Englishen

Tour ngắm cá voi tự phát tràn lan trên biển Đề Gi

Thứ năm, 25/08/2022, 08:28 GMT+7

Hai mẹ con cá voi liên tục xuất hiện ở vùng biển Đề Gi (Bình Định) thu hút hàng nghìn du khách. Một số tổ chức, cá nhân tổ chức tour ngắm cá voi tràn lan, tự phát ở địa phương này.

Từ cuối tháng 7, đàn cá voi liên tục bơi lượn, lao trên mặt biển săn mồi gần bờ Đề Gi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (Bình Định) đã thu hút du khách khắp nơi trong cả nước về đây thưởng ngoạn, săn ảnh cá voi tăng đột biến.

Phí thuê tàu ngắm cá voi tăng vọt
Nhiều ngư dân sử dụng tàu thuyền đánh cá chuyển sang chuyên chở du khách ra vùng biển Đề Gi ngắm cá voi. Mức phí ban đầu là 600.000 đồng/người, nay tăng vọt lên 1,5-2 triệu đồng/người.

Du khách thuê tàu thưởng ngoạn, săn ảnh cá voi trên vùng biển Đề Gi. Ảnh: D. Nhân.

Những bộ ảnh, video về mẹ con cá voi ở Đề Gi nhận được nhiều sự chú ý. Một số đơn vị lữ hành hay các cá nhân làm du lịch đồng loạt tung quảng cáo về tour xem cá voi ở vùng biển Đề Gi tự phát.


Anh Đỗ Thanh Toàn (Toàn Tommy, 37 tuổi, hướng dẫn viên du lịch), một trong những người đầu tiên phát hiện và chia sẻ hình ảnh cá voi tại Đề Gi đã từ chối nhận các tour xem cá voi từ hai tuần trước.

"Thời gian đầu, khi thấy đàn cá voi 6,7 con xuất hiện, tôi muốn chia sẻ, lan tỏa hình ảnh đẹp này đến với mọi người. Tôi cũng đã đưa một số du khách đi tour tới xem cá voi. Tuy nhiên khi thấy chỉ còn hai mẹ con cá voi, tôi lo ngại tàu thuyền đông đúc sẽ tác động xấu đến môi trường sống của loài này", anh Toàn cho biết.

Theo anh Toàn, các hoạt động du lịch xem cá voi hiện nay chủ yếu là hoạt động tự phát. Người dân sử dụng tàu gỗ chở khách ra vùng biển Để Gi xem cá voi với mức phí 1,5 triệu đồng/người (tàu chạy lòng vòng liên tục để tìm kiếm cá voi suốt 2 giờ). Nếu thời gian tăng thêm, tùy theo mức phí thỏa thuận giữa chủ tàu và du khách, chi phí sẽ tăng theo.

Thời gian gần đây, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và loài nguy cấp (CBES) đã khảo sát thực tế tại khu vực biển Đề Gi để kiểm tra thông tin về cá voi. Đây được xác định là loài cá voi Bryde.

Loài này được liệt kê trong Phụ lục 1 của Công ước CITES - cấm buôn bán, vận chuyển quốc tế; Công ước về bảo tồn các loài di cư của động vật hoang dã CMS thuộc danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển.

Hạn chế đến gần cá voi
Ông Vũ Long, Chuyên gia Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học và loài nguy cấp (TP.HCM), cho biết ở các nước Australia, Indonesia, Phillipines có nhiều tour ngắm cá voi, cá heo bơi lượn gần các đảo. Tuy nhiên họ ban hành quy chế rõ ràng, thậm chí có hẳn luật quy định nghiêm ngặt đối với các tổ chức, cá nhân và du khách tổ chức, tham gia tour ngắm cá voi, cá heo.

Hai mẹ con cá voi bơi lượn, săn mồi ở vùng biển Đề Gi. Ảnh: Thanh Trung.

Trong khi đó, Việt Nam chưa có quy định nào cho tour ngắm cá voi. Do vậy việc tổ chức tour du lịch xem cá voi tự phát tại vùng biển gần bờ Đề Gi cũng cần được quan tâm.

Theo ông Long, nếu thiếu các biện pháp quản lý, du khách tập trung về đây quá đông có thể dẫn đến nhiều hệ lụy cho cả cá và khách tham quan. Loài cá voi Bryde là động vật hoang dã, vốn hiền lành nhưng vẫn có bản năng tự vệ nhất định nếu bị khiêu khích hoặc tấn công. Đối với cá thể cá voi cái đang nuôi con nhỏ, bản năng tự vệ càng mạnh.

Việc các canô nhỏ hay các khách du lịch chèo thuyền phao (chèo SUP) hoặc lặn tự do tiếp cận quá gần mẹ con cá voi có thể kích hoạt bản năng tự vệ của cá mẹ, gây nguy hiểm cho khách tham quan.

Trong khi đó, các tàu và phương tiện chở khách tiếp cận quá gần cá (ít hơn 20 m) có thể khiến cá voi mẹ và cá voi con rơi vào trạng thái căng thẳng. Nếu kéo dài tình trạng này, mẹ con cá voi có thể bỏ đi khu vực khác hoặc mạo hiểm đi vào các sinh cảnh không phù hợp với chúng chỉ để tránh xa các hoạt động của con người.

Trường hợp xấu nhất, nếu bị mắc cạn do căng thẳng và mất phương hướng, kích thích bản năng tự vệ, chúng cũng có thể tấn công du khách.

Khoảnh khắc đàn cá con nhảy trong vòm miệng khổng lồ của cá voi mẹ tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt tác ở vùng biển Đề Gi. Ảnh: Khuê Dương.

Về vấn đề này, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, cho biết Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định đã gửi văn bản đề nghị chủ các tàu thuyền, các đơn vị dịch vụ du lịch tổ chức tour ngắm cá voi phải bảo đảm giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 100 m để không làm hại đến cá. Mặt khác, ngư dân di chuyển tàu thuyền ở khu vực có cá voi bơi lượn, săn mồi cần chú ý quan sát để không đâm va, gây tổn thương cho chúng.

Trong khi đó, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định, cho rằng thời gian qua, đơn vị đã sử dụng hình ảnh hai mẹ con cá voi xuất hiện ở vùng biển Đề Gi để quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch biển của địa phương.

"Chúng tôi đang phối hợp các ngành, địa phương tuyên truyền đến du khách về việc bảo vệ cá voi, bảo vệ môi trường biển; đồng thời có phương án rà soát kiểm tra các tour du lịch xem cá voi tự phát ở khu vực này", ông Thanh nói.
(Nguồn: Minh Hoàng, Zingnews, Thứ tư, 24/8/2022, 10:43 (GMT+7))