Englishen

Du lịch làng nghề, hướng đi đúng của Sơn Tây

Thứ sáu, 19/08/2022, 08:25 GMT+7

Thị xã Sơn Tây được quy hoạch thành đô thị vệ tinh của TP với tính chất là đô thị văn hóa lịch sử và du lịch nghỉ dưỡng. Trong đó, du lịch làng nghề được đánh giá là một trong những lĩnh vực tiềm năng nhất mang đến sức bật cho du lịch địa phương này.

Du khách nước ngoài trải nghiệm Làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Bảo Chung

Lá cờ đầu từ làng bánh tẻ Phú Nhi

Nói đến làng nghề truyền thống của “đất hai vua”, làng nghề bánh tẻ Phú Nhi sẽ là cái tên đầu tiên được nhắc đến, không chỉ bởi tính chất đặc sắc, lâu đời vốn có mà đây chính là làng nghề đang có sự phát triển sôi động nhất hiện nay.

Theo thống kê của địa phương, hiện trên địa bàn phường Phú Thịnh có 30 cơ sở sản xuất bánh tẻ thường xuyên với số lượng lớn. Ngoài ra còn hàng chục cơ sở làm theo thời vụ, tập trung ở các tổ dân phố Phú Nhi 1, 2, 3 và tổ dân phố Hồng Hậu. Có những gia đình sản xuất trung bình 1.000 - 2.000 chiếc mỗi ngày như gia đình bà Phạm Thị Bình, Hoàng Thị Vân ở Tổ dân phố Phú Nhi 3.

Đặc trưng của nghề làm bánh tẻ là phải thức khuya, dậy sớm nhưng bù lại đây là công việc mang tới nguồn thu nhập cao hơn nhiều so với làm nông. Không những thế, nghề làm bánh tẻ ở Phú Nhi cũng đang dần đi vào ổn định, chuyên môn hóa cao nên giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn thị xã Sơn Tây có 93/141 tổ dân phố, khu dân cư, thôn làng có nghề (chiếm 65% tổng số làng, khu phố, khu dân cư của thị xã). Trong đó có 2 làng nghề được UBND TP công nhận là làng nghề bánh tẻ Phú Nhi thuộc phường Phú Thịnh (được công nhận năm 2007) và làng nghề thêu ren Ngọc Kiên - xã Cổ Đông (được công nhận năm 2008). Chính vì thế, chiến lược phát triển làng nghề của thị xã Sơn Tây sẽ lấy hai làng nghề này làm “xương sống” để từ đó tạo ra sức bật cho tất cả những làng nghề còn lại.

Bánh tẻ Phú Nhi được làm từ những nguyên liệu đơn giản như gạo tẻ, mộc nhĩ, thịt, hành khô. Nhờ những đặc sắc riêng của mình, từ lâu bánh tẻ Phú Nhi đã trở thành lựa chọn của nhiều du khách khi đến với Sơn Tây. Năm 2007, Phú Nhi được công nhận làng nghề sản xuất bánh tẻ truyền thống, danh hiệu làng nghề đầu tiên tại thị xã Sơn Tây.

Năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN đã cấp bằng công nhận thương hiệu Bánh tẻ Phú Nhi cho làng nghề. Hiện nay, tất cả các hộ sản xuất bánh tẻ đã được đăng ký sử dụng tem nhãn của làng nghề Phú Nhi trên sản phẩm. Chính điều này đã góp phần đưa sản phẩm bánh tẻ Phú Nhi trở thành thương hiệu hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề bánh tẻ ngày càng phát triển.

Chủ tịch UBND phường Phú Thịnh Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, làng bánh tẻ Phú Nhi có rất nhiều tiềm năng để phát triển, đặc biệt là phát triển du lịch gắn với làng nghề. Tuy nhiên, hiện làng nghề này cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Trong đó, trở ngại lớn nhất là hiện Phú Nhi tuy đã có thương hiệu nhưng không phải là một làng du lịch.

Do đó, để Phú Nhi phát triển hơn nữa và nhất là phát triển theo hướng làng nghề du lịch thì bắt buộc làng nghề này phải tạo được điểm nhấn hoặc đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị của hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội, làng nghề... để thu hút khách tham quan.

Nắm bắt được trăn trở trên, UBND thị xã Sơn Tây đã chỉ đạo Phòng Kinh tế phối hợp với UBND phường Phú Thịnh và đơn vị chức năng xây dựng “Đề án hỗ trợ duy trì và phát triển làng nghề bánh tẻ Phú Nhi gắn với du lịch thị xã Sơn Tây giai đoạn 2019 -2021, định hướng đến năm 2025”.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Tạ Thanh Phong cho hay, đề án sẽ góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân làng nghề bánh tẻ Phú Nhi, đồng thời, thông qua các hoạt động du lịch tại làng nghề góp phần giới thiệu, tôn vinh những giá trị văn hóa lâu đời của làng nghề và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
“Thị xã phấn đấu duy trì, phát triển thêm số lượng các hộ sản xuất bánh tẻ Phú Nhi, nâng cấp, cải tạo cơ sở sản xuất của các hộ hiện đang sản xuất bánh tẻ tại làng nghề, phát triển thương hiệu bánh tẻ Phú Nhi” – ông Tạ Thanh Phong cho biết.

Làng nghề bánh tẻ Phú Nhi nổi tiếng tại thị xã Sơn Tây.

Phát triển đi đôi với bảo tồn giá trị làng nghề

Những làng nghề truyền thống độc đáo không chỉ là nguồn lực cho phát triển kinh tế, nâng cao mức sống cho người dân mà còn mang đến tiềm năng lớn phát triển du lịch cho thị xã Sơn Tây.

Trong số những làng nghề truyền thống hiện nay ở Sơn Tây thì làng nghề bánh tẻ Phú Nhi có lợi thế nhất trong để thực hiện việc phát triển du lịch làng nghề bởi nơi đây nằm liền kề các khu di tích, điểm du lịch nổi tiếng của thị xã như Thành cổ Sơn Tây, Đền Và, làng cổ Đường Lâm, chùa Mía, đình Phùng Hưng... lại cách không xa các điểm du lịch như Suối Hai, Ao Vua, Khoang Xanh... của huyện lân cận là Ba Vì. Nhờ đó, bánh tẻ Phú Nhi đang là một đặc sản được du khách chú ý nhiều nhất mỗi khi tới tham quan du lịch Sơn Tây và thường được mua tại các khu du lịch.

Đặc biệt, nói đến phát triển du lịch làng nghề của thị xã Sơn Tây không thể không nói tới làng cổ Đường Lâm. Nơi đây cũng nổi tiếng với nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống như kẹo dồi, kẹo lạc và bánh chè lam, tương. Những sản phẩm làng nghề độc đáo cùng với di tích làng cổ được Bộ Văn hóa thể thao và du lịch xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia từ năm 2005 chính là những thứ “hương liệu” đặc biệt giúp làng cổ Đường Lâm thu hút một lượng khách du lịch lớn từ mọi miền đất nước tìm về.

Xác định bảo tồn, phát huy các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng, thị xã Sơn Tây đã ban hành nghị quyết về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, gắn với phát triển kinh tế du lịch thị xã giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, tập trung bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng nhận định, du lịch luôn là một trong những lĩnh vực mũi nhọn để phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Vì thế, địa phương từ lâu đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch Sơn Tây theo hướng đẩy mạnh thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn. Thị xã cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến, vận động DN, hộ gia đình và người dân tham gia xây dựng môi trường du lịch văn minh, lịch sự, thân thiện.

Theo ông Lê Đại Thăng, địa phương đang xây dựng điểm đến Làng cổ Đường Lâm trở thành điểm đến đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia; kết nối với các di tích tiêu biểu như đền Và, Văn Miếu, Thành cổ Sơn Tây. Tiếp tục hình thành điểm đến du lịch hấp dẫn mới, các di tích, địa danh, như Chùa Khai Nguyên, đền Măng Sơn, hồ Đồng Mô, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt, thị xã Sơn Tây xác định, bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng, không chỉ phát triển kinh tế mà còn tạo ra các sản phẩm du lịch mới, độc đáo cho địa phương. Đồng thời bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống.
(Nguồn: Nguyễn Quý, Kinh tế & Đô thị, 06:14, 19/08/2022)