Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Thời gian qua, doanh nghiệp lưu trú, lữ hành, dịch vụ du lịch đã đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành du lịch Thái Nguyên, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh.
Doanh nghiệp và vai trò động lực
Theo thông tin từ Sở VHTT&DL Thái Nguyên, đến tháng 9/2021 địa phương có 17 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành (trong đó có 9 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 8 doanh nghiệp lữ hành nội địa); 450 cơ sở lưu trú với số lượng trên 6.000 phòng, trên 100 nhà hàng có sức chứa lớn, nhiều nhà hàng chất lượng cao có quy mô phục vụ đoàn 1.000 khách. Nổi bật có nhà hàng Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh là một trong 5 nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch tốt nhất Việt Nam năm 2019; khách sạn Dạ Hương lọt Top 20 dịch vụ hoàn hảo vì quyền lợi người tiêu dùng năm 2020.
Các doanh nghiệp du lịch đã góp phần vào quá trình tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của người dân. Một số doanh nghiệp đã chủ động đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, xây dựng các sản phẩm du lịch mới; tích cực bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường xã hội trong hoạt động du lịch; phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên tham gia các hoạt động xúc tiến trên toàn quốc.
Trong giai đoạn 2015 - 2019, các chỉ tiêu về du lịch tại Thái Nguyên có mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, trong đó tăng trưởng về khách du lịch quốc tế đạt 6%/năm, khách du lịch nội địa tăng 15%/năm, thu nhập từ dịch vụ du lịch từng bước được nâng cao, giải quyết việc làm cho khoảng 3.500 lao động. Trong 2 năm 2018, 2019 doanh thu du lịch đạt hơn 400 tỷ đồng/năm. Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các chỉ tiêu phát triển du lịch tại Thái Nguyên giảm mạnh so với các năm trước đó.
Phát huy vai trò của hiệp hội du lịch
Ông Đỗ Trọng Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên cho biết năm 2021, tổ chức này đã tổng hợp ý kiến, đề xuất các biện pháp hỗ trợ gửi các cơ quan quản lý nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch duy trì hoạt động và hồi phục khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát. Các biện pháp phòng chống dịch cho du khách và nhân viên đã được triển khai đồng bộ, tạo môi trường du lịch an toàn và thân thiện tại Thái Nguyên.
Đưa ngành du lịch Thái Nguyên phục hồi
Theo kế hoạch "Triển khai các biện pháp kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên" mới được ban hành, trong thời gian tới các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tại Thái Nguyên sẽ xây dựng và triển khai các chương trình, sản phẩm, gói kích cầu du lịch, tour an toàn trong tình hình mới.
Cùng với đó, Thái Nguyên tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án "Phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030". Trong đó, Thái Nguyên đẩy nhanh công tác xúc tiến đầu tư vào khu du lịch hồ Núi Cốc, đặc biệt chú trọng đến du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí và loại hình du lịch MICE; tập trung xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với văn hóa trà.
Bên cạnh phát triển các loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, về nguồn; tỉnh Thái Nguyên cũng huy động nguồn lực đầu tư phát triển du lịch khám phá hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà; tiếp tục khảo sát, đánh giá, kiểm kê tài nguyên hang động khác trên địa bàn tỉnh; huy động sự tham gia của người dân, các nhà đầu tư, lồng ghép các chương trình, dự án của tỉnh về phát triển sản phẩm du lịch.
Hiện tại, tỉnh Thái Nguyên đang xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư tham gia phát triển du lịch cộng đồng; tích cực thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch để đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân, du khách theo các nguyên tắc: phát triển du lịch bền vững, theo chiến lược, đề án, quy hoạch, có trọng tâm, trọng điểm, phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, khai thác lợi thế của từng địa phương.
(Nguồn: Nam Anh, VOV, Thứ Năm, 06:06, 16/12/2021)