Englishen

Những điều có thể bạn chưa biết về Tết cổ truyền Việt Nam

Thứ sáu, 19/01/2024, 10:09 GMT+7

Mỗi dân tộc trên thế giới đều có ngày Tết để đón chào năm mới của riêng mình. Tuỳ theo phong tục tập quán, điều kiện địa lý, điều kiện lịch sử văn hoá mà mỗi dân tộc tổ chức đón Tết khác nhau về hình thức, nội dung, tính cộng đồng và cả thời điểm đón năm mới. Ở Việt Nam, Tết Nguyên đán hay Tết cổ truyền là một trong những lễ hội quan trọng nhất và là biểu tượng của văn hóa, di sản tinh thần được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Ngày Tết cổ truyền Việt Nam không chỉ mang lại niềm vui và hạnh phúc cho mỗi người, mà còn giúp duy trì, phát huy những giá trị đạo đức, giá trị nhân văn của dân tộc. Trong bài viết này, TSTtourist sẽ giới thiệu cho bạn những điều mới lạ về Tết cổ truyền Việt Nam, từ tên gọi, ý nghĩa cho đến những sự khác biệt về Tết của các dân tộc Chăm, Hoa, Khmer,...

Độ đầu Tháng Chạp, không khí Tết Việt đã tràn ngập khắp nơi

Tết cổ truyền Việt Nam đặc biệt như thế nào? 

Ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam là lễ hội lớn nhất và ý nghĩa nhất trong năm. Đây là dịp để tạ ơn các vị thần mùa xuân, thờ cúng tổ tiên và thăm hỏi người thân,... Tết cổ truyền Việt Nam có rất nhiều phong tục và ý nghĩa sâu sắc.

Tết cổ truyền là gì? 

Để giới thiệu Tết cổ truyền Việt Nam (hay còn được gọi là Tết Nguyên đán) phải nói tới khái niệm Tết cổ truyền là gì? Theo các nhà nghiên cứu dân tộc học, chữ “Tết” của người Việt xuất xứ từ chữ Hán đọc theo âm Hán Việt là “Tiết”, có nghĩa là đốt tre, đốt trúc, mở rộng nghĩa là phân các đoạn thời gian trong năm. Tết là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Còn chữ “Nguyên Đán” có gốc chữ Hán, “Nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và “Đán” là buổi sáng sớm. Cho nên đọc đúng phiên âm phải là “Tiết Nguyên Đán”.

Tết Nguyên Đán được người Việt Nam gọi với cái tên rất thân thương là “Tết ta” để phân biệt với “Tết tây” (Tết Dương lịch). Vì âm lịch là lịch theo chu kỳ vận hành của mặt trăng nên Tết Nguyên đán thường muộn hơn Tết Dương lịch.

Tết cổ truyền Việt Nam là ngày chào mừng khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Bên cạnh đó, đây còn được coi là ngày “làm mới”, ngày để mọi người có thể hy vọng vào một năm mới an lành, sung túc, thuận lợi trong cả năm và gác lại mọi điều không may mắn trong năm cũ.

Ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền Việt Nam? 

Chính vì mang tính chất là sự khởi đầu, một tháng mới, mùa mới, năm mới, cho nên Tết cổ truyền có ý nghĩa rất lớn trong đời sống của người Việt. Đặc biệt, trong những ngày Tết Nguyên đán, bàn thờ lúc nào cũng đầy ắp mứt trái cây, bánh chưng, hoa quả để thể hiện sự kính trọng và lòng biết ơn các vị thần, tổ tiên, cha ông đã ban cho một năm an lành, bình yên và bội thu.

Thêm vào đó, đối với người Việt, Tết Nguyên đán là khoảng thời gian quan trọng, nhất là với những người đi làm ăn xa nhà, chỉ mong trở về sum vầy cùng gia đình, tận hưởng niềm vui đoàn tụ. Ngày Tết còn là lúc ta hướng về, thực hiện các tập tục văn hóa (phong tục, tập quán) tốt đẹp với gia đình, dòng họ, bạn bè và những gì đẹp nhất, ngon nhất đều được dành cho ngày Tết.

Tết là dịp để sum vầy

Đó là một trong số rất nhiều ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền, tác động sâu sắc vào tâm thức của bao thế hệ người Việt. Vì vậy, dù trải qua biết bao thời gian nhưng những phong tục đón Tết, vui Tết cổ truyền của người Việt vẫn giữ được những nét văn hóa riêng, đậm đà bản sắc.

Ý nghĩa một số biểu tượng trong ngày Tết 

Bao lì xì

Bao lì xì - biểu tượng của sự may mắn

Bao lì xì là một trong những nét văn hóa tốt đẹp trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Đây là những chiếc phong bì màu đỏ chứa tiền mặt, được người lớn tặng cho trẻ em hoặc người thân khi được mừng tuổi và gửi lời chúc nhau trong năm mới. Bao lì xì có nguồn gốc từ Trung Quốc, là phiên âm của từ "lợi thị" có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn.

Bao lì xì cũng mang ý nghĩa về sự tôn trọng và tương trợ lẫn nhau trong gia đình, thể hiện tình cảm và lòng biết ơn giữa các thế hệ. Bao lì xì không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà còn có ở ngày Tết Singapore, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản,... với những hình thức và quan niệm khác nhau. Bao lì xì là một phong tục đẹp và ý nghĩa, góp phần tạo nên không khí vui tươi và ấm áp trong dịp Tết cổ truyền.

Bánh chưng

Bánh chưng là một loại bánh truyền thống của người Việt Nam, được làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt heo và lá dong. Bánh chưng có hình vuông, tượng trưng cho Đất và có màu xanh của lá dong, tượng trưng cho sự sống. 

Bánh chưng hình vuông tượng trưng cho Đất

Bánh chưng xuất hiện từ rất lâu, theo truyền thuyết là do hoàng tử Lang Liêu nảy ra ý tưởng để dâng lên vua cha Hùng Vương thứ 6 vào dịp Tết Nguyên đán. Vua Hùng rất ấn tượng với ý nghĩa của bánh chưng, là sự kết hợp của trời đất và cha mẹ, là tinh hoa của lúa nước, là biểu hiện của lòng biết ơn và hiếu thảo. Vua Hùng đã truyền ngôi cho Lang Liêu và ra lệnh cho dân chúng làm bánh chưng vào mỗi dịp Tết để cúng tổ tiên và thể hiện tình cảm gia đình. Bánh chưng cũng được gói vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch để giỗ tổ Hùng Vương.

Cho đến nay, bánh chưng vẫn là món bánh không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam, là món quà ý nghĩa mang đến sự trọn vẹn và phúc hậu cho người thân và bạn bè.

Cây nêu

Cây nêu - biểu tượng văn hóa, tâm linh của người Việt

Cây nêu cũng là một trong những hình ảnh quen thuộc của ngày Tết cổ truyền Việt. Theo quan niệm, 23 Tháng Chạp - ngày Táo Quân về trời là ngày dựng nêu, đến Mùng 7 Tết thì hạ nêu. Nêu được dựng trước nhà hoặc trước cổng, hướng ra đường hoặc ra sông. Cây nêu phải được dựng thẳng đứng, không được cong quẹo, phải được dựng chắc chắn, không được rung lắc hay đổ ngã.

Cây nêu thường cao 5 - 6m, treo nhiều thứ trên ngọn như: vàng mã, bầu rượu, cá chép bằng giấy, những chiếc khánh,… kêu leng keng báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây có chủ, không được đến quấy phá. Dựng cây nêu là một phong tục cổ truyền có ý nghĩa sâu sắc, không chỉ là một cây tre đơn thuần, mà còn là một biểu tượng của văn hóa, tâm linh và nhân sinh của người Việt.

Câu đối đỏ 

Câu đối có nguồn gốc từ Trung Quốc, được du nhập vào Việt Nam từ thời nhà Lý và phát triển mạnh mẽ ở thời nhà Nguyễn. Theo truyền thống, hầu như nhà nào cũng có tục treo câu đối đỏ. Câu đối thường được treo ở hai bên cửa nhà hoặc ở các nơi trang trọng để bày tỏ tâm ý, quan điểm, mong ước của gia chủ hoặc tác giả.

Câu đối có thể được viết bằng chữ Hán hoặc chữ Quốc ngữ, thường có liên quan đến chủ đề mùa xuân, tết, phúc lộc, an khang, thịnh vượng, học hành, công danh,... 

Câu đối như một lời chúc may mắn dành cho gia chủ

Câu đối Tết thường được viết trên giấy có màu hồng đào, màu đỏ. Theo quan niệm của người Việt xưa thì đây là những gam màu rực rỡ, vui tươi. Vì vậy, từng câu từng chữ được viết trên giấy như một lời cầu chúc, cầu mong sự may mắn, hạnh phúc suốt cả năm.

Treo câu đối còn hướng con người đến cái đẹp “chân- thiện-mỹ”, từ lâu đã trở thành nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Trong những câu đối Tết luôn ẩn chứa sự kính yêu, chân thành đối với ông bà cha mẹ, hay những lời chúc an khang, thành đạt tới mọi người xung quanh trong dịp Tết đến xuân về.

Hoa Tết

Ngày Tết cổ truyền Việt Nam thêm rực rỡ nhờ những sắc hoa tươi tắn

Hoa là một phần không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Mỗi loại hoa đều có ý nghĩa riêng, mang đến những điều tốt lành cho gia chủ và khách đến chơi. Một số loại hoa Tết phổ biến phải kể đến như: hoa mai - biểu tượng cho Tết miền Nam, nở rộ dịp xuân về, mang ý nghĩa của sự may mắn, thịnh vượng, hạnh phúc trong năm mới; hoa đào - loài hoa đặc trưng cho Tết miền Bắc, khoe sắc hồng tươi thắm khi xuân sang, tạo nên một khung cảnh đẹp như tranh vẽ. Hoa đào có ý nghĩa xua đuổi điều xui xẻo, mang lại sự ấm áp, tình cảm gia đình gắn bó. Hay hoa cúc là loài hoa được nhiều người ưa chuộng vì màu sắc đa dạng và hương thơm dễ chịu. Hoa cúc có ý nghĩa mang đến phúc lộc, sự hoan hỉ cho gia chủ.

Những điều kiêng kỵ trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam

Để có một cái Tết trọn vẹn và may mắn, người Việt cũng có những quan niệm kiêng kỵ trong ngày Tết mà bạn nên biết và tránh làm như:

  • Không quét nhà, đổ rác vào ngày Mùng 1: Theo quan niệm truyền thống, quét nhà và đổ rác trong ngày này là quét hết tài lộc trong năm mới ra khỏi nhà.
  • Không làm vỡ đồ dùng trong gia đình: Người Việt rất kỵ làm vỡ bát đĩa, ly tách, gương trong ngày đầu năm vì sự đổ vỡ đó như báo hiệu sự chia cắt, đứt lìa, điều không thuận lợi trong các mối quan hệ trong năm mới.
  • Không cãi nhau: Tết là thời điểm con cháu sum vầy, cả nhà đoàn tụ, mong muốn niềm vui đến cho cả năm, nếu cãi nhau ngày đầu năm xem như cả năm của bạn sẽ gặp nhiều khúc mắc, không vui.
  • Không nói điều xui, tiêu cực: Đầu năm mới, người Việt cho rằng chỉ nên tiếp nhận điều vui, nói lời hay ý đẹp, không khí vui vẻ, tránh nói những điều xui xẻo, cãi vã bất hòa dẫn đến cả năm không được hưởng phúc, hưởng lộc.

Ngoài ra, còn có một số điều kiêng kỵ khác tùy theo từng miền, từng vùng. Ví dụ, người dân miền Trung có tục kiêng ăn trứng vịt lộn, thịt vịt, thịt chó trong ngày Tết và cả tháng đầu năm vì người ta cho rằng ăn thịt vịt sẽ gặp xui xẻo. Một số vùng không ăn tôm vì sợ “đi giật lùi như tôm”. Ngày Tết kiêng mặc quần áo màu trắng, màu đen mà nên chọn những sắc màu vui tươi, đẹp mắt,...

Tết cổ truyền của các dân tộc Việt Nam khác nhau ra sao?

Tết cổ truyền của người Chăm

Tết Ka Tê của người Chăm

Dân tộc Chăm có hàng trăm lễ hội dày đặc quanh năm. Trong đó đáng chú ý là lễ hội Ka Tê, tương tự như Tết Nguyên đán của người Việt. Đến tháng Ka Tê, đồng bào người Chăm rộn ràng mở hội, mọi công việc đều tất bật để chuẩn bị cho Tết Ka Tê như dọn dẹp nhà cửa, mua sắm quần áo mới,...

Lễ hội Ka Tê kéo dài cả tháng nhưng tập trung vào ba ngày chính, từ ngày 30 tháng 6 đến ngày 2 tháng 7 theo lịch Chăm. Như vậy, đây là lễ hội giữa năm và cũng là dịp để đồng bào tưởng nhớ, cúng bái tổ tiên, cúng dường các sư, thỉnh các nhà sư tụng kinh nơi tháp cốt để cầu siêu cho người thân đã khuất.

Tết cổ truyền của người Hoa

Hiện nay, người Việt gốc Hoa sinh sống tập trung đông nhất ở quận 5, quận 6 và quận 11 TP.HCM. Qua nhiều thế hệ, cộng đồng người Hoa vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống rất riêng của mình. Họ cũng có Tết Nguyên đán trùng với ngày Tết cổ truyền Việt Nam.

Khi bước sang Tháng Chạp, người Hoa chọn ngày tốt để quét, dọn dẹp nhà cửa, làm lễ tạ thần. Sau đó, tới lễ đưa ông Táo, khác với người Việt cúng Tết ông Công ông Táo vào tối 23 Tháng Chạp, người Hoa ở TP. HCM thường tiễn ông Táo về trời vào sáng 24 Tháng Chạp. Vật cúng ông Táo thường có các món ngọt như kẹo thèo lèo và quýt. Trong tiếng Hoa, “quýt” đồng âm với “cát” (cát tường nghĩa là may mắn). Người ta hy vọng ông Táo sẽ tâu những lời tốt lành, mang lại may mắn cho gia đình.

Bánh tổ trong ngày Tết của người Hoa

Trong mâm ngũ quả của người Việt thường có mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài, ý muốn trong năm mới “cầu vừa đủ tiền xài và sung túc, hạnh phúc''. Còn người Hoa thường có quýt, bánh bao, bánh tổ. Tiếng Hoa gọi bánh bao là “phát bao”, bánh tổ là “niên cao”. Tựu trung đều mang ý nghĩa ước mong cho năm mới, gia chủ được may mắn, phát tài, trường thọ, năm sau sẽ tốt hơn năm trước.

Tết cổ truyền của người Hoa cũng là dịp để thể hiện sự kính trọng, tri ân và gắn kết giữa các thế hệ trong gia đình, cộng đồng. Đây còn là lúc để giới thiệu và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Hoa trong dòng chảy thời gian.

Tết cổ truyền của người Khmer

Người Khmer xem đắp núi cát là một tập tục quan trọng giúp họ tích đức và bình an qua mỗi năm

Tết Chôl Chnăm Thmây được tổ chức vào độ khoảng giữa tháng Tư Dương lịch hàng năm, bởi người Khmer cho đây là điểm giao thời giữa mùa nắng và mùa mưa. Lúc này, sức sống của thiên nhiên trỗi dậy mạnh mẽ, cỏ cây cũng bắt đầu trở lại tươi tốt. Việc tổ chức Tết Chôl Chnăm Thmây của người dân Khmer có ý nghĩa như cầu xin mùa khô qua mau để bắt đầu mùa vụ mới.

Có rất nhiều nghi lễ truyền thống gắn với ngày Tết này như rước Đại tịch, dâng cơm, đắp núi cát, tắm tượng phật và cầu siêu. Trong những ngày Tết, bà con Phật tử ngoài việc tham gia vào các buổi lễ được tổ chức trong chùa, họ còn tham gia biểu diễn các loại hình nghệ thuật độc đáo như hát múa rô băm, hát dù kê, múa trống Sadăm,…

Hát dù kê

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer - là Tết tràn đầy hy vọng, niềm vui và niềm tin, là thời điểm khởi đầu cho một năm mới bởi trời đất giao hòa, mùa nắng chuyển sang mùa mưa, cây cối đâm chồi nảy lộc,... hướng tới một năm mới may mắn, tốt lành, người người mạnh khỏe, mùa màng bội thu.

Nếu như Tết xưa là dịp để quây quần, đoàn tụ, thì nay nhiều gia đình chọn ngày Tết để cùng nhau đi nước ngoài, du lịch đến những tỉnh, thành khác trong nước để hiểu hơn về văn hóa đón Tết ở nhiều vùng miền. Mùa xuân hoa nở, nắng ấm chan hòa, tuy nhiên nếu đi du lịch Châu Âu hay các nước Đông Bắc Á, bạn sẽ được đón Tết cổ truyền giữa trời đông tuyết trắng,... mang đến những trải nghiệm độc đáo nhất từ trước đến nay.

Tết cổ truyền Việt Nam là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của người Việt. Nó không chỉ là ngày lễ đón năm mới, mà còn là dịp để thể hiện sự tôn trọng và tri ân đối với tổ tiên, gia đình và bạn bè. Tết cổ truyền Việt Nam nói chung và Tết cổ truyền của đồng bào các dân tộc Việt nói riêng là một trong những tinh hoa văn hóa quốc gia, là một di sản quý giá mà chúng ta nên giữ gìn và phát huy. TSTtourist hy vọng rằng qua bài viết này, bạn đã có thêm những kiến thức và hiểu biết về Tết cổ truyền Việt Nam và có thể tận hưởng một mùa Tết vui vẻ, ý nghĩa bên những người thân yêu.