TST tourist

Tết ông Công ông Táo cúng gì?

  • Thứ 3, 10/01/2023, 08:45 GMT+7
  • 1132 Lượt xem

Là một người con của đất Việt, hẳn ta đã quen thuộc với hình ảnh chuẩn bị mâm cúng tiễn Táo quân về trời vào ngày 23 Tháng Chạp. Đây là nét văn hóa lâu đời của dân tộc ta và được truyền từ đời này sang đời khác. Vì thế, cúng gì trong Tết ông Công ông Táo cũng là một điều ta cần quan tâm để có một năm mới hanh thông, góp phần giữ vững nét đẹp văn hóa truyền thống này. Nếu Tết này, bạn có cơ hội cùng gia đình chuẩn bị cúng Tết ông Công ông Táo mà vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu? Cách cúng như thế nào là đúng với phong tục, mang đến may mắn cho năm mới thì đừng vội bỏ qua bài viết sau đây. TSTtourist sẽ mang đến cho bạn nhiều điều thú vị để chuẩn bị cho một mùa Tết Nguyên đán thật sung túc.

23 Tháng Chạp là thời điểm mọi gia đình làm mâm cúng tiễn ông Công ông Táo về chầu trời

Nguồn gốc của Tết ông Công ông Táo

Để gỡ rối cho câu hỏi Tết ông Công ông Táo cúng gì? Ta cần biết về nguồn gốc của ngày đặc biệt này.

Diễn ra vào ngày 23 Tháng Chạp hàng năm, đây là ngày để tri ân hai vị thần bảo hộ nhà cửa và báo cáo công việc của gia chủ trong năm qua với Ngọc Hoàng. Táo quân trong tín ngưỡng dân gian có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "hai ông một bà" gồm thần Đất, thần Nhà, thần Bếp núc. Người dân hay gọi chung là Táo quân hoặc ông Táo.

Theo tín ngưỡng của người Việt Nam, Táo quân được xem là vị thần cai quản việc bếp núc và luôn được thờ ở gian bếp mỗi gia đình. Vào ngày 23 Tháng Chạp (Âm lịch) hàng năm, người dân sẽ đưa ông Công ông Táo về trời. Cúng Tết ông Công ông Táo cũng là một truyền thống của mỗi gia đình Việt Nam, để chuẩn bị đón năm mới với nhiều mong ước và hy vọng.

Tết ông Công ông Táo cúng gì?

Chuẩn bị cơm tiễn Táo quân về trời vào ngày 23 Tháng Chạp là nét văn hóa lâu đời của người Việt. Mâm cúng ông Công ông Táo không yêu cầu “mâm cao cỗ đầy” nhưng cần chú trọng sự chu toàn, tinh sạch, trình bày gọn gàng trước khi dâng lễ.

Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo cần tinh sạch, trình bày gọn gàng

Tùy vào điều kiện kinh tế, gia cảnh, vùng miền khác nhau, mỗi gia đình sẽ có cách thức riêng chuẩn bị mâm cúng. Về cơ bản, mâm cúng ở các vùng miền không quá cầu kỳ và có một số sự tương đồng trong lễ vật.

Bên cạnh đó, sự khác nhau về phong tục của địa phương, lễ nghi của tổ tiên mà mâm cúng ông Công ông Táo cũng có thể biến hóa thành nhiều kiểu khác nhau. Bao quát nhất, ta sẽ có mâm cỗ chay và mâm cỗ mặn.

Mâm cỗ mặn

Tết ông Công ông Táo cúng gì đối với mâm cúng mặn? Không thể thiếu 3 lễ vật sống hay còn gọi là lễ vật “tam sinh” trong mâm cúng Táo quân của người Việt, gồm gạo sống, cá sống và thịt sống. Người Việt xưa thể hiện sự tôn thờ và ghi công ơn các vị thần Bếp bằng những đồ tươi sống bởi họ muốn nhắn gửi các vị thần hãy nhanh chóng về với nhân gian để giúp đỡ con người nấu chín thức ăn.

Một trong 3 lễ vật “tam sinh” là cá sống, theo đó cá chép được coi là linh vật của mâm cúng ông Công ông Táo.

Theo quan niệm dân gian, trong lễ cúng ông Công ông Táo không thể thiếu cá chép

Cá chép hóa rồng là quan niệm ăn sâu vào tín ngưỡng văn hóa lâu đời của người Việt. Lễ cúng có cá chép vì người Việt cho rằng cá chép đỏ vượt vũ môn hóa rồng, rồng bay lên mây sẽ đưa được ông Táo về trời. Vì thế Tết ông Táo ông Công có cúng gì cũng không thể thiếu cá chép.

Theo truyền thống, người Việt hay chuẩn bị ba con cá chép đỏ sống, để trong chậu nước sạch để cúng ông Công ông Táo. Cá chép không chỉ là "phương tiện" để các Táo quân lên chầu trời mà còn là biểu tượng cho tinh thần vươn tới thành công, thịnh vượng.

Việc cúng cá chép thể hiện sự trang trọng đối với người coi sóc cho gia đình trong suốt một năm qua. Cá chép còn có ý nghĩa biểu tượng cho sự an lành và tín ngưỡng phồn thực. Cá chép vượt vũ môn hóa rồng, rồng sẽ gọi những cơn mưa giúp vạn vật sinh sôi nảy nở.

Cũng theo phong tục của người Việt xưa, những nhà có trẻ con còn cúng Táo quân một con gà luộc, ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang.

Mâm cỗ chay

Nếu như mâm cỗ mặn yêu cầu phải có “tam sinh” - ba đồ cúng sống, thì mâm cỗ chay lại được tối giản bằng đồ vàng mã và các thực phẩm liên quan đến rau củ quả, nhưng vẫn đảm bảo cách cúng ông Công ông Táo ngày 23 Tết đúng với lễ nghi.

Việc cúng cỗ chay không làm mất đi sự linh thiêng của lễ ông Công ông Táo. Bởi theo quan niệm của người Việt xưa, việc cúng tế quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm của gia chủ. Chỉ cần có sự thành tâm, việc cúng mâm cỗ chay hay mặn, mâm cao cỗ đầy hay đồ cúng tối giản đều sẽ được thần linh ghi nhận.

Vì thế, bạn cúng gì trong Tết ông Công ông Táo, xa hoa hay đơn sơ không quan trọng, chỉ cần sự tươm tất và đúng với tục lệ từ bao đời nay.

Cách cúng ông Công ông Táo ngày 23 tết của 3 miền

Miền Bắc

Khi bạn đến du lịch miền bắc bạn sẽ thấy ở đây họ thường cúng gì vào dịp Tết ông Công ông Táo? Mâm cúng Táo quân có các món truyền thống đặc trưng như gà luộc, bánh chưng, xôi vò, xôi gấc, canh măng, canh bóng, đĩa xào thập cẩm, giò, mâm ngũ quả, nem, cá kho, hành muối... Chủ nhà có thể thay đổi tùy vào hoàn cảnh, khẩu vị.

Ở miền Bắc, người dân chuẩn bị cúng Tết ông Công ông Táo khá sớm, muộn nhất là 12h trưa ngày 23 Tháng Chạp Âm lịch. Người ta quan niệm sau 12h, ba vị Táo quân đã về trời.

Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo của một gia đình ở miền Bắc

Với gia đình truyền thống, thích sự cầu kỳ, chỉn chu trong mâm cỗ cúng thì không thể thiếu các món đặc trưng miền Bắc như xôi chè, chè bà cốt... và nhất là chè kho, món ăn thường xuất hiện trong dịp Tết, được nhiều người yêu thích. Món chè nấu từ đậu xanh, đường trắng, dầu mè, lá nếp, cốt dừa.

Miền Trung

Trong ba miền, cách cúng ông Công ông Táo ngày 23 Tết của người miền Trung khác biệt nhất. Người Huế và một số tỉnh lân cận đặt bàn thờ ông Táo nhỏ ở bếp. Từ trước khi cúng, chủ nhà đã dọn dẹp, thay cát mới cho lư hương, sau đó làm lễ tiễn tượng Táo quân cũ bằng đất nung khỏi bàn thờ để rước tượng mới. Ngoài các món ăn, còn có lễ vật là một con ngựa bằng giấy. Có thể thấy, người miền Trung không vào Tết ông Công ông Táo không cúng gì quá cầu kỳ nhưng bù lại có nhiều tập tục, lễ nghi đặc biệt.

Tượng ông Công ông Táo

Miền Nam

Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo của người Nam Bộ thường có hoa tươi, nhang, đèn cầy, 3 ly nước lọc, bộ vàng mã cò bay ngựa chạy và không thể thiếu kẹo thèo lèo. Loại kẹo này làm từ các nguyên liệu chính như mè đen, đậu phộng, đường mạch nha, đường trắng...

Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo của người miền Nam thường có hoa tươi, trái cây và không thể thiếu kẹo thèo lèo

Người miền Nam cúng gì vào Tết ông Công ông Táo? Tất nhiên cũng không thể thiếu các món chủ đạo như: nem, giò, bánh chưng, hành muối, gà luộc... Sự khác biệt so với mâm cúng ông Táo của miền Bắc đó là không cúng cá chép, cũng không cúng mũ áo thờ.

Các lưu ý về tập tục cúng ông Công ông Táo

Lễ cúng 23 Tháng Chạp mang ý nghĩa tiễn ông Công ông Táo về trời để báo cáo công việc lớn nhỏ trong năm của gia chủ với thiên đình. Vì thế việc cầu xin phú quý, sung túc là không nên. Các gia đình Việt thường khấn xin Táo bẩm báo những việc tốt đẹp trong năm.

Nhiều gia đình cúng ông Công ông Táo trước trưa 23 Tháng Chạp

Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý một số điều như không cúng quá sớm, nhưng cũng phải trước 12 giờ trưa ngày 23 Tháng Chạp. Dù bạn cúng gì vào Tết ông Công ông Táo thì vẫn phải đảm bảo mâm cúng cần đặt nơi trang nghiêm, sạch sẽ nhất trong nhà. Không đốt quá nhiều tiền âm phủ, vừa tốn kém lại ảnh hưởng đến môi trường.

Theo phong tục thả cá chép, cá nên được đặt trong lòng bàn tay, thả xuống nước. Thao tác nhẹ nhàng nhưng nhanh gọn và tránh việc đổ, ném, quăng cá mạnh tay từ xô, chậu, túi nilon xuống thẳng sông hồ.

Đảm bảo được hết những điều mà TSTtourist đã lưu ý ở trên, bạn sẽ biết được Tết ông Công ông Táo cúng gì, chuẩn bị gì và sẵn sàng để đón một Tết Nguyên đán 2024 hanh thông cả năm.

Đánh giá:
Ý kiến bạn đọc