Các hãng hàng không ghi nhận lượng khách bay quốc tế đã có sự phục hồi nhất định trong thời gian gần đây. Nhiều đường bay quốc tế giữa Việt Nam đến Hàn Quốc, Nhật Bản đang được khôi phục, tăng tần suất.
Nhu cầu hành khách đi lại sau dịch được các hãng ghi nhận có sự tăng trưởng, đặc biệt giữa Việt Nam kết nối Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngày 10-5, Vietnam Airlines công bố tăng tần suất trên 8 đường bay đến Nhật Bản và Hàn Quốc từ 15-5, và khôi phục 3 đường bay đến Hàn Quốc. Các đường bay trên, hãng sử dụng máy bay thân rộng Boeing 787.
Với thị trường Nhật Bản, Vietnam Airlines tăng 1-2 chuyến bay/tuần giữa Hà Nội, TP.HCM đến Tokyo, Osaka, Nagoya. Bắt đầu từ 1-7, hành khách có thể mua vé bay trực tiếp Đà Nẵng - Tokyo với đường bay được Vietnam Airlines khôi phục. Như vậy, Vietnam Airlines sẽ có từ 25 đến 30 chuyến bay mỗi tuần từ Hà Nội, TP.HCM đến các thành phố lớn của Nhật Bản.
Với đường bay Hàn Quốc, từ 15-5, hãng tăng thêm 3 đến 4 chuyến bay mỗi tuần trên các chặng giữa Hà Nội, TP.HCM và Seoul. Các chặng bay như Hà Nội, TP.HCM - Pusan, Đà Nẵng - Seoul sẽ được nối lại và tăng tần suất 3-4 chuyến/tuần.
Hãng bay của nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - Vietjet Air - tiếp tục đẩy mạnh đường bay giữa Việt Nam đến Nhật Bản, Hàn Quốc, và mở rộng mạng bay đến Ấn Độ, Úc, Nga. Theo khảo sát trên website, Vietjet bay thường lệ mỗi ngày đến một số sân bay lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc. Nếu đặt vé khởi hành từ cuối tháng 5, giá vé chỉ còn 3,2 triệu đồng/vé, giảm 30-40% so với thời điểm tháng 3 và tháng 4-2022.
Khi hãng bay công bố tăng tần suất chặng bay quốc tế, nhiều hành khách có thể "săn vé" giá ưu đãi trong dịp này với giá mềm hơn. Cụ thể, chặng bay giữa Hà Nội - Busan, mua vé từ nay đến 31-12 cho hành trình khởi hành đầu tháng 6 và đến cuối năm, giá vé Vietnam Airlines khoảng 11,5 triệu đồng/vé...
Bà Phạm Phương Anh - giám đốc điều hành Công ty Du lịch Việt - đánh giá các đường tour nước ngoài như Dubai, Maldives, Thái Lan, Singapore, châu Âu, Hoa Kỳ… đã có tín hiệu du khách quan tâm trở lại. Tuy nhiên, đối với tour nước ngoài, vấn đề được du khách và doanh nghiệp hiện tại đều quan tâm đó là quy định xuất nhập cảnh tại các quốc gia cũng như chính sách hộ chiếu vắc xin vẫn chưa được thống nhất.
Điều này cũng khiến khách bị "nhiễu" thông tin và chưa hoàn toàn an tâm để đăng ký tour, nhất là những trường hợp bị nhiễm COVID-19 khi đi tour. "Doanh nghiệp cũng cần các cơ quan chức năng có những hỗ trợ cần thiết, để tạo mọi điều kiện tốt nhất giúp kích cầu du lịch, cũng như đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn ra trên toàn cầu" - bà Phương Anh đề xuất.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện nay có 20 đường bay quốc tế đã được khôi phục như trước dịch từ Việt Nam đi, đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Doanh thu của các hãng chủ yếu đến từ đường bay quốc tế, song thực tế năm 2022 vẫn còn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến việc phục hồi. Chẳng hạn như giá nhiên liệu bay Jet A1 vẫn tiếp tục tăng cao, tình hình bất ổn về kinh tế, chính trị trên thế giới giai đoạn vừa qua khiến giá nhiên liệu tăng đột biến, gây sức ép nặng nề lên chi phí của các hãng hàng không.
(Nguồn: Công Trung, Tuổi Trẻ, Thứ ba, 10/05/2022, 14:44 (GMT+7))