Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hawaii là một trong những điểm du lịch nổi tiếng hàng đầu thế giới, giàu tính lịch sử, văn hóa và hệ sinh thái tự nhiên đầy hấp dẫn.
Nhưng mặt trái của sự nổi tiếng chính là việc hòn đảo nghỉ dưỡng này thường xuyên phải đối mặt với tình trạng du lịch quá mức ngày càng trầm trọng. Năm ngoái, hàng chục ngàn du khách Mỹ đã phải rời Hawaii trong tình trạng hỗn loạn khi hòn đảo này 'vật lộn' ứng phó với lượng khách tăng đột biến.
Thời điểm đó, chính phủ Mỹ vừa chính thức nới lỏng một số biện pháp kiểm dịch đối với các chuyến bay trong nước, dẫn tới việc khách du lịch nội địa tràn tới Hawaii đông chưa từng có.
Tình trạng thiếu nhân viên phục vụ khách sạn, đường xá tắc nghẽn và thời gian xếp hàng chờ đợi ở nhà hàng kéo dài tới 90 phút chỉ là một trong số ít các vấn đề mà chính quyền bang phải cố gắng giải quyết trong suốt mùa hè năm ngoái.
Thêm vào đó, các video trên mạng xã hội cho thấy khách du lịch thường xuyên chạm vào hải cẩu tu sĩ, một loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng ở Hawaii hay đi bộ đường dài trên những con đường cấm như Diamond Head.
Thậm chí, trong một buổi họp báo, thị trưởng đảo Maui của bang Hawaii đã phải 'kêu cứu' và nhờ các hãng hàng không hỗ trợ bang bằng cách giảm số lượng các chuyến bay tới đây.
Vì sao các hãng hàng không không hợp tác?
Hawaii được dân Mỹ coi là điểm đến lý tưởng để giải tỏa căng thẳng khỏi các lệnh hạn chế đi lại ra nước ngoài của chính phủ trong thời gian đại dịch bùng phát.
Thị trưởng Victorino chịu trách nhiệm quản lý hòn đảo lớn thứ hai của bang, Maui cho biết đây là một trong những nơi phải căng mình chống đỡ nhất khi lượng khách du lịch tăng đột biến.
Hàng km bãi biển của đảo Maui thu hút tới 300.000 lượt khách mỗi tháng và con số này vẫn đang tiếp tục tăng mạnh hơn cả thời điểm trước khi đại dịch bùng phát.
Trong ba ngày đầu tiên của mùa hè năm 2021, có 35.000 khách du lịch tới đây mỗi ngày - khiến các hãng hàng không gần như không có lý do gì để lắng nghe lời 'thỉnh cầu' của ngài Thị trưởng.
Dân Hawaii nghĩ gì về dòng khách du lịch đang đổ bộ này?
Người dân Maui gần đây đã tỏ ra vô cùng thất vọng sau tin tức về tình trạng thiếu nước sạch khiến họ sẽ bị phạt 500 USD nếu dùng nước sạch để rửa xe, tưới cỏ và một loạt các hoạt động “không thiết yếu” khác liên quan đến nước.
Đa phần trên các trang mạng xã hội, người dân đều bày tỏ quan ngại trước thực trạng du lịch quá mức đang diễn ra ở Hawaii. Ngoài ra, cũng có một số người quan ngại việc những biến thể mới có thể lây lan khi các nhà hàng, địa điểm công cộng đều không thể duy trì việc hoạt động với 50% công suất.
Thị trưởng Victorino giải thích: “Trong hai năm qua, COVID-19 đã ngăn cản việc đi lại của mọi người. Và bây giờ đảo Maui nói riêng và Hawaii nói chung trở thành nơi giải tỏa cho những nhu cầu bị dồn nén đó. Chúng tôi muốn chào đón du khách nhưng chúng tôi cũng cần bảo vệ tài nguyên của quê hương mình".
Các chuyên gia địa phương cho biết mật độ du lịch liên tục tăng cao sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống thường ngày của người dân nơi đây.
Hawaii có thể làm gì để tiến tới du lịch bền vững?
Tiến sĩ Jerry Agrusa, Giáo sư Quản lý Công nghiệp Du lịch tại Đại học Hawai, giải thích rằng tình hình hiện tại vẫn không thể kiểm soát được vì một số lý do.
"Biến thể Delta vẫn vô cùng nguy hiểm và người dân Hawai nên hết sức thận trọng khi có khoảng một triệu khách du lịch đang hiện diện ở đây", ông Agrusa nói.
Ô tô được cho là phương tiện tốt nhất để di chuyển ở một số hòn đảo thuộc Hawaii, nhưng nguồn xe cho thuê lại cực kỳ thấp. Điều này khiến không ít khách du lịch bức xúc và có các hành vi gây rối. Bên cạnh đó, các nhà hàng cũng thường xuyên chật kín khiến du khách và cả người dân địa phương thuyền xuyên phải chờ đợi trong mệt mỏi.
Nhân viên ngành khách sạn trên toàn tiểu bang đều đang phải làm việc gấp đôi thời gian, dẫn đến thái độ phục vụ “uể oải đầy cau có” khiến khách du lịch không hài lòng.
Khách nội địa Mỹ có thể giải quyết phần nào vấn đề?
Tiến sĩ Agrusa đã thực hiện một nghiên cứu về du lịch ở bang này trong suốt tháng 7 năm ngoái, phỏng vấn hàng trăm du khách Mỹ rằng họ có thể làm gì để chuyến đi của họ không ảnh hưởng tới Hawaii và người dân nơi đây.
Và kết quả là một số vấn đề do du lịch quá mức gây ra ở Hawaii có thể được giải quyết bằng việc đa phần du khách Mỹ sẵn sàng trả chi phí cao hơn để tận hưởng kỳ nghỉ của họ cũng như giúp bảo tồn các giá trị và thiên nhiên nơi đây. Khoảng 4 trong số 10 người được hỏi cũng cho biết họ thoải mái nếu việc tăng hóa đơn nhà hàng lên 10% có thể giúp các chuỗi cung ứng thực phẩm địa phương duy trì hoạt động.
Cách tiếp cận ưu tiên cộng đồng này sẽ góp phần giúp Hawaii duy trì được tính hoang sơ, đa dạng về sinh thái nhất trên thế giới. Cơ quan Du lịch Hawaii cũng được trao một khoản trợ cấp lớn để triển khai các chương trình nhằm "quản lý, bảo tồn, phục hồi tài nguyên thiên nhiên và môi trường của Hawaii”.
Ngoài ra, các biện pháp bao gồm tăng gấp đôi giá vé đối với các hoạt động phổ biến dành cho khách du lịch nước ngoài và dịch vụ xe buýt đưa đón thí điểm đã được triển khai để giảm bớt căng thẳng cho các nhà cung cấp hoạt động và phương tiện giao thông công cộng.
Những khách muốn lặn với ống thở tại Vịnh tự nhiên Hanauma nổi tiếng của Oʻahu giờ đây sẽ phải trả 20 USD thay vì 10 USD như trước đây. Nhiều quan chức địa phương cũng đang đưa ra ý tưởng về “phí tác động của du khách” đối với các điểm tham quan khác.
Trong khi đó, người dân địa phương cho rằng cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là du khách nên tạm dừng việc tràn tới Hawaii quá mức như hiện tại. Tuy nhiên, "cơn sốt" Hawaii của du khách khắp nơi dường như chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong "tuần lễ vàng" ở Nhật vừa qua, lượng người đổ sang Hawaii được ghi nhận ở mức cao kỷ lục.
(Nguồn: Đỗ An (Theo EuroNews), Vietnam net, Thứ hai, 09/05/2022)