Englishen

Thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh hơn

Thứ bảy, 07/05/2022, 10:02 GMT+7

Các số liệu tăng trưởng khách vô cùng ấn tượng trong dịp lễ 30-4, 1-5 vừa qua cho thấy du lịch cũng như nền kinh tế đang trên đà trở lại bình thường khá nhanh.

TSTtourist-thuc-day-du-lich-phuc-hoi-manh-hon-15.000 du khách quốc tế đã quay trở lại Phú Quốc dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua và còn có thể tăng mạnh hơn nếu có thêm nhiều giải pháp - Ảnh: CHÍ CÔNG

Không khí sôi nổi, tấp nập du khách đã đem đến một diện mạo mới mẻ, khởi sắc cho các địa phương. Các số liệu tăng trưởng khách vô cùng ấn tượng trong dịp lễ 30-4, 1-5 vừa qua cho thấy du lịch cũng như nền kinh tế đang trên đà trở lại bình thường khá nhanh.

Doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ, chính quyền địa phương thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy du lịch phục hồi nhanh hơn nữa.

Thúc đẩy kinh tế phục hồi nhanh

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có gắn bó mật thiết tới các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, du lịch đóng góp 9,2% vào GDP cả nước, tạo ra 2,9 triệu việc làm, trong đó có 927.000 việc làm trực tiếp.

Như tại Sun Group, chúng tôi có hơn 10.000 lao động và dự báo sẽ cần thêm hàng ngàn lao động nữa để đáp ứng quy mô phát triển trong tương lai. Dự kiến, đến năm 2025, chỉ riêng Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng) có thể cần đến 10.000 cán bộ nhân viên, khi các hạng mục sản phẩm, dịch vụ mới hoạt động đầy đủ.

Nhìn rộng ra, có thể thấy khi du lịch phục hồi tốt, chắc chắn sẽ là đòn bẩy quan trọng cho kinh tế đất nước khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện hơn sau những tổn hại nặng nề bởi dịch bệnh.

Khi du lịch hồi sinh, không chỉ du khách phấn khởi, các ngành dịch vụ phụ trợ cũng theo đó phát triển, hàng nghìn người lao động từng bị thất nghiệp trước đó do dịch bệnh đã được đi làm trở lại, ổn định cuộc sống…

Hơn thế nữa, du lịch cũng là ngành kinh tế làm đẹp, làm giàu cho đất nước. Sự xuất hiện của những công trình đẳng cấp đã đem đến cho Việt Nam những biểu tượng mới đáng tự hào, như cầu Vàng, thác Thần Mặt trời tại Bà Nà Hills, cầu Rồng (Đà Nẵng), khu Vinwonder (Phú Quốc), Phố đêm du thuyền tại cảng tàu khách Hạ Long… bên cạnh những địa danh nổi tiếng trước đây như Văn Miếu Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, chợ Bến Thành... Nhiều địa phương đã thay đổi diện mạo, nếu không nói là "giàu đẹp hơn" cũng bởi chú trọng phát triển ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch, chẳng hạn như Đà Nẵng, Quảng Ninh hay mới đây nhất là Phú Quốc.

Cần đầu tư hơn cho sự kiện đẳng cấp

Để du lịch phục hồi bền vững, chúng tôi mong rằng Chính phủ, Bộ VH-TT&DL và các địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp được đầu tư các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới mẻ nhằm thu hút du khách, đặc biệt ưu tiên đầu tư chiều sâu cho văn hóa nghệ thuật, tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật đẳng cấp để đa dạng hóa trải nghiệm cho du khách tại các điểm đến. Thực tế, điểm đến nào có các sự kiện, show diễn hấp dẫn, nơi đó có sức hút lớn hơn hẳn so với các điểm đến khác.

Ngoài ra, đề xuất Chính phủ và các địa phương tích cực kêu gọi và hỗ trợ các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho các sản phẩm, dịch vụ dành cho khách du lịch 24/24, để du khách có thể thoải mái vui chơi, trải nghiệm cả ngày và đêm, thay vì phải đi ngủ sớm. Đặc biệt cần đầu tư mạnh ở các thành phố lớn là trung tâm du lịch như: Hà Nội, TP.HCM, Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Ninh…

Thêm vào đó, để tạo nên những màu sắc mới, những trải nghiệm khác biệt cho du lịch, mong rằng Chính phủ, Bộ VH-TT&DL và các bộ ngành liên quan sẽ ủng hộ và có giải pháp thúc đẩy phát triển các điểm đến mới như: Hòa Bình, Kon Tum, Hà Nam, Vũng Tàu... Đây là những vùng đất vô cùng giàu tiềm năng du lịch nhưng chưa được đầu tư, khai thác đúng tầm.

Để tăng cường thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới, đề xuất Chính phủ, Tổng cục Du lịch và các cơ quan truyền thông tổ chức các chương trình xúc tiến quảng bá đánh thẳng vào từng thị trường quốc tế tiềm năng của Việt Nam như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Đặc biệt, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch tham gia các chương trình roadshow xúc tiến tại các thị trường quốc tế, để tăng cường quảng bá sản phẩm, dịch vụ mới mẻ, đẳng cấp tại Việt Nam.

Chúng ta đến nay có thể kỳ vọng rằng sự phục hồi của ngành với những tín hiệu - như đợt 30-4 này - sẽ là bàn đạp, để năm 2022 du lịch Việt Nam và rộng hơn là cả nền kinh tế sẽ có một năm tăng trưởng vượt mong đợi.

(Nguồn: Ông NGUYỄN LÂM AN (Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sun World) - Tiến Mạnh ghi, Tuổi Trẻ, Thứ sáu, 06/05/2022, 10:01 (GMT+7))