Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Tiền công đức do người dân khắp nơi cúng Bà Chúa Xứ núi Sam từ 120-150 tỉ đồng/năm. TP Châu Đốc dành 30% cho ban quản trị lăng miếu Núi Sam, còn lại sử dụng vào việc chăm lo an sinh xã hội, giáo dục, phục vụ du lịch của Châu Đốc.
Đó là một trong số nhiều nội dung được ông Trần Quốc Tuấn - phó chủ tịch UBND TP Châu Đốc, An Giang - cung cấp thông tin xung quanh "Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2022" tại buổi họp báo sáng 16-5.
"Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam năm 2022" diễn ra từ ngày 22-5 đến 27-5. Cụ thể, lễ phục hiện rước tượng Bà và lễ hội đường phố; xây dựng chương trình sân khấu hóa tại 3 địa điểm; đặc biệt là "lễ tắm Bà" vào lúc 24h đêm ngày 23-5 (nhằm ngày 23-4 âm lịch). Lực lượng tham gia gồm: ban quản trị lăng miếu Núi Sam, hội quý tế, bô lão, ban tổ chức lễ hội, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, thành phố…
"Điểm đặc biệt lần này là tập trung nhằm cung cấp cơ sở tư liệu để Chính phủ trình cho Tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Vì hiện tại, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đang là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia rồi", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, khu du lịch quốc gia Núi Sam có đặc biệt hơn những nơi khác là gắn liền với khu dân cư mua bán, sinh sống đan xen vào nhau. Sắp tới, An Giang cũng có đề án chỉnh trang đô thị tại khu vực này. Vì rõ ràng, trên đất nước các khu du lịch quốc gia tách biệt với khu dân cư, còn ở An Giang đan xen với người dân. Đây có thể là đặc trưng của Châu Đốc.
Từ năm 2006, TP Châu Đốc đã thu phí vào khu du lịch Núi Sam. Toàn bộ số tiền này dùng để phục vụ an sinh, du lịch, mỗi năm khoảng 50 tỉ đồng. TP Châu Đốc và tỉnh đã cân nhắc đối với việc thu phí du lịch, nên sắp tới Châu Đốc sẽ có cách thu như thế nào, hay không thu, đều phải đảm bảo hài hòa với nhân dân và du khách.
Từ đầu năm đến nay, du khách đã về Châu Đốc tham quan, cúng viếng trên 2,3 triệu lượt khách, với doanh thu trên 110 tỉ đồng. Châu Đốc đặt mục tiêu năm 2022 có trên 4 triệu khách.
"Sau 20 năm, tiền công đức ngày càng nhiều. Đây là sự tự nguyện của bà con khắp nơi. Trung bình miếu Bà có từ 120-150 tỉ đồng/năm tiền công đức. Trong số này, chúng tôi giữ lại 30% để lại miếu Bà, số còn lại làm dự án dân sinh, hỗ trợ an sinh, giáo dục...", ông Tuấn nói thêm.
(Nguồn: Bửu Đấu, Tuổi Trẻ, 16/05/2022, 12:24 (GMT+7))