Englishen

Tết cổ truyền xưa và nay có gì thay đổi?

Thứ hai, 15/01/2024, 09:03 GMT+7

Tết cổ truyền xưa và nay đã có sự khác biệt ít nhiều để phù hợp hơn với lối sống hiện đại. Từ những nét đặc trưng lâu đời của lễ hội truyền thống cùng với các tiện nghi, xu hướng đổi mới và hiện đại hóa góp phần làm nên cách đón Tết ngày nay. Tuy nhiên, dù xưa hay nay, Tết cổ truyền vẫn là ngày lễ lớn, được mong chờ nhất trong năm và có ý nghĩa rất thiêng liêng đối với người dân Việt Nam. Không chỉ đánh dấu một năm qua đi mà còn để tạ ơn các vị thần của mùa xuân, bởi họ đem đến sự ấm áp sau mùa đông lạnh giá, giúp cây cối sinh sôi nảy nở. Ngoài ra, ngày Tết cổ truyền còn là dịp để người người, nhà nhà quây quần, sum họp bên mâm cơm giao thừa và cùng nhau đón chào năm mới an khang thịnh vượng, ấm no hạnh phúc.

Nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền xưa

Không khí rộn ràng chuẩn bị đón Tết cổ truyền

Tết Nguyên đán là tên gọi khác của Tết cổ truyền xưa và hiện nay vẫn thế. Đây là dịp vô cùng quan trọng với người dân Việt Nam, chứa đựng cả quan niệm sống và những phong tục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. 

Ngày Tết cổ truyền xưa không đơn thuần là khoảng thời gian nghỉ ngơi sau một năm vất vả, mà còn là dịp mọi người được thưởng thức những món ăn ngon như bánh chưng, thịt lợn, dưa hành,.. Bởi vậy việc đón Tết rất được chú trọng và chuẩn bị từ sớm.

Không khí Tết bắt đầu từ ngày 23 Tháng Chạp, còn gọi là Tết ông Công ông Táo - thời điểm mà nhà nhà thực hiện các nghi lễ truyền thống để tiễn ông Táo lên chầu Trời. Từ 24 trở đi, đâu đâu cũng vô cùng tưng bừng rộn rã. Người lớn đi tảo mộ, lau chùi bàn thờ tổ tiên, dọn dẹp nhà cửa. Trẻ con nô nức rủ nhau đi mua pháo, đốt inh ỏi cả sân đình. Từ 27 đến 30 Tháng Chạp, nhà ai cũng lo mổ lợn, gói bánh chưng, bánh tẻ, quấy chè lam, nấu kẹo lạc, làm mứt, dưa hành,... để chuẩn bị cho ngày Tết.

Tục xin chữ ngày Tết

Đại đa số nhà dân đều lấy bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành làm những món cơ bản để cúng và ăn lễ. Người có điều kiện hơn thì mổ một con lợn, thêm những món bánh mứt đắt tiền. Suốt những ngày cận Tết, tiếng heo kêu eng éc khắp làng xóm, các bến nước hai bên bờ sông kẻ lên người xuống dập dìu, chỗ này cọ lá dong, đằng kia làm thịt lợn.

Chiều 30 Tết, nhà nào cũng cắm một cây nêu ở giữa sân, làm tín hiệu chào đón “ông bà ông vải” về và để ngăn trừ ma quỷ. Sáng mùng Một, ai ai cũng xúng xính áo quần đi chúc Tết và mừng tuổi cho trẻ nhỏ trong nhà. Con cháu khi đã ra ở riêng, dù xa xôi cách trở, cũng tìm về lo liệu biếu Tết ông bà, cha mẹ.

Giờ khắc linh thiêng nhất của Tết cổ truyền từ xa xưa và cho đến nay vẫn là đêm giao thừa. Gia đình quây quần, sum họp trò chuyện, hàn huyên về những được - mất của năm qua và chúc nhau thuận lợi, tốt đẹp hơn vào năm tới. 

Và nhắc đến Tết xưa, không thể bỏ qua những hoạt động khác như các trò chơi dân gian, những phiên chợ Tết, chợ hoa. Loài hoa đặc trưng miền Bắc và miền Trung là hoa đào, còn trong Nam lại chuộng các loại mai. Mâm ngũ quả cũng là thứ trang trí không thể thiếu của người Việt.


Sự đông đúc nhộn nhịp của những phiên chợ Tết xưa

Dù xã hội phát triển, những phong tục, tập quán truyền thống đã có sự điều chỉnh cho phù hợp với cuộc sống hiện đại, người Việt vẫn duy trì và gìn giữ nhiều nét đẹp văn hóa đón Tết cổ truyền. Tuy có nhiều thay đổi nhưng đây vẫn là ngày lễ lớn, tưng bừng và nhộn nhịp nhất của người Việt sau một năm dài. Tết dẫu xưa hay nay vẫn luôn là dịp để mọi người cùng nhau hướng đến những giá trị tốt đẹp, đủ đầy và cùng đón một năm mới an lành, hạnh phúc.

Sự khác biệt Tết cổ truyền xưa và nay

“Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”

Đó là câu ca dao quen thuộc mà ông cha ta từ bao đời truyền lại. Tết cổ truyền xưa và nay có gì thay đổi? Bên cạnh kế thừa nét đẹp văn hóa vốn có, Tết cổ truyền xưa và nay đã có sự khác biệt.

Tục nấu bánh chưng, bánh tét

Bánh chưng bánh tét là món ăn không thể thiếu mỗi dịp Tết đến Xuân về, góp mặt từ bàn thờ cúng gia tiên đến mâm cơm ngày Tết. Bánh được làm từ gạo nếp, thịt lợn và đỗ xanh, gói kín kẽ trong lớp lá dong mướt mắt. Theo truyện dân gian Việt Nam, chiếc bánh chưng đầu tiên ra đời vào thời vua Hùng, do hoàng tử Lang Liêu nghĩ và làm ra, tượng trưng cho đất với sự đầy đủ ấm no.

Bánh chưng là món ngon không thể thiếu trong dịp Tết

Việc chuẩn bị các loại bánh truyền thống của Tết cổ truyền xưa so với nay đã được giản lược đi nhiều. Ngày xưa, trước Tết khoảng 2,3 ngày, nhà nhà thường chuẩn bị nguyên liệu và gói bánh chưng. Khoảng thời gian đó có lẽ đã trở thành ký ức không thể quên của rất nhiều người. Người lớn cùng nhau vừa làm vừa trò chuyện, trẻ con được dịp líu ríu bên bà, bên mẹ, rồi tập tành gói thử.

Vui nhất có lẽ là công đoạn nấu và chờ bánh chín. Quanh bếp lửa bập bùng, cả nhà quây quần cùng nướng ngô, khoai và trò chuyện với nhau trong thời gian đợi. Hương bánh theo khói lan tỏa vào không gian cùng bếp lửa ấm nồng xua tan cái lạnh của những đêm đông giáp Tết.

Ngày nay, cuộc sống tiện nghi, hiện đại hơn, ai cũng bận rộn với công việc của mình, nên tục gói bánh chưng, bánh tét không còn phổ biến nữa. Trước đây, người dân cần phải tự tìm nguyên liệu và thực hiện từng bước để làm ra những chiếc bánh đậm đà hương vị. Ngược lại, ngày nay, muốn có bánh chưng đặt lên bàn thờ, chỉ cần “order” hoặc ra chợ, siêu thị mua là có. Niềm vui của việc làm bánh chưng đêm giáp Tết, cả nhà quây quần bên nhau đợi bánh chín theo đó cũng không còn như xưa.

Ngoài ra, điều khác biệt giữa Tết cổ truyền xưa và nay còn là sự đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng của bánh chưng, bánh tét. Hiện nay, đã có nhiều hình dáng, kích cỡ, nguyên liệu khác nhau, phù hợp với nhu cầu và sở thích của từng người. Tuy vậy, những chiếc bánh chưng ngày Tết vẫn luôn là truyền thống, biểu trưng cho nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền Việt Nam.

Tục mừng tuổi

Mừng tuổi là nét văn hóa dịp đầu năm của người Việt

Tục mừng tuổi từ lâu đã trở thành nét văn hóa mỗi dịp đầu năm của người Việt. Điều này được xem là trao nhau những lời chúc tốt đẹp với ý nghĩa mong muốn bình an, may mắn.

Ngày xưa, mừng tuổi nhận được trong ngày Tết còn gọi là tiền “mở hàng”. Trong phong bao màu đỏ phải là số lẻ, ngụ ý rằng tiền đó sẽ sinh sôi nảy nở thêm nhiều. Cả người nhận và gửi lì xì đều không quan trọng giá trị bên trong mà họ trao nhau sự vui vẻ cho một ngày đầu năm mới đầy may mắn.

Ngày nay khi cuộc sống đã đủ đầy, người ta thường quên mất ý nghĩa tốt đẹp đằng sau của phong tục này. Trong nhiều trường hợp, cuộc sống hiện đại đã làm mừng tuổi bị ảnh hưởng bởi sức nặng vật chất, suy nghĩ thực dụng của người lớn đã thấm sang con trẻ. Chúng bắt đầu có sự so bì tiền mừng tuổi ít hay nhiều, nhận được phong bao là mở ra xem ngay và tỏ thái độ “chê” nếu nhận được số tiền nhỏ.

Nếu trước kia việc nhận mừng tuổi chỉ bắt đầu từ ngày Mùng 1 Tết thì nay đã có sự thay đổi về thời gian cả trước và sau Tết. Sự phát sinh này là do nếp sống hiện đại, khi cuộc sống vật chất đầy đủ, người ta nghĩ đến hưởng thụ nhiều hơn, cũng như việc “ăn Tết” không chỉ còn gói gọn trong 3 ngày đầu năm nữa. Không chỉ trẻ con mới được nhận lì xì từ người lớn, mà trong gia đình, con cháu cũng mừng tuổi ông bà, cha mẹ.

Để phong tục này giữ mãi những nét đẹp vốn có, không chỉ cần phải gìn giữ, lan tỏa mà hơn hết cần hướng thế hệ sau hiểu biết hơn về ý nghĩa thật sự của “mừng tuổi”.

Tục chúc Tết

Thời đại 4.0 người ta chúc Tết nhau qua mạng

Vào thời xưa, người Việt có thói quen đi chúc Tết dòng họ, làng xóm xung quanh để gửi những món quà, lời chúc năm mới sức khỏe và công việc suôn sẻ. Đây là dịp mọi người cùng nhau trò chuyện, hỏi thăm sau 1 năm bận rộn công việc. 

Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, mạng xã hội ngày càng phổ biến. Hầu hết mọi người đều có điện thoại khiến tục chúc Tết có sự thay đổi lớn. Không cần đến tận nhà hay gặp mặt trực tiếp, chỉ cần có chiếc smartphone trong tay là có thể gửi được lời chúc tới gia đình, bạn bè ở xa. Đồng thời, cuộc sống bận rộn cũng làm người ta ít có thời gian hơn, đâu đó một vài cá nhân vẫn còn miệt mài làm việc và ăn Tết xa xứ nên không thể chúc nhau những lời may mắn trực tiếp vào đầu năm.

Quà biếu cũng có sự thay đổi ít nhiều, Tết xưa dân dã, giản dị có gì tặng đó, những hộp quà đơn giản, không quá cầu kỳ, gói ghém đơn sơ. Ngày nay, mứt Tết được cách điệu ngày càng sang trọng với đủ loại rượu ngoại, bánh trà cao cấp có khắc chữ và in hình độc đáo.

Đêm giao thừa

Đường phố đông đúc người ra ngoài chơi Tết

Giao thừa luôn là khoảnh khắc quan trọng và thiêng liêng nhất trong năm của người Việt. Tuy nhiên, thói quen đón giao thừa ngày Tết cổ truyền xưa và nay có nhiều sự thay đổi. Trước đây, mọi người thường dành nhiều thời gian chuẩn bị mọi thứ để cúng ông bà tổ tiên và các vị thần trong gia đình sao cho chỉn chu nhất. Mỗi nhà đều có những tràng pháo giấy treo trước cửa để đốt chào đón thời khắc linh thiêng.

Ngày nay, việc đón giao thừa được nhiều nơi tổ chức như: đình, chùa, nhà thờ hoặc các buổi countdown, thay pháo giấy bằng những đợt bắn pháo hoa ngay trung tâm thành phố. Khoảnh khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới cũng không còn là thời gian chỉ dành cho gia đình.

Không khí sum vầy, trò chuyện thường thấy đã thay dần bằng việc giới trẻ ngày nay có xu hướng đi chơi vào đêm giao thừa. Phố xá, hàng quán đâu đâu cũng đông đúc người. Đồng thời, với sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ mới, những người xa gia đình cũng có thể gọi điện trực tuyến để cùng người thân mình đón thời khắc chuyển giao.

Mâm ngũ quả

Từng loại quả là sự gửi gắm những mong muốn khác nhau cho năm mới

Mâm ngũ quả có năm loại trái cây khác nhau, thường được các gia đình Việt chuẩn bị để lên bàn thờ trong những ngày Tết Nguyên đán. Tùy theo quan niệm của từng vùng, miền, địa phương và sản vật sẵn có, người ta chọn ra các loại trái cây khác nhau để trưng bày mâm ngũ quả ngày Tết thật vừa ý, làm không gian thờ cúng thêm ấm áp, rực rỡ, hài hòa với mùa xuân. Và thông qua tên gọi của năm loại trái cây, mỗi gia đình đều gửi gắm vào đó những mong muốn khác nhau cho năm mới.

Ngày nay, do điều kiện sống tốt hơn và cũng có nhiều loại trái cây để lựa chọn, nên mâm ngũ quả ngày Tết cổ truyền xưa và nay không giống nhau. Người ta giản lược các quan niệm là phải chưng đúng năm loại trái cây như trước kia, thay vào đó nhiều gia đình đã bổ sung thêm về số lượng: bảy loại, chín loại, có khi còn cúng trái cây nhập từ nước ngoài.

Du xuân đón Tết

Cuộc sống ngày càng đủ đầy nên việc ăn uống hiện đã không còn quá quan trọng. Nếu như xưa kia, cả năm chỉ đợi đến ngày Tết để được thưởng thức miếng bánh chưng, thịt lợn, gà, mứt... thì nay những món đặc trưng ngày Tết được bán quanh năm ngoài chợ, thịt cá ăn hàng ngày.

Nhiều gia đình chọn đi du lịch ngày Tết

Việc chuẩn bị Tết cũng không phải cầu kỳ, vất vả như trước. Mọi mặt hàng từ hoa quả, bánh trái, thực phẩm, đồ uống... đều có sẵn, chỉ dành ra một, hai buổi là có thể sắm đủ. Thậm chí, không cần ra chợ, chỉ vài cú click chuột hay đôi cuộc điện thoại đặt hàng, mọi hàng hóa đều đến tay.

Bên cạnh xu hướng về quê đón Tết của những người xa xứ, cuộc sống hiện đại ấm no làm nhiều gia đình thay vì đón năm mới ở nhà, họ chọn đi du lịch để nghỉ ngơi và thay đổi không khí. Nếu như trước đây, Tết là cơ hội cho mọi người được ăn ngon mặc đẹp. Thì nay, người ta dành thời gian đó để vui chơi giải trí hay đi du lịch.

Tại TSTtourist, dù mong muốn du lịch Châu Âu hay Châu Á, đi miền Nam, miền Bắc hay miền Trung, bạn đều có thể dễ dàng lựa chọn tại đây. Đặc biệt, TSTtourist áp dụng chương trình ưu đãi lên đến 15 triệu đồng cho các đường tour Tết Nguyên đán 2024, tặng kèm vali du lịch hay túi đay tiện dụng giúp hành trình du xuân của bạn thêm trọn vẹn.

Dù Tết cổ truyền xưa và nay đã thay đổi, nhưng trên nguyên tắc vẫn giữ gìn nhiều tập tục tốt đẹp. Đó là một trong những di sản văn hóa hàng đầu của dân tộc Việt Nam ta. Việc bảo tồn và phát huy nét đẹp của Tết cổ truyền rất cần thiết và là trách nhiệm không của riêng ai, góp phần hình thành những thế hệ người Việt vừa hiện đại, vừa không xa rời bản sắc văn hóa dân tộc. Muốn có những ngày đầu xuân trọn vẹn với nhiều trải nghiệm khác biệt, đừng quên ghé lại TSTtourist để tham khảo các tour du lịch trên khắp thế giới nhé!