Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Sau 6 năm, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Thông giành hơn 40 giải thưởng trong nước và quốc tế, gây ấn tượng với ảnh đời sống, chân dung vùng cao.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Thông (1987) bắt đầu đi chụp tư liệu từ năm 2012 nhưng đến 2015 mới thực sự dấn thân vào bộ môn nghệ thuật này. Sở trường nhiếp ảnh của anh là những tác phẩm chụp về nhịp sống vùng cao miền Bắc, quê hương Bắc Giang và ảnh báo chí, chân dung với nhiều góc ảnh mới lạ.
Trong sự nghiệp nhiếp ảnh, anh đã gặt hái được trên 40 giải thưởng lớn nhỏ trong nước và quốc tế. Lần đầu tiên tham gia sân chơi lớn, anh Thông đã đoạt giải nhì Liên hoan nhiếp ảnh trẻ toàn quốc năm 2015 “Vui chơi bên bức tường tuổi thơ” chụp tại Hà Giang. Năm 2017, anh Thông tham gia Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Giang và trở thành hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.
Bức ảnh “Bữa ăn sáng ở chợ phiên” chụp tại Đồng Văn, Hà Giang đoạt giải đặc biệt tại Cuộc thi ảnh thường niên của Tạp chí Mỹ Smithsonian năm 2018. Năm 2021, bức ảnh xếp nhất ở mục ảnh Ẩm thực trên bàn của Cuộc thi ảnh ẩm thực quốc tế Pink Lady Food Photography.
Mới đây nhất anh Thông còn đoạt giải nhất Vincent Van Gogh Photo Awards 2021 và tổ chức triển lãm cá nhân 25 ảnh với chủ đề Trải nghiệm của con người vào tháng 5/2021 tại Mỹ. Trước đó, các giải thưởng nổi bật phải nhắc tới là giải nhì Festival nhiếp ảnh trẻ toàn quốc 2015; huy chương bạc Liên hoan ảnh nghệ thuật 16 tỉnh miền núi phía Bắc các năm 2015, 2017, 2019; huy chương đồng Ảnh nghệ thuật toàn quốc 2020; ba giải bạc, đồng, khuyến khích cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam 2019, 2021...
Hà Giang là nơi đầu tiên anh Thông làm việc, gắn bó và nhiều thời gian đi chụp nên có các bức ảnh ấn tượng nhất. Từ năm 2012, mỗi lần đi chụp ở Hà Giang là một cảm xúc khác nhau, bị cuốn hút mê mẩn từ cảnh sắc các mùa, con người cho đến nếp sống văn hóa, anh Thông còn xem Hà Giang như quê hương thứ hai của mình.
Bức ảnh “Đường cày trên nương” chụp vào tháng 5/2012 tại huyện Xín Mần. Mỗi buổi chiều sau giờ làm, anh lại một mình rong ruổi khám phá bản làng, và cảnh người phụ nữ vừa địu con vừa bừa ruộng để lại ấn tượng sâu sắc cho nghệ sĩ trẻ.
Tác phẩm “Chợ sớm” chụp tháng 10/2015 với hình ảnh phụ nữ H’Mông dắt bò đi bán ở chợ phiên Đồng Văn, Hà Giang.
“Tôi nghĩ cô ấy phải dậy từ rất sớm để đi bộ từ bản và có mặt ở chợ từ tờ mờ sáng, lúc tôi đến thì thấy cô ấy đứng ở ven chợ, có một chi tiết khiến tôi phải tiếc nuối là không kịp ghi lại khoảnh khắc đáng yêu khi cả hai chú bò và chủ nhân của nó cùng ngái ngủ”, anh Thông chia sẻ.
Tác giả quan niệm “nhiếp ảnh là chạy theo cảm xúc” nên con đường với đam mê nhiếp ảnh của anh sẽ không có điểm cuối và cũng không có đỉnh cao nhất, bất cứ cái gì cũng đẹp và đều tạo nên tác phẩm.
Năm 2015, trong lúc lang thang trên đèo Mã Pì Lèng, anh bắt gặp một phụ nữ H’Mông gùi các bó cây trên lưng với gương mặt cúi gằm nhìn đường, đôi chân vẫn bước đi về phía trước, phía sau là núi non trùng điệp. Đó là một khoảnh khắc đầy cảm xúc bất chợt hiện ra trước mắt được anh Thông đặt tên là “Người đàn bà miền núi”. Bức ảnh đã mang về giải Khuyến khích tại mục Du lịch của Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 11 tại Việt Nam năm 2021 (VN21).
Là sự kiện quan trọng của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam được tổ chức 2 năm một lần, VN21 thu hút 1.518 tác giả từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia với 16.924 tác phẩm được gửi đến.
Có đến 90% ảnh nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Thông chụp ở vùng cao miền Bắc và phần lớn giải thưởng nhiếp ảnh anh giành được cũng thuộc số này. Trong đó có bức “Thu hoạch trúc”chụp năm 2020 ở Lũng Pán, Bảo Lạc, Cao Bằng, được triển lãm tại cuộc thi Ảnh nghệ thuật Việt Nam 2020.
Các chuyến sáng tác của anh Thông chỉ dài 2-3 ngày và thường kết hợp vào cuối tuần và một năm cũng chỉ đi vài chuyến. Anh xác định tác nghiệp nghiêm túc, chụp “đến nơi đến chốn”, nhưng chuyến sáng tác thành công hay không cũng phụ thuộc vào các yếu tố ngoại cảnh.
Trong một chuyến săn ảnh tuyết tại Y Tý, Lào Cai đầu năm 2021, anh cùng bạn bè từ Hà Nội lên nhưng tới nơi chỉ thấy băng giá, từng cơn gió rít lạnh đến mức mặc hết quần áo đem theo mà đến đêm vẫn rét run. Hai ngày sau thời tiết vẫn vậy, mưa phùn, gió rét, không có tuyết rơi, kèm theo đó là một chút thất vọng. Nhưng nhóm vẫn kiên nhẫn đợi đến sáng ngày tiếp theo thì những bông tuyết bắt đầu rơi xuống phủ trắng xóa bản Nhìu Cồ San. Bức ảnh trên có tên là “Tuyết trắng lối về”.
Bức ảnh “Lên nương” chụp tại Quản Bạ, Hà Giang trong một lần đưa con gái tận hưởng tiết trời xuân miền núi năm 2021. Anh còn muốn gợi mở cho con gái những cái nhìn đầu tiên về cuộc sống vất vả, chịu khó của người dân nơi đây. Đó là cảnh một gia đình đang lao động giữa buổi trưa, em bé hai tháng tuổi nằm trong khăn buộc vào bốn cành cây đóng dưới nền đất, bữa ăn của cả gia đình là một nồi cơm nguội cùng với ít dưa cải muối, một bức ảnh để lại rất nhiều cảm xúc về đời sống vùng cao.
Hàng năm, người dân ở cao nguyên đá Đồng Văn thiếu nước từ khoảng tháng 10 đến tháng 3 năm sau, mỗi gia đình có 1-2 người phụ trách việc đi lấy nước, mà phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Mỗi ngày họ dành thời gian từ 2-4 tiếng chỉ để đi lấy nước, và chính điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian lên lớp của trẻ em. Đây cũng bối cảnh ra đời tác phẩm “Mùa đá khát” mà anh Thông chụp đầu năm 2021.
Tác phẩm “Món ngon ngày chợ” chụp tháng 10/2016 tại chợ phiên Cán Cấu, Si Ma Cai, Lào Cai.
Khi đến một vùng đất mới, du khách không nên bỏ qua bảo tàng và chợ, vì đó là nơi lưu giữ lịch sử, văn hóa của vùng đất. Lần nào đi vùng cao, anh thông cũng dành thời gian để đi chợ phiên vì không chỉ đơn giản là nơi mua bán, mà còn là nơi giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc.
Nhắc lại chợ phiên Cán Cấu, anh Thông nhớ lại quán phở ở đây với bát phở thịt gà đen thơm nức trong buổi sáng se lạnh, bánh phở màu hồng tím làm từ gạo lúa nương, ăn kèm ớt chưng mỡ gà, rau cải muối chua, rau thơm và thêm mì chính.
Ngoài các bức ảnh vùng cao, anh Thông còn đặc biệt say mê chụp ảnh Bắc Giang là quê hương nơi anh sinh ra. Trong ảnh là bức “Cuối mùa vụ” - hình ảnh nụ cười phụ nữ đang thu hoạch rơm vào một buổi chiều thu nắng vàng năm 2020 ở Tân Yên. Nông thôn đã áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp, nên những hình ảnh đơn giản và thân thương một thời như thế, nay không còn gặp nhiều.
“Để có một bức ảnh đẹp, có hồn, bạn cần có niềm đam mê, cần nhiều trải nghiệm và vốn sống, quan sát bằng ánh mắt, cảm nhận bằng trái tim và ghi lại bằng cú bấm máy”, anh nói.
“Tình yêu nhiếp ảnh không biên giới” là một trong những tâm niệm mà anh Thông hướng đến. Nhờ nhiếp ảnh, anh có cơ hội giao lưu về văn hóa, kiến thức vùng miền của nước mình với nước bạn.
Ví dụ ở tác phẩm “Sắc màu hồ Inle” chụp tại Myanmar tháng 10/2019 vừa đạt Huy chương đồng tại mục Du lịch trong cuộc thi VN21. Nhờ giao lưu nhiếp ảnh trên mạng xã hội, anh Thông quen một người bạn Myanmar. Về sau, người bạn thành hướng dẫn viên, lái xe đưa anh đi tham quan và chụp ảnh khắp nơi ở Myanmar, trong đó có hồ Inle, bang Shan.
“Ngoài chụp những ngư dân chèo thuyền bằng một chân, tôi còn đến chụp khu làm nghề dệt vải trên hồ, những tấm vải lớn đầy màu sắc phản chiếu xuống mặt hồ thật ấn tượng, khi nhìn chếch đi một chút khiến chúng ta có cảm giác như các khối hình 3D hiện lên trong ảnh”.
(Nguồn: Huỳnh Phương, VnExpress, Thứ ba, 21/9/2021, 02:11 (GMT+7))