Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Những nút thắt liên quan đến visa cần được tháo gỡ là kéo dài thời gian miễn visa, mở rộng danh sách quốc gia được cấp thị thực điện tử...
Ngày 21-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam" theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp (DN).
Điểm cộng thành điểm trừ
Chính thức mở cửa du lịch từ ngày 15-3, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới. Từ đây, ngành du lịch có cơ hội rất lớn để thúc đẩy du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế. Thế nhưng chúng ta đã không tận dụng tốt điều này.
Để hút khách du lịch, nhiều DN du lịch, hàng không và giới chuyên gia đề xuất cần chính sách đột phá về visa. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel, nhận định nếu thời điểm bắt đầu mở cửa hoạt động du lịch, chính sách visa của Việt Nam là một điểm cộng thì đến nay lại thành điểm trừ. Ông Kỳ kiến nghị Thủ tướng trình Quốc hội kéo dài thời gian miễn visa từ 15 ngày lên 30 ngày lưu trú cho khách quốc tế. Đồng thời, miễn visa cho khách đã vào Việt Nam, sau đó sang nước khác và tiếp tục quay lại Việt Nam.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, kiến nghị trước mắt, Việt Nam cần sớm quay về các chính sách visa như giai đoạn trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Cụ thể, nới lỏng và mở rộng chính sách visa, bảo đảm cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore. Trong đó, xem xét miễn visa cho du khách Mỹ, Úc, Ấn Độ và châu Âu; mở rộng đối tượng áp dụng chính sách E-visa, visa on arrival (visa cấp tại sân bay). Đồng thời, gia hạn thời gian miễn visa lên tối thiểu 30 ngày hoặc 45 ngày. Bên cạnh đó, cho phép du khách được sử dụng visa nhập cảnh nhiều lần vào Việt Nam thay vì một lần như hiện tại; ưu tiên cho thị trường Mỹ, châu Âu và Úc - những nơi có tiềm năng khách đi du lịch dài ngày.
Theo ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), chính sách visa cần thông thoáng, cởi mở, linh hoạt và thủ tục đơn giản hơn. Đặc biệt, mở rộng danh sách quốc gia, vùng lãnh thổ có tiềm năng được xét cấp thị thực điện tử. "Đề xuất tạo sự thuận lợi tốt nhất cho việc xét cấp thị thực cho các du khách tàu biển quốc tế đến Việt Nam vì loại hình du lịch này số lượng khách lớn, mức chi tiêu ngày càng cao. Năm 2023, Saigontourist dự kiến đón 30 chuyến tàu biển quốc tế, mỗi chuyến có hàng ngàn du khách từ châu Âu, Mỹ" - ông Võ Anh Tài nói.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, bày tỏ: "Trong bối cảnh hiện tại, để kiếm được một vị khách quốc tế là rất khó khăn nên nếu chậm chân sẽ mất cơ hội. Chúng ta vẫn giữ quy định chỉ miễn visa 15 ngày là quá lạc hậu!".
Nhận diện nguyên nhân
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, sau thời gian mở cửa, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh. Chỉ tính riêng trong tháng 4-2022, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 70.000 lượt, bằng tổng 3 tháng trước đó cộng lại. Tính chung 11 tháng năm nay, Việt Nam đã đón 2,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng 21,1 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng thừa nhận dù Việt Nam là một trong những nước mở cửa hoạt động du lịch sớm nhưng khách quốc tế đến Việt Nam ít hơn các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore... Nhận diện nguyên nhân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng do nhiều điều kiện khách quan. Bên cạnh đó, có nguyên nhân chủ quan là chính sách visa tuy có nhiều đổi mới, tiến bộ nhưng việc triển khai chưa tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách quốc tế đến cũng như kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu. "Chúng ta chưa có chính sách visa đặc thù cho bối cảnh mới với yêu cầu cấp thiết của việc thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch hậu COVID-19" - bộ trưởng nhận định.
Phân tích thêm về chính sách visa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng thời hạn miễn thị thực 15 ngày của Việt Nam là rất ngắn và chưa phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của khách quốc tế, nhất là khách ở những thị trường xa như châu Âu với thói quen đi du lịch 3-4 tuần. Trong khi đó, thời gian miễn thị thực của nhiều nước ASEAN là 30-45 ngày, thậm chí Thái Lan là 90 ngày. Bên cạnh đó, Malaysia, Singapore đã miễn thị thực cho 162 quốc gia; Philippines miễn thị thực cho 157 quốc gia, Thái Lan miễn cho 65 quốc gia; còn Việt Nam mới đang miễn thị thực cho 24 quốc gia.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất áp dụng cấp thị thực điện tử cho tất cả thị trường khách và tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cấp, tăng cường ứng dụng công nghệ. Song song đó, kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày; xem xét thí điểm cấp thị thực tại cửa khẩu cho khách nước ngoài.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đồng tình với các ý kiến về việc cần tháo gỡ nút thắt về vấn đề visa; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong cấp visa điện tử; mở rộng diện miễn visa đơn phương với một số nước là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam.
Chung quan điểm, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng kiến nghị Chính phủ, Bộ Công an cho phép áp dụng thí điểm visa điện tử tại các cảng hàng không nội địa có chuyến bay quốc tế để tạo điều kiện tăng chuyến, đáp ứng nhu cầu khách du lịch đến các địa phương cả nước nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng.
Việt Nam đi trước về sau?
Đặt vấn đề trong thu hút khách du lịch quốc tế, Việt Nam "xuất phát trước nhưng về sau?", chuyên gia kinh tế - TS Trần Đình Thiên cho rằng quan trọng nhất lúc này là cần tập trung xác định những điểm nghẽn cụ thể để tháo gỡ. "Các nước trên thế giới đều đang khó khăn, nhưng tại sao họ vẫn đạt mục tiêu đón khách du lịch quốc tế, chẳng hạn Thái Lan. Do đó, chúng ta cần xem xét, tính toán đầy đủ, toàn diện giải pháp để phục hồi các thị trường khách quốc tế. Điều này không chỉ giúp DN du lịch hồi phục mà còn là cơ hội để cả ngành du lịch và nền kinh tế trỗi dậy" - TS Trần Đình Thiên chỉ rõ. Theo ông, đây cũng là cơ hội để Việt Nam xem lại cấu trúc thị trường du lịch, xác định cần thay đổi gì sau dịch COVID-19 để khuyến khích thu hút du khách...?
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khi đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Chính phủ đã có quyết định đúng đắn là mở cửa nền kinh tế sớm so với một số nước. Ngay sau đó là quyết định mở cửa hoạt động thể thao, du lịch, trường học... Đến nay, có thể khẳng định những quyết định trên là đúng đắn. "Việc mở cửa đã mang lại hiệu quả ở nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, lĩnh vực du lịch vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Trong khi du lịch nội địa phục hồi mạnh, số lượng du khách vượt kế hoạch đề ra thì du lịch quốc tế vẫn có điểm nghẽn" - Thủ tướng nhận định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng Việt Nam "đi trước, về sau" trong phục hồi du lịch quốc tế. "Do cơ chế hay cách làm, do tổ chức thực hiện hay các bộ, ngành chưa làm đầy đủ trách nhiệm? Các DN đã làm gì, đã đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng trong lĩnh vực du lịch chưa? Sản phẩm du lịch có nhiều đổi mới sáng tạo chưa? Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã đưa vào ngành du lịch chưa? Hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch đã xứng tầm chưa?" - Thủ tướng đặt ra hàng loạt vấn đề.
Tiếp tục phát triển du lịch đường sông nội địa
Tại tọa đàm "Tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch đường sông kết nối TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang" do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang cùng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ tổ chức cùng ngày, nhiều ý kiến cho rằng để du lịch sông nước tạo điểm nhấn mạnh mẽ, cần được trang bị cơ sở vật chất, phương tiện di chuyển, nhân lực chất lượng và nền tảng truyền thông, quảng bá tốt.
Các đại biểu cũng bày tỏ mong muốn tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ tích cực hợp tác phát triển loại hình du lịch sông nước miệt vườn dựa trên địa thế tự nhiên của 2 địa phương. Bởi vì, hệ thống đường thủy từ TP Cần Thơ về tỉnh Hậu Giang thuận lợi cho giao thương lẫn du lịch. Tỉnh Hậu Giang có các khu di tích gắn với lịch sử và vùng du lịch gắn với nông sản địa phương. Trong khi đó, TP Cần Thơ cũng có nhiều điểm tương đồng về sinh thái miệt vườn, sông nước. Những đặc điểm này là điều kiện thuận lợi để hai địa phương tận dụng tốt tiềm năng du lịch miệt vườn kết hợp trải nghiệm văn hóa, lịch sử của vùng sông nước.
(Nguồn: Yến Anh - Thái Phương, Người lao động, Thứ năm, 22/12/2022, 09:00 (GMT+7))