Englishen

PGS.TS Phạm Hồng Long: Mở cửa du lịch sớm sẽ hưởng lợi sớm

Thứ tư, 23/02/2022, 08:45 GMT+7

PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ với Tạp chí Du lịch TP.HCM trước thời điểm mở cửa du lịch hoàn toàn từ 15/3. 

Mở cửa du lịch quốc tế: có khách nhưng không nhiều
Dưới góc độ chuyên gia, ông đánh giá như thế nào về mốc thời gian mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế và nội địa từ 15/3?

Thật sự là trong 2 năm vừa qua, đại dịch đã làm đình trệ ngành du lịch Việt Nam và nhiều quốc gia thế giới. Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, nhiều quốc gia đã mở cửa du lịch trở lại. Một điều rõ ràng là khi ngành du lịch thế giới được khởi động lại, nước nào mở sớm thì sẽ được hưởng lợi sớm.

TSTtourist-pgsts-pham-hong-long-mo-cua-du-lich-som-se-huong-loi-som-1PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Qua 2 năm, các công ty du lịch và ngành du lịch Việt Nam rất mong muốn được mở cửa trở lại để phục hồi. Do đó, mốc 15/3 tôi cho rằng đã được tính toán kỹ lưỡng của Bộ VHTTDL và các bộ ngành liên quan. Đây là một tín hiệu rất vui cho ngành du lịch nước nhà.

Mở cửa lần này kèm theo nhiều điều kiện đã được nới lỏng hơn trước, chẳng hạn không cần đăng ký tour tuyến, miễn visa như trước năm 2019. Theo ông như vậy đã đủ hấp dẫn du khách chọn Việt Nam làm nơi du lịch sau đại dịch?

Thực tế, vấn đề visa của Việt Nam vẫn còn nhiều chuyện phải bàn, tuy vậy việc nới lỏng hàng loạt điều kiện cũng là thông điệp cho thấy Việt Nam bước đầu khống chế được dịch bệnh và đã sẵn sàng mở cửa.

TSTtourist-pgsts-pham-hong-long-mo-cua-du-lich-som-se-huong-loi-som-2Nhóm khách quốc tế đầu tiên đến Quảng Nam sau thời gian dài đóng cửa. Ảnh: VNA.

Tuy nhiên, tôi cho rằng thời điểm này chúng ta chưa nên kỳ vọng sẽ đón được khách du lịch nhiều như năm 2019 hay năm 2018. Thực tế, việc đi lại giữa các quốc gia trên thế giới hiện tại vẫn chưa thật sự ổn định, số ca nhiễm Covid-19 vẫn còn ở mức cao tạo ra nhiều rào cản lớn. 

Nhưng chúng ta vẫn phải mở cửa để thu hút một lượng khách nhất định. Ngành du lịch Việt Nam cũng đặt kỳ vọng đạt 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay, tức là gần bằng 1/4 so với giai đoạn trước đó. 

Vậy theo ông, chúng ta mất bao lâu nữa để khôi phục lại hoàn toàn ngành du lịch?

Câu hỏi này tôi nghĩ phụ thuộc rất lớn vào việc chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh và sự sẵn sàng của chúng ta khi đối diện với dịch bệnh. Như tôi đã nói, hiện tại chúng ta có nghị quyết 128, nó khác với trước đây khi chúng ta bám theo chính sách zero Covid. Do vậy, mặc dù mỗi ngày đều ghi nhận ca mắc mới, nhưng ca nặng, ca tử vong đã giảm đi rất nhiều. 

TSTtourist-pgsts-pham-hong-long-mo-cua-du-lich-som-se-huong-loi-som-3Ngành du lịch Việt Nam kỳ vọng đạt 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022 

Không chỉ ở Việt Nam, chúng ta còn phải quan tâm đến tình hình thế giới. Cho tới khi nào khách nước ngoài cảm thấy an toàn và đi lại bình thường và chính ngành du lịch thế giới phục hồi thì ngành du lịch của chúng ta mới có thể phục hồi.

Tổ chức Du lịch thế giới cũng vẽ ra nhiều kịch bản, lạc quan nhất là giữa năm 2022 sẽ phục hồi, trung tính là năm 2023, kém lạc quan nhất là năm 2024. 3 kịch bản này cũng là cơ sở để Việt Nam tham khảo. 

Đối với thị trường nội địa, nếu chúng ta tiếp tục chiến lược như hiện nay, tôi cho rằng sẽ phục hồi từ cuối năm nay, có thể đạt được con số 85 triệu khách như năm 2019. Thực tế, năm 2020 chúng ta đã đạt được gần một nửa. Nhưng đối với thị trường quốc tế, tôi cho rằng có lẽ phải đến năm 2024 thì chúng ta mới đạt được lượng khách tương đương như năm 2019.

Thị hiếu của khách thay đổi rất nhiều sau đại dịch
Năm 2020 và đặc biệt là 2021, nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành đóng băng, họ đang gặp nhiều khó khăn khi khởi động lại. Theo ông, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ như thế nào và nên thay đổi như thế nào trong bối cảnh mới? 

Sau 2 năm, theo con số thống kê chưa chính thức thì có đến 95% doanh nghiệp du lịch giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, 5% còn lại hoạt động khá lay lắt. Trước ngày mở cửa 15/3, Chính phủ và Bộ VHTTDL đã tổ chức rất nhiều buổi họp, điểm cầu lấy ý kiến doanh nghiệp. Từ đó, có thể đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ tài chính, tín dụng, an sinh xã hội và các chính sách khác như giảm tiền điện với các cơ sở lưu trú, giảm thuế đất, VAT, lãi vay, khoanh hạn những khoản nợ chưa chi trả, hỗ trợ hướng dẫn viên…

Một khi các doanh nghiệp sẵn sàng thì ngành du lịch Việt Nam mới có thể trở lại mạnh mẽ.

TSTtourist-pgsts-pham-hong-long-mo-cua-du-lich-som-se-huong-loi-som-4TP.HCM đã có hơn 3.000 phòng sẵn sàng phục vụ du khách quốc tế. Ảnh: InterContinental Saigon.
Bên cạnh đó, chuỗi liên kết sản phẩm đã đứt gãy rất nhiều sau 2 năm dịch, chẳng hạn doanh nghiệp du lịch không còn liên kết tốt với các đối tác như nơi nghỉ dưỡng, nhà hàng, mua sắm,... do những nơi này ngừng hoặc hoạt động lay lắt. Do đó, doanh nghiệp du lịch cần trở thành vị trí đầu mối để liên kết lại chuỗi này.

Về vấn đề nhân sự, doanh nghiệp lữ hành mà đặc biệt là doanh nghiệp lưu trú, thì thiếu hụt nhân sự ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Trong công ty du lịch, nhân sự chỉ có thể 5 - 10 người, nhưng trong các cơ sở lưu trú, nhân sự thường rất nhiều, một số có thể lên đến cả ngàn người. Sau dịch, làm sao để mời gọi được nhân sự vừa chất lượng, tay nghề cao lại đáp ứng đủ số lượng là rất khó. Do vậy, cần phải có sự vào cuộc của cả ngành.

Đợt Tết vừa qua, các điểm du lịch ghi nhận khách tăng cao với hơn 6 triệu lượt trong 9 ngày nghỉ Tết. Tuy nhiên, lượng khách book tour không nhiều, việc này liên quan đến thị hiếu của khách thay đổi rất nhiều sau dịch, khách đi theo nhóm nhỏ, bạn bè hoặc gia đình, thay vì đi theo một đoàn lớn do các công ty tour sắp xếp.

Bên cạnh đó, khách cũng thích đặt tour online chứ không ra thẳng cửa hàng, quầy dịch vụ nữa. Trước đây các công ty hay bán tour trọn gói, nhưng giờ đây có lẽ nên bán theo tour đơn lẻ hoặc combo một số dịch vụ, trải nghiệm, đi lại, ăn uống, phù hợp theo nhu cầu thay vì tất cả trong một.

Trong đại dịch, ngành nào cũng bị ảnh hưởng song ngành công nghệ thông tin lại được hưởng lợi và phát triển rất mạnh. Các ngành khác vì vậy cũng phải thích ứng và chuyển đổi số, nhất là du lịch. Việc đáp ứng nhu cầu đặt tour và trải nghiệm nhiều dịch vụ online hơn của khách hàng là vấn đề mà các doanh nghiệp du lịch nên xem xét và thay đổi.

TSTtourist-pgsts-pham-hong-long-mo-cua-du-lich-som-se-huong-loi-som-5TP.HCM kỳ vọng đón 3,5 triệu khách ngoại trong năm 2022. Ảnh: Shutterstock.

Ông đánh giá như thế nào về mức độ sẵn sàng của ngành du lịch Việt khi chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến thời điểm 15/3?

Tôi nhìn nhận ngành du lịch Việt Nam đã sẵn sàng từ khi Chính phủ ra nghị quyết 128 về thích ứng an toàn. Trong suốt thời gian từ tháng 10/2021 đến nay, du khách trong nước đã có cơ hội tiếp cận nhiều trải nghiệm du lịch. 

Thực tế, sau 4 tháng thí điểm, tại 5 tỉnh, thành phố đón được 9.000 khách quốc tế. Bây giờ khi mở cửa lại thì rơi vào giai đoạn thấp điểm của khách quốc tế, vì vậy sẽ không tạo ra quá nhiều áp lực, tôi nghĩ rằng ngành du lịch Việt Nam sẵn sàng đáp ứng được mọi điều kiện để chào đón khách.

Để đón khách quốc tế và cạnh tranh với các quốc láng giềng như Thái Lan, Indonesia, Singapore, thì các sản phẩm du lịch của chúng ta cần phải thay đổi như thế nào?

Tôi cho rằng đây là một câu hỏi rất thú vị. Hiện tại, có một số quốc gia đã mở cửa như Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Campuchia, do đó sự cạnh tranh trong khu vực là rất lớn. Khi mở cửa thì cái chúng ta bàn đến phải là sản phẩm và dịch vụ.

Chiến lược phát triển sản phẩm ngành du lịch Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn 2030, có 4 sản phẩm chính: du lịch biển đảo, du lịch tự nhiên sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch đô thị. Đây là dòng thế mạnh của chúng ta, song các quốc gia khác cũng có tương tự. Vì vậy chúng ta sẽ không cạnh tranh ở các dòng sản phẩm mà cạnh tranh trong sự đổi mới, sáng tạo với trải nghiệm mới mẻ hơn.

TSTtourist-pgsts-pham-hong-long-mo-cua-du-lich-som-se-huong-loi-som-6Việt Nam có nhiều thế mạnh về sông núi biển đảo nhưng các quốc gia khác cũng có tương tự. Vì vậy, du lịch Việt cần đổi mới, sáng tạo, đưa lại trải nghiệm mới mẻ hơn cho du khách

Trong đại dịch, các doanh nghiệp đã kết hợp với nhau để cho ra mắt các sản phẩm thú vị, chẳng hạn như caravan. Đây là loại hình có thể kết hợp cả 4 sản phẩm du lịch kể trên, đi caravan có thể đến vùng núi, khu bảo tồn, đồng bằng hay vùng biển... Đây là loại hình giúp tăng điểm đến và trải nghiệm trong một hành trình. Tôi thấy đây là cách làm sáng tạo.

Hoặc sản phẩm du lịch văn hóa đi thăm nhà tù Hỏa Lò, trước đây du khách chỉ đến đây và nghe rồi tự trải nghiệm, thì hiện nay tour tham quan này đã đổi mới rất nhiều, khách đến có thể tự đóng vai nhân vật, trải nghiệm đêm ngục tối hay thưởng thức món ăn thời trước...

Đây chỉ là một vài ví dụ, điều căn bản nhất tôi muốn nói đó là tính sáng tạo của chúng ta trong cùng một sản phẩm du lịch, tăng cường trải nghiệm cho khách nhiều nhất có thể.

TSTtourist-pgsts-pham-hong-long-mo-cua-du-lich-som-se-huong-loi-som-7Du lịch caravan tại Hà Nội

Hiện tại, khách du lịch khi chi tiêu, sử dụng dịch vụ thì họ quan tâm nhất là sự an toàn. Do đó cần xây dựng hình ảnh Việt Nam an toàn cho du khách mà thực tế hiện nay chúng ta cũng đã có slogan là “Live Fully Vietnam”. Có lẽ đây sẽ là yếu tố khác biệt của du lịch Việt Nam so với các nước.

Một ý nữa, đó là hoạt động xúc tiến quảng bá. Hiện nay thì quảng bá qua các kênh trực tuyến vẫn là quan trọng nhất khi các kênh truyền thống chưa khôi phục lại hoàn toàn. Chúng ta có thể xúc tiến qua các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, trên các đại lý toàn cầu của các doanh nghiệp du lịch, mạng xã hội...

Xin cảm ơn ông!

(Nguồn: Bùi Trung Dũng (thực hiện), Tạp chí Du lịch TP.HCM,