Englishen

Cực thú vị nguồn gốc tên gọi 12 tỉnh miền Tây Nam Bộ

Thứ ba, 21/02/2023, 15:28 GMT+7

Miền Tây Nam Bộ là vùng đất có thiên nhiên trù phú và bản sắc văn hóa đa dạng, độc đáo. Điều này thể hiện phần nào qua nguồn gốc tên gọi 12 tỉnh thành trong khu vực này.

Ảnh: Sông Cái Bè, một phụ lưu của sông Tiền ở Tiền Giang

1. Tiền Giang

Dễ nhận ra, tên gọi tỉnh Tiền Giang được đặt theo sông Tiền, con sông chính chảy qua tỉnh, đồng thời là một trong hai dòng sông chính bồi đắp nên đồng bằng sông Cửu Long. Theo đo đạc, sông Tiền có tổng chiều dài hơn 234 km.
 

Ảnh: Văn Thánh Miếu ở TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

2. Vĩnh Long

Theo một số tư liệu, tên gọi tỉnh Vĩnh Long là tên ghép của hai địa danh vốn có từ trước là châu Định Viễn, huyện Long Hồ (sau này "Viễn" được đọc chệch thành "Vĩnh"). Tên gọi này còn có thể ngụ ý: “sự thịnh vượng (long) bền lâu, mãi mãi (vĩnh)”.
 

Ảnh: Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre

3. Bến Tre

Tên gọi tỉnh Bến Tre bắt nguồn từ tiếng Khmer là "Srôk kompong Trey". Sau này người Việt dịch chữ Srôk thành Bến và giữ phiên âm Trey lại, đọc phiên âm tiếng Việt từ Trey thành Tre.
 

Ảnh: Ao Bà Om ở TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh

4. Trà Vinh

Tên gọi tỉnh Trà Vinh có nguồn gốc từ tiếng Khmer là "Preáh Trapeng", có nghĩa là Ao Phật. Tên gọi này bắt nguồn từ giai thoại về một tượng Phật bằng đá được tìm thấy trong ao ước. Sau này người Việt đã đọc "Trapeng" thành Trà Vinh.
 

Ảnh: Chợ Cần Thơ ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ

5. Cần Thơ

Tên gọi TP Cần Thơ bắt nguồn từ tiếng Khmer là "Kìn Tho", có nghĩa là cá sặc rằn. Đây là loài cá rất thường gặp ở vùng đất Cần Thơ thuở xưa.
 

Ảnh: Chợ nổi Ba Ngàn họp trên kênh Ba Ngàn, TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang

6. Hậu Giang

Cũng như tỉnh Tiền Giang, tên gọi tỉnh Hậu Giang được đặt theo một con sông lớn của miền Tây là sông Hậu. Dòng sông này có độ dài vào khoảng 230 km.
 

Ảnh: Chùa Kh'Leang, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng

7. Sóc Trăng

Tên gọi tỉnh Sóc Trăng có nguồn gốc từ tiếng Khmer là "Srok Kh'leang", nghĩa là kho chứa bạc của nhà vua. Có lẽ tên gọi này bắt nguồn từ việc vùng đất Sóc Trăng thuở xa xưa là một nơi giàu có, nền sản xuất, thương mại phát triển mạnh.
 

Ảnh: Dinh thự Công tử Bạc Liêu ở TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu

8. Bạc Liêu

Tên gọi tỉnh Bạc Liêu được cho là có nguồn gốc từ "Pô Léo" - phiên âm tiếng Hoa giọng Triều Châu dùng để chỉ xóm nghèo làm nghề chày lưới, đi biển.
 

Ảnh: Cảnh quan ở Mũi Cà Mau, huyện Đất Mũi, tỉnh Cà Mau

9. Cà Mau

Tên gọi tỉnh Cà Mau bắt nguồn từ tiếng Khmer là "Tưk Khmau", có ghĩa là vùng nước đen. Sau này người dân Việt định cư ở nơi đây đọc "Khmau" thành "Cà Mau", theo thời gian trở thành tên gọi chung của vùng đất.
 

Ảnh: Chùa Hang ở huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang

10. Kiên Giang

Có ý kiến cho rằng, tên gọi tỉnh Kiên Giang bắt nguồn từ một con sông ở Rạch Giá, xưa kia được gọi là sông Kiên. Tuy nhiên, quan điểm này chưa được các nhà nghiên cứu xác thực.
 

Ảnh: Chùa Tây An ở TP Châu Đốc, tỉnh An Giang

11. An Giang

Tên gọi tỉnh An Giang được nhà Nguyễn đặt năm 1832, có nghĩa là vùng nước an lành. Tên gọi này mang hàm ý nơi đây có thể định cư lâu dài, khuyến khích di dân, khẩn hoang lập làng.
 

Ảnh: Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp

12. Đồng Tháp

Có nhiều cách lý giải tên gọi tỉnh Đồng Tháp. Theo một lời kể, xưa kia nơi đây có ngọn tháp 10 tẩng nằm ở cánh đồng lớn. Dần dần, người ta gọi nơi này là Đồng Tháp Mười, sau này gọi tắt là Đồng Tháp. Quan điểm này chưa được các nhà sử học xác thực.

(Nguồn: Quốc Lê, Trí thức & Cuộc sống, Thứ ba, 21/02/23, 07:17 (GMT+7))