Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Sau thời gian dài đóng cửa du lịch, Hàn Quốc đã nối lại chương trình miễn thị thực với khách Việt khi nhập cảnh Jeju và Yangyang trên các chuyến bay charter từ 1/6.
Theo đánh giá của nhiều người trong ngành du lịch, việc miễn thị thực này chưa hẳn quá hấp dẫn với du khách Việt Nam. Mặt khác, các công ty lữ hành cũng có khả năng chịu rủi ro khi tổ chức những chuyến bay charter lúc này.
Jeju và Yangyang là chưa đủ
Trả lời Zing, bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị Truyền thông Saigontourist, cho biết công ty chưa có kế hoạch tổ chức đoàn charter đến 2 địa điểm trên. Lý do là cả Jeju lẫn Yangyang vốn chưa bao giờ là điểm đến hàng đầu của du khách Việt, kể cả trước dịch.
Cùng quan điểm, Phan Nhân (Mike Nhân Phan), Đại sứ Du lịch thành phố Busan (Hàn Quốc), nói việc miễn thị thực ở Jeju lẫn Yangyang vẫn còn khá hạn chế. Cả 2 điểm này đều không quá nổi tiếng với khách Việt, những người thường ưu tiên các điểm truyền thống như Seoul hơn.
"Khi tôi chia sẻ thông tin này, nhiều người cũng hào hứng nhắn tin, hỏi thăm. Tuy nhiên, khi nghe đến phải bay charter (thuê nguyên chuyến), đi theo đoàn, họ lại không thích lắm", Phan Nhân cho biết.
Theo anh, người Việt khi đi Jeju thường kết hợp thêm một số địa điểm khác. Jeju chỉ có thế mạnh về thiên nhiên, dịch vụ khá hạn chế và những sản phẩm đặc trưng văn hóa Hàn Quốc cũng không nhiều. Trong khi đó, Yangyang là một quận ở Gangwon và chưa bao giờ được xem là điểm đến du lịch lớn.
Anh nói thêm: "Jeju xưa vốn vẫn miễn thị thực. Tuy nhiên, để thu hút vào thời điểm này chỉ với chính sách đó, tôi nghĩ hơi khó".
Khó nhưng vẫn làm
Dù miễn thị thực, khách Việt không thể bay thẳng đến cả 2 điểm này. Du khách Việt có 2 cách đi là bay charter theo đoàn của công ty lữ hành hoặc nối chuyến ở nước thứ 3.
Du khách đến Jeju có thể lưu trú tối đa 30 ngày còn Yangyang là 15 ngày. Tuy nhiên, du khách không được đi khỏi phạm vi của 2 điểm này.
"Trước kia, công ty tôi cũng tổ chức các chuyến charter đến Jeju và Yangyang. Nhóm khách đi tour này chủ yếu là những người quan tâm về chi phí, muốn đi Hàn Quốc với mức giá vừa phải. Tôi đánh giá việc mở lại lần này khó thu hút số đông khách nhưng là bước đệm quan trọng để Hàn Quốc mở lại du lịch thời gian tới", bà Vũ Thị Huệ, đại diện truyền thông Flamingo Redtours, nói.
Theo bà Huệ, việc ghép đoàn charter trước dịch sẽ tốn khoảng một tháng trước khi khởi hành. Ưu điểm của charter là thuê nguyên chuyến bay, kết hợp thời gian di chuyển, có sự tương đồng về sở thích các nhóm khách. Chi phí du lịch cũng hợp lý.
Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, xu hướng du lịch của khách thay đổi và nhiều người vẫn còn e ngại đi nước ngoài. Do đó, việc có ghép đủ đoàn hay không còn phụ thuộc vào khả năng của mỗi công ty. Rủi ro là điều các công ty phải tính toán khi nghĩ đến chuyện tổ chức các đoàn charter tới Jeju hay Yangyang.
Bà Huệ nói thêm: "Chúng tôi đã thăm dò nhu cầu của khách và trao đổi với các hãng hàng không, đối tác landtours để xây dựng kế hoạch. Bước đầu thấy khá khả quan".
Trong khi đó, ông Phạm Văn Bảy, Phó giám đốc Vietravel chi nhánh Hà Nội, nhận xét tính hấp dẫn của Yangyang hay Jeju là có nhưng khó thu hút đại trà. Công ty đang làm việc với Tổng cục Du lịch, Đại sứ quán và Lãnh sự quán Hàn Quốc để có thể tổ chức một chuyến charter trong thời gian sớm nhất.
Theo ông Bảy, du khách hiện có khá ít lựa chọn du lịch nước ngoài. Vì thế, trước mắt, công ty muốn tạo động lực để phục hồi du lịch bằng các sản phẩm có thể đi được.
Khu vực châu Âu có một số nước chưa mở và ảnh hưởng bởi tình hình chiến sự. Trong khi đó, Nam Á, thị trường du lịch lớn của khách Việt còn nhiều hạn chế khi Nhật Bản đóng cửa, Trung Quốc theo đuổi Zero Covid-19. Hàn Quốc là lựa chọn duy nhất.
"Khi triển khai lại, tôi tin sẽ có lượng khách nhất định quan tâm đến Hàn Quốc. Với vị thế của mình, chúng tôi cần đi tiên phong. Các đoàn charter có thể đủ khách hoặc không nhưng vẫn phải làm", ông Bảy chia sẻ.
Không đặt nặng mục tiêu số lượng
Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thu Hà, Trưởng phòng Truyền thông Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam (KTO Việt Nam).
Đại diện KTO Việt Nam cho biết việc mở cửa Jeju, Yangyang là bước đệm khởi động lại du lịch Hàn Quốc.
Khi mở lại hoàn toàn, KTO Việt Nam kỳ vọng khách Việt sẽ trở thành nhóm khách hàng đầu với Hàn Quốc. Năm 2019, khách Thái Lan đứng số một về thị trường inbound Hàn Quốc. Tới năm 2020, lẽ ra, KTO đã kỳ vọng Việt Nam sẽ "soán ngôi" Thái Lan nhưng dịch bệnh bùng phát khiến mọi thứ thay đổi.
"Tôi tin Việt Nam sẽ là thị trường trọng điểm trong khu vực Đông Nam Á với Hàn Quốc tới đây", bà Hà nói.
(Nguồn: Anh Tú, Zing news, Thứ bảy, 7/5/2022, 09:22 (GMT+7))