Englishen

Phía sau khu phố cổ trăm năm Đại Đạo Trình

Thứ sáu, 30/09/2022, 08:41 GMT+7

Phải đến lần thứ 3 sang Đài Loan, tôi mới có thời gian thăm khu phố cổ nổi tiếng Dadaocheng (Đại Đạo Trình) ở Đài Bắc. Đằng sau khu phố cổ 150 năm tấp nập du khách là bài học đáng ngẫm về bảo tồn di sản của người Đài Loan.

Khu phố cổ 150 năm tuổi có 77 công trình lịch sử
David Ko, viên chức Đài Loan mời chúng tôi dùng bữa trưa ở nhà hàng Tong An Le trên phố Dihua (Ngạch Hóa), nằm giữa khu phố cổ Đại Đạo Trình. Đó là ngôi nhà cổ kính dạng ống còn khá nguyên vẹn được dùng làm nhà hàng, với cửa kính khung gỗ được kéo ra dẫn vào bên trong. Sự yên tĩnh bao trùm nhà hàng này, với đồ nội thất trông giống của một gia đình chứ không phải quán ăn. Chúng tôi dùng bữa kiểu Đài Loan, thịt hầm, rau cải xanh, cơm trắng và tráng miệng với yến và trái cây tươi. Điểm đặc biệt là nhà hàng bố trí 2 nghệ sĩ chơi đàn tỳ bà và đàn tam thập lục trong lúc thực khách dùng bữa.

Những căn nhà cổ có mặt tiền hẹp nhưng sâu vào bên trong (ảnh: THÀNH TRUNG)

Ăn xong, chúng tôi đi dạo một vòng quanh phố cổ Đại Đạo Trình. Anh hướng dẫn viên phát cho mỗi người một chiếc tai nghe để vừa đi vừa tìm hiểu về lịch sử khu phố. Đến mỗi chỗ đặc biệt như cửa hàng bán trà cụ, hay các loại thảo dược quý, hướng dẫn viên lại dừng lại thuyết minh kỹ để cả đoàn cùng nghe. Đại Đạo Trình có rất nhiều cửa hàng kinh doanh các mặt hàng đặc trưng của Đài Loan, như trà, sâm, đông trùng hạ thảo, thuốc bắc, đồ lưu niệm...

Đến một tiệm trà thảo dược kiểu Đài Loan trưng biển Taiwanese Herbal Tea, hỏi chuyện mới biết bà chủ đã mở tiệm này được 30 năm, rất đông khách. Tiệm đơn giản gồm 1 quầy bán trà bên ngoài và khu tích trữ trà, đóng gói bên trong. Uống trà thảo mộc có vị ngọt dịu, hậu vị thơm đọng mãi trong cổ, dễ chịu.

Đại Đạo Trình có diện tích tương đối lớn, khoảng 40,4 ha, bao gồm 77 công trình lịch sử và 6 công trình di tích. Chính phủ Đài Loan có chiến lược bảo tồn Đại Đạo Trình từ lâu và kiên trì thực hiện để gìn giữ di sản cổ này. Quy định nhằm tôn tạo và bảo vệ các di sản thuộc Đại Đạo Trình, bao gồm việc bồi thường cho các chủ sở hữu các công trình cổ được bảo tồn tại khu phố cổ, kể cả chi phí “bù đắp” cho việc không được mở rộng, cơi nới, xây mới ngôi nhà của mình. Thực chất, đây là sự học tập cách làm của thành phố New York, Mỹ với mô hình chuyển nhượng quyền phát triển (transfer of development right - TRD).

Tiệm trà thảo dược (ảnh: THÀNH TRUNG)

TDR là công cụ điều tiết phát triển thông qua quy hoạch, cho phép hạn chế chỉ tiêu sử dụng đất (cụ thể là hệ số sử dụng đất) tại một lô đất cụ thể (vì mục tiêu nào đó) bằng cách chuyển giao một phần hoặc toàn phần quyền phát triển trên lô đất đó sang lô đất khác (có khả năng tiếp nhận phát triển).

Dadaocheng có lịch sử tương đối lâu đời, đến nay đã trên 150 năm, lại là nơi tập trung dày đặc các công trình kiến trúc cổ và đa dạng, bao gồm nhà phố dạng ống, cửa tiệm buôn bán, văn phòng và các công trình tín ngưỡng như đền chùa miếu mạo. Một căn nhà phố truyền thống ở đây có nhiều nét khá giống với nhà phố cổ Hà Nội, cũng kiểu hình ống, kéo dài với mặt tiền nhỏ, có sân ở giữa lấy không khí và ánh sáng. Phía ngoài cùng được dùng làm nơi bán hàng, có gác lửng để cất trữ hàng hóa, tiếp đến là nơi ở chính của gia chủ, cuối cùng là khu vực chứa đồ và bếp ăn.

Hướng dẫn viên cho biết, nhà ống tại đây có 2 lối ra vào: đường lớn phía trước và đường phụ phía sau, nên rất thoáng. Nhưng quan trọng nhất là người dân hợp tác tốt với chính quyền, không tự ý cơi nới ngôi nhà họ sinh sống...

Con phố cổ ngăn nắp, gọn gàng nhưng nhộn nhịp bán buôn, từ lâu đã là điểm thu hút du khách (ảnh: THÀNH TRUNG).

Bài học đơn giản
Đi dạo quanh phố cổ Đại Đạo Trình du khách cảm thấy nhẹ nhàng, thư giãn. Xe máy tay ga, xe hơi đi lại thường xuyên nhưng luôn giữ đúng làn đường, người đi bộ thì tôn trọng luật nên không có xung đột giao thông. Các hộ kinh doanh buôn bán nhộn nhịp tấp nập khách khứa, nhưng giữ được sự chừng mực trong lời ăn tiếng nói, trong cách cư xử.

ôi ghé vào một tiệm bán trà cụ, người bán hàng là phụ nữ khá lớn tuổi ngay lập tức chạy ra đon đả, hỏi tôi cần mua gì bằng tiếng Anh. Khi biết tôi chỉ muốn ngắm những chiếc ấm tử sa, bà vẫn vui vẻ mỉm cười và còn mời dùng trà. Hầu như các cửa tiệm ở khu này đều rất lịch sự, hiếu khách. Tuyệt đối không có cảnh lườm nguýt hay to tiếng với khách du lịch.

Nhìn lại lịch sử Đại Đạo Trình không phải không có những thăng trầm. Vào những năm 1980 của thế kỷ 20, chính quyền thành phố Đài Bắc đã tiến hành đổi mới về quy hoạch đô thị, trong đó phố Dihua - tuyến phố chính của khu phố cổ Đại Đạo Trình dự kiến được mở rộng từ 7,8m lên 20m. Ngay sau đó, tại phố cổ đã xuất hiện một số công trình cao tầng có kiến trúc hiện đại, đe dọa phá vỡ quy hoạch đặc biệt của phố cổ.

Con phố với những ngôi nhà cổ này xém bị phá bỏ để làm đường (ảnh: THÀNH TRUNG).

Nhiều ý kiến phản biện xuất hiện, phản đối dự án mở rộng đường, buộc các cơ quan quản lý phải xem xét lại vấn đề bảo tồn Dadaocheng, dẫn đến việc vào ngày 1.2.2000, thành phố Đài Bắc đã phê chuẩn “Điều lệ quy hoạch đô thị”. Trong đó, lần đầu tiên Dadaocheng được chính thức xác định là “khu vực đô thị lịch sử đặc biệt”, đồng nghĩa được bảo vệ bằng cơ sở pháp lý rõ ràng.

Điều lệ quy hoạch đô thị Đài Bắc quy định Khu đô thị lịch sử đặc biệt Dadaocheng được quản lý bởi Sở Quy hoạch đô thị Đài Bắc và được bảo tồn thông qua các nội dung chính, bao gồm: Bảo tồn cảnh quan đường phố lịch sử bằng quy chế thiết kế đô thị; lập danh mục bảo vệ và khôi phục nhà và các công trình cổ; cải thiện điều kiện giao thông; cải thiện môi trường; ngăn ngừa thảm họa...

Có thể thấy, bài học bảo tồn và phát triển Dadaocheng bền vững cho đến ngày nay sau 150 năm chứng minh một điều: bất cứ chính quyền đô thị nào cũng đủ năng lực và điều kiện để quản lý một di sản cổ kính mà không cần thiết phải “đập cũ, xây mới”.

(Nguồn: Thành Trung, Thanh Niên, 07:42 - 30/09/2022)