Englishen

Di sản Mỹ Sơn được trả về dáng vẻ ban đầu

Thứ tư, 21/12/2022, 08:26 GMT+7

Sau 6 năm, di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã được gia cố, trùng tu, tôn tạo hoàn chỉnh các nhóm tháp K, H, A, trả lại dáng vẻ ban đầu như khi người Pháp phát hiện.

Ngày 20/12, tại huyện Duy Xuyên, dự án hợp tác giữa Việt Nam với Ấn Độ trùng tu các nhóm K, H, A tại khu Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã hoàn thiện và được bàn giao qua 6 năm triển khai (2017-2022). Các chuyên gia đã tiến hành gia cố, trùng tu, tôn tạo hoàn chỉnh các nhóm tháp, trả lại dáng vẻ ban đầu như khi người Pháp phát hiện ra.

Trong quá trình phát lộ trùng tu đã phát hiện hàng trăm hiện vật có giá trị, nhiều hiện vật lần đầu mới phát hiện tại Mỹ Sơn. Trong đó có tượng thần bằng đá phát hiện ở khu tháp A, bức phù điêu trong lòng tháp A13 tương đối khác lạ so với các công trình kiến trúc được điêu khắc trong lòng tháp của kiến trúc Champa. Trong ảnh là khu tháp A trước và sau khi trùng tu. Ảnh: Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn.

Đối với Khu tháp K, các chuyên gia đã phát lộ, khai quật với diện tích hơn 400 m2. Trong quá trình bóc tách, di chuyển lớp đất sâu 60-80 cm đã phát hiện tháp K có hai cửa ở 2 hướng Đông - Tây và 2 bức tường thấp chạy song song, kéo dài về hướng khu E, F. Ảnh: Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn.

Vật liệu sử dụng chủ yếu để tôn tạo là gạch cũ kết hợp với gạch mới phù hợp từng vị trí. Thực hiện gia cố, gia cường ở những góc tường, mảng tường có kết cấu yếu, nghiêng lệch của tháp.

Trong quá trình bóc tách lớp đất bị vùi lấp trong lòng tháp A10, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam đã phát hiện một đài thờ sa thạch với Linga -Yoni liền khối còn nguyên vẹn. Đây là bộ Linga - Yoni liền khối lớn nhất của nền điêu khắc Champa được tìm thấy đến nay, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia.

Đài thờ sa thạch với Linga -Yoni còn khá nguyên vẹn, một vài vị trí ở phần đế, thân bị nứt vỡ.

Xung quanh các tháp được điêu khắc bằng những tượng tu sĩ nam đứng chắp tay trước ngực theo dạng thức anjali mudra. Các tu sĩ mặc sampot có tà trước dài dưới đầu gối và hai dãi thòng xuống hai bên từ đai nịt của sampot.

Dự án Bảo tồn, tôn tạo Di sản văn hóa thế giới Khu đền tháp Mỹ Sơn được hoàn thiện đã tạo sự mới lạ, hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến tham quan di sản này.

Khu đền tháp Mỹ Sơn ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Ảnh: Google Maps.
(Nguồn: Thanh Đức, Zingnews, Thứ ba, 20/12/2022, 19:31 (GMT+7))