth.

Theo bà Hiếu, bộ tài nguyên được xây dựng dựa trên 4 tiêu chí: điểm đến được đánh giá hấp dẫn và tiếp cận thuận lợi, có giá trị đặc trưng, có các dịch vụ bổ trợ phong phú, kết nối thuận lợi, trong đó có:

13 điểm đến gắn với giá trị tài nguyên tự nhiên, sinh thái tập trung ở sông Sài Gòn, Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè...

225 điểm đến gắn với giá trị tài nguyên văn hóa vật thể như di tích văn hóa lịch sử, hội quán, đình, chùa, làng nghề...

8 hoạt động gắn với du lịch, tài nguyên du lịch phi vật thể được hình thành từ các lễ hội dân gian, lễ hội hiện đại, tập tục truyền thống và 120 điểm đến gắn với giá trị công trình nhân tạo.

(Nguồn: N.Bình, Tuổi Trẻ, Thứ bảy, 16/10/2021, 15:57 GMT+7))