Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Sau hai năm dịch bệnh COVID-19, ngành du lịch cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng đang gặp nhiều khó khăn. Nhưng cũng chính vì lý do dịch bệnh mà nhiều chuyên gia đang cho rằng, đây là cơ hội để thành phố đẩy mạnh và phát triển nhiều hơn nữa các ứng dụng và giải pháp du lịch thông minh.
Hệ sinh thái du lịch thông minh
Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức tại TP Hồ Chí Minh, đối với các doanh nghiệp, nhờ áp dụng việc chuyển đổi số đã giúp doanh nghiệp thay đổi cách quản lý các địa điểm du lịch và gia tăng giá trị trải nghiệm nhiều hơn cho các du khách khi tham quan TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, có một số công ty lữ hành dựa vào dữ liệu của trung tâm điều hành giao thông thông minh của thành phố để chọn các điểm đến không bị kẹt xe, ngập nước hoặc các doanh nghiệp còn có thể giới thiệu các điểm đến phù hợp với đối tượng khách nào đó dựa trên các dữ liệu nhân khẩu học, kết nối kỹ thuật số và phân tích dữ liệu tiềm năng du lịch qua các trung tâm dữ liệu thông minh để cải thiện chất lượng và tăng các dịch vụ trải nghiệm du lịch nhiều hơn cho du khách.
Hiện nay, công ty Ảnh Việt Tourist là nơi duy nhất tại TP Hồ Chí Minh đang cung cấp tour du lịch tham quan các điểm đến nổi tiếng của TP Hồ Chí Minh bằng xe buýt hai tầng đã sử dụng dữ liệu số về giao thông và du lịch, cùng dữ liệu sở thích của du khách để thiết kế các tour tuyến phù hợp, bán vé và thanh toán online. Theo đó, tất cả các điểm đến và lộ trình đều được đưa lên và giới thiệu sinh động website của đơn vị. Doanh nghiệp còn tích hợp các công nghệ cần thiết vào phương tiện di chuyển là xe buýt hai tầng như: Wi-Fi (miễn phí) và thuyến minh tự động bằng tiếng Việt Nam, Anh, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nga, Indonesia... Như vậy, du khách có thể sử dụng các chuyến tham quan của công ty này mà không cần phải gặp bất cứ nhân viên nào của họ (trừ lái xe), điều này cho phép công ty hoạt động ngay cả trong thời điểm có dịch bệnh vừa qua.
Ứng dụng công nghệ số không chỉ diễn ra tại công ty Ảnh Việt Tourist mà hiện nay, một số dự án du lịch thông minh cũng đang được triển khai ngày càng nhiều trên khắp thành phố. Cụ thể, nhóm nghiên cứu giải pháp GIS thuộc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Vũ trụ TP Hồ Chí Minh - Trung tâm Vũ trụ Việt Nam những năm qua cũng đã triển khai các chuyến City Tour dưới hình thức thực tế ảo tại nhiều địa điểm ở TP Hồ Chí Minh gồm: Bưu điện Thành phố, Dinh Độc Lập, Bảo tàng Thành phố, Chùa bà Thiên Hậu, Phố đi bộ Bùi Viện, Phố đi bộ Nguyễn Huệ và Bến Bạch Đằng, Khu du lịch Bình Quới... Theo đó, du khách có thể ngồi tại nhà, hay bất cứ đâu trên thế giới, miễn là có đường truyền Internet, truy cập vào trang http://girs.vn/apps/dulichsaigon/category/city-tour để có thể trải nghiệm các điểm đến nói trên với các hình ảnh trực quan, 360o cùng những lời thuyết minh và âm nhạc hấp dẫn mà không cần phải đặt chân đến các địa điểm này.
Chia sẻ việc phải chuyển đổi số mạnh mẽ để phát triển sản phẩm du lịch thông minh, ông Lê Trương Hiền Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, nếu những năm trước câu chuyện chuyển đổi số trong du lịch vẫn chỉ tập trung ở một số lĩnh vực có tư duy nhạy bén, linh hoạt và mạnh tiềm lực tài chính, thì nay chính đại dịch COVID-19 lại buộc tất cả doanh nghiệp du lịch phải lựa chọn: chuyển đổi số hoặc bị bỏ lại phía sau. Vì vậy, ngành du lịch thành phố đang chủ động chuyển đổi số và tích cực tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý Nhà nước.
“Tại TP Hồ Chí Minh, ngành du lịch là một trong những lĩnh vực được mở lại ngay từ giai đoạn đầu khi tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh được kiểm soát, Sở cũng nhanh chóng thích ứng, linh hoạt từ việc thay đổi hình thức tổ chức Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh. Theo đó, đây là lần đầu tiên Ngày hội du lịch TP Hồ Chí Minh nằm 2021 được tổ chức trực tuyến cùng lúc trên nhiều kênh như: website Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh (https://ngayhoidulich.visithcmc.vn), website quảng bá Du lịch TP Hồ Chí Minh (www.visithcmc.vn), sàn thương mại điện tử Shopee và đại lý Du lịch trực tuyến Traveloka… Ngoài ra, Sở còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá trực tuyến để quảng bá điểm đến thân thiện - hấp dẫn - an toàn để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, xây dựng TP Hồ Chí Minh thành “Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng của Việt Nam và ASEAN”, ông Lê Trương Hiền Hòa cho biết thêm.
Ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, hiện nay ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Ví dụ, Sở đã và đang cung cấp, vận hành hơn 30 dịch vụ công trực tuyến; vận hành hệ thống dịch vụ công của thành phố để quản lý việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ. Sở còn đang xây dựng và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh trên địa bàn thành phố, được triển khai trên nền tảng điện toán đám mây, các ứng dụng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và nguồn nhân lực đủ mạnh để quản lý, vận hành... góp phần thực hiện mục tiêu cung cấp các dịch vụ du lịch thông minh cho du khách, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh còn đang phát triển đề án du lịch thông minh với tổng mức đầu tư dự kiến cho đề án này là hơn 304 tỷ đồng. Nguồn chi phí này bao gồm chi phí xây dựng kho dữ liệu du lịch tích hợp, tăng cường thu hút và gia tăng các trải nghiệm cho du khách.
Trong khi đó, PGS. TS Trần Minh Triết, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh cho biết, tương lai không xa, công nghệ thông minh còn có tiềm năng thay đổi bộ mặt du lịch của TP Hồ Chí Minh, từ việc hỗ trợ những khách du lịch bị lạc bằng bản đồ trên thiết bị thực tế ảo (VR), đến việc cung cấp hướng dẫn bằng âm thanh trực tuyến cho những người đang khám phá một địa điểm nào đó. Mặc dù các công nghệ nhập vai VR/AR có tiềm năng cách mạng hóa ngành du lịch nhưng cả hai đều nặng về đồ họa và bộ xử lý, do đó ngành du lịch sẽ được hưởng lợi từ giao tiếp băng thông cao và độ trễ thấp của các kết nối 5G sắp tới.
Hiện nay, tại các quận trung tâm TP Hồ Chí Minh cũng được thành phố phủ sóng mạng 5G miễn phí cho người dân và du khách sử dụng khi tham qua, vui chơi. Đây cũng được xem là bước đệm lớn cho ngành du lịch phát triển sản phẩm du lịch thông minh trong thời gian tới.
Để thực hiện có hiệu quả việc phát triển du lịch thông tin trên địa bàn, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị các doanh nghiệp du lịch nghiên cứu, xem xét xây dựng chiến lược kinh doanh của đơn vị phù hợp với định hướng phát triển du lịch thông minh của thành phố, góp phần thiết thực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung, phát triển du lịch thành phố nói riêng. Trong đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình chuyển đổi số của đơn vị và chia sẻ dữ liệu, tích hợp vào kho dữ liệu dùng chung của thành phố; xây dựng ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động tích hợp bản đồ số du lịch, tham quan thực tế ảo... nhằm tăng cường thông tin du lịch để thu hút khách du lịch và người dân thành phố.
"Hiện nay, du lịch thông minh được xây dựng dựa trên bộ dữ liệu khổng lồ về thông tin du khách được tổng hợp từ nhiều dịch vụ kết nối số khác nhau như Wi-Fi công cộng, trong tương lai gần là kết nối dữ liệu di động 5G. Dữ liệu và khả năng kết nối nhanh này có thể được sử dụng để phối hợp để quản lý các dịch vụ công cộng và thiết kế các công cụ nâng cao trải nghiệm của khách. Sắp tới, với khả năng vượt trội của công nghệ số, ngành du lịch sẽ không phải là ngành duy nhất có khả năng trải qua những thay đổi lớn với việc triển khai công nghệ số mà còn nhiều lĩnh vực khác tại Thành phố, góp phần đẩy nhanh hơn tiến trình Thành phố thông minh tại TP Hồ Chí Minh", bà Phan Thị Thắng cho biết thêm.
(Nguồn: Hoàng Tuyết, Báo TTXVN, Thứ Sáu, 01/07/2022, 05:00 (GMT+7))