Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Ngôi chùa treo Đại Từ Nham Tự gắn vào vách đá bằng những cột gỗ, che chắn bớt mưa gió.
Chùa treo được biết đến là công trình kiến trúc độc đáo của Trung Quốc. Những ngôi chùa đứng vững trên vách đá cheo leo hàng trăm năm đã cho thấy kỹ năng xây dựng đỉnh cao của người xưa. Bên cạnh Huyền Không Tự 1.500 tuổi nổi tiếng trên núi Hằng Sơn, vùng Giang Nam cũng có một ngôi chùa treo đã tồn tại hơn 700 năm qua - Đại Từ Nham Tự.
Chùa Đại Từ Nham Tự nằm cách thành phố Kiến Đức, tỉnh Chiết Giang khoảng 25 km về phía nam. Chùa Đại Từ Nham bắt đầu xây dựng trong giai đoạn 1297 - 1307 dưới triều nhà Nguyên, tồn tại hơn 700 năm.
Theo sử sách, người sáng lập chùa là nhà sư Mạc Tử Uyên - một bậc cao tăng lỗi lạc thời đó ở Lâm An, Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Tổng thể kiến trúc ngôi chùa với hơn 40 gian, được chống đỡ bởi các cột kèo bằng gỗ và trụ đá. Một phần chùa nhô ra bên ngoài, một phần được xây dựng gắn vào vách đá.
Ảnh: Sohu
Ảnh: Sohu
Ảnh: Sohu
Ảnh: Sohu
Ảnh: Sohu
Ảnh: Sohu
Ảnh: Sohu
Ảnh: Sohu
Khung cảnh nhìn từ chùa - Ảnh: Sohu
Trong đó, điện chính là nơi thờ tự Địa Tạng Vương Bồ Tát. Điện được xây dựng trong hang động cao 3 m, dài 60 m và rộng hơn 20 m. Phía trên có phần đá nhô ra che chắn cho ngôi cổ tự khỏi nắng mưa. Ngôi chùa ngoài một mặt giáp núi, các phía còn lại cũng được bao bọc bởi núi cao nên thời gian tiếp xúc với ánh sáng mặt trời không nhiều. Yếu tố vị trí địa lý này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn kiến trúc cổ.
Nơi đây còn nổi tiếng với hai pho tượng lớn. Đầu tiên là một pho tượng Phật tự nhiên, được biết đến là tượng Phật đứng tự nhiên lớn nhất Trung Quốc tính đến nay. Tượng Phật hòa nhập hoàn toàn với thiên nhiên. Khi tỉ mỉ quan sát ngọn núi cao nhất, du khách sẽ thấy ngũ quan của Đức Phật được tạo hình sinh động từ tổ hợp núi đá, hốc đá và cây cỏ. Chuyên gia giám định phần thân pho tượng đá tự nhiên này cao 147 m, phần đầu là 41,3 m và chiều rộng hơn 60 m. Đây được mệnh danh là tượng Phật đứng tự nhiên lớn nhất tại Trung Quốc.
Bên cạnh đó, tại đây còn có tượng Phật Di Lặc ngồi hai mặt, mỗi mặt được điêu khắc với tư thế riêng. Những bức tượng điêu khắc với hình dáng này rất hiếm thấy. Trong đó, một mặt của Đức Phật hướng về những ngọn núi phía xa với tư thế hai tay giấu trong tà áo rộng, gương mặt lộ nét tươi cười. Mặt còn lại hướng về phía ngôi chùa, trong tay cầm chuỗi hạt và túi vải, miệng dường như đang nói.
Ảnh: Sohu
Tượng Phật đứng tự nhiên trên núi đá - Ảnh: Sohu
Ảnh: Sohu
Cuối thu đầu đông, du khách thập phương đến chùa còn choáng ngợp bởi sắc vàng của cây ngân hạnh cổ thụ. Cây ngân hạnh hơn 700 năm tuổi do nhà sư Mạc Tử Uyên trồng, cao 39,5 m, đường kính thân 1,3 m, và 13 tầng tán. Nó được công nhận là "cây cổ thụ đẹp nhất Hàng Châu". Bởi sinh trưởng trên đất Phật, cây ngân hạnh trở thành một biểu tượng của tâm linh. Du khách thường treo những điều ước nguyện của mình lên cây cổ thụ.
Để đến ngôi chùa này, bạn có thể đi bộ lên núi theo đường cầu thang dọc triền núi dài khoảng 800 m hoặc ngồi cáp treo. Dù bằng cách nào bạn cũng có thể thưởng thức cảnh đẹp dưới núi trong quá trình di chuyển.
Chùa mở cửa đón khách quanh năm, nhưng khách du lịch phần lớn chuộng tham quan vào mùa hè bởi khí hậu mát mẻ, không khí trong lành và núi non trùng điệp. Một chuyến tham quan kéo dài khoảng hai đến ba tiếng. Khách du lịch vào cửa miễn phí, bãi đỗ xe thu vé 10 tệ một lượt (khoảng 35.000 đồng).
(Nguồn: Hạnh Phạm (Theo Ctrip), VN Express, Thứ ba, 24/5/2022, 11:20 (GMT+7))