Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Phố cổ Đồng Văn, Hà Giang không chỉ có núi non hùng vĩ mà nơi đây còn nhiều món ngon độc lạ thu hút được nhiều thực khách.
Cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang luôn thu hút du khách không chỉ bởi cảnh sắc thiên nhiên cuốn hút, tươi mát quanh năm, mà còn bởi nền ẩm thực phong phú với nhiều món đặc sản hấp dẫn du khách.
Bánh tam giác mạch
Lên Hà Giang du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cánh đồng hoa tam giác mạch nhẹ nhàng mà còn được thưởng thức thứ đặc sản có một không hai từ loài hoa này - bánh tam giác mạch. Với vị béo béo, thơm thơm, bánh tam giác mạch là món ăn làm nao lòng mọi thực khách.
Sau khi hạt tam giác mạch được phơi khô sẽ đem đi xay. Tiếp đến họ sẽ sàng lọc để bỏ đi phần vỏ và lấy phần bột mịn. Trộn bột với nước rồi nhào đều tay cho đến khi dẻo quánh thì bỏ vào khuôn và hấp chín. Để bánh thêm phần thơm ngon, giòn rụm thì người ta đem bánh nướng trên bếp than hồng.
Nếu ghé các chợ vùng cao bạn sẽ bắt gặp những người phụ nữ ngồi bên bếp than hồng nướng bánh. Bánh màu vàng là bánh bột ngô. Bánh màu trắng là bánh bột nếp. Còn bánh có màu tím nhạt chính là bánh tam giác mạch Hà Giang.
Thắng dền
Thắng dền chẳng biết từ bao giờ trở thành món ăn vặt đặc sản Hà Giang, đó cũng là món ăn mà người dân nơi đây hay giới thiệu cho những vị khách lần đầu đặt chân tới cao nguyên đá này. Bánh được làm từ bột gạo nếp, có thể làm chay hoặc bọc nhân đậu đỗ.
Làm thắng dền không khó nhưng đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế. Đầu tiên là chọn gạo nếp, theo những người làm bánh, phải là nếp Yên Minh (loại gạo nếp ngon ở Hà Giang), hạt mẩy, dẻo thơm. Gạo nếp sau khi ngâm, để ráo xay bột, rồi đổ vào một chiếc túi vải, đợi đến khi bột đặc mịn mới đem ra làm bánh.
Mỗi viên bánh Thắng dền được nặn hình tròn, to như viên bánh trôi, có nhân đỗ, vừng, dừa. Đun sôi nước rồi thả vào luộc, đến khi bánh chín, nổi lên là vớt ra chan với nước nấu từ đường hoa mai và gừng. Bánh dẻo, ngon nhưng quan trọng hơn vẫn là nước đường. Mỗi người làm bánh lại có bí quyết riêng để đảm bảo độ cay, ngọt vừa phải. Bát Thắng dền sau khi chan nước đường, sẽ được dưới thêm chút nước cốt dừa, lạc rang vàng để thêm hấp dẫn.
Trong không gian se lạnh của khu phố cổ Đồng Văn mộc mạc, yên bình có lẽ Thắng dền là một món ăn vô cùng tuyệt vời, nó hài hòa giữa vị ngọt của đường, béo ngậy của dừa và chút cay cay, đủ vị ấm nóng để xua đi cái lạnh giá nơi miền sơn cước này.
Phở Tráng Kìm
Du lịch Hà Giang ngoài việc được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của thiên, du khách còn có cơ hội được thưởng thức văn hóa, nền ẩm thực đa dạng của bà con dân tộc nơi đây, trong đó bạn không thể bỏ lỡ việc thưởng thức món phở Tráng Kìm tại Đồng Văn.
Tráng Kìm là một địa danh nằm trên con đường từ Quản Bạ vào Đồng Văn, giữa miền múi cao có con phố dài khoảng 100m dọc hai bên đường thuộc xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ. Bản làng bình yên này nổi tiếng với món phở có lịch sử khá lâu đời - phở Tráng Kìm. Món ăn nổi tiếng, không chỉ vì ngon, hấp dẫn mà còn thú vị, "lạ" trong cách chế biến rất tinh tế, khéo léo của đôi tay người miền núi.
Sợi phở Tráng Kìm được làm thủ công ở mọi công đoạn. Bột gạo được xay bằng đôi tay của những người phụ nữ. Những tảng bánh phở sau khi được tráng thủ công được phơi rải đều trên những cây nứa treo trên mái nhà cho róc.
Đây là món điểm tâm sáng của những người đi chợ phiên và giờ đây, phở Tráng Kìm là món ăn khách du lịch đến Hà Giang không thể bỏ lỡ.
Thắng cố
Món đặc sản Đồng Văn - thắng cố là món ăn nổi tiếng của người H'Mong nói riêng và đồng bào dân tộc vùng núi cao nói chung. Thắng cố truyền thống chỉ được nấu từ thịt ngựa. Tuy nhiên ngày nay, người H'Mong đã sử dụng thêm nhiều loại khác nhau để nấu như thịt trâu, thịt bò.
Để nấu được một nồi thắng cố truyền thống cần đến 12 loại gia vị khác nhau bao gồm: thảo quả, hoa hồi, quế chi, sả, gừng, và nhiều loại gia vị đặc biệt khác của dân tộc vùng cao. Trong đó, cây thắng cố chính là loại gia vị cuối cùng.
Cách làm thắng cố không quá phức tạp. Người dân sẽ lấy phần xương xẩu, mỡ, thịt vụn, tim gan phèo phổi làm sạch sẽ, ướp gia vị cùng những loại thảo quả. Sau khi đã ngấm thì họ đem tất cả đi xào cho săn lại, tiếp tục đổ thêm nước vào chảo, ninh nhừ. Khi đã chín, họ múc thắng cố ra bát rồi cho thêm ít tiết ngựa đã luộc chín vào.
Mèn mén
Mèn mén là món ăn được chế biến từ bột ngô tẻ rồi đem đi hấp chín, được làm từ một loại nguyên liệu hết sức bình thường nhưng lại mang đến cho thực khách những hương vị thơm ngon đặc biệt. Đồ ngô là khâu quan trọng nhất quyết định đến mức độ hoàn hảo của mèn mén. Đồ càng kỹ thì ngô sẽ càng bùi và không bị dính vào nhau.
Mèn mén khi chín có mùi thơm hấp dẫn, ăn vị béo bùi, dẻo mịn. Ăn cùng mèn mén là bát canh dùng ngọt vị như canh bí đỏ, canh su su… dễ ăn, dễ nuốt và tăng thêm phần hấp dẫn cho món ăn. Còn một nguyên liệu ăn mèn mén đó chính là ớt nướng, nó góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho món ăn.
Mèn mén nghe đơn giản là thế! Nhưng để tạo nên được thương hiệu là đặc sản Đồng Văn thì không hề dễ dàng, họ phải bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức để có được món ăn thơm ngon. Có như thế thực khách khi thưởng thức mới phải lưu luyến bồi hồi mãi.
(Nguồn: Khôi Vũ, Dân Trí, Thứ tư, 01/09/2021, 16:24 (GMT+7))