Englishen

Khác biệt giữa Tết cổ truyền ở Việt Nam và Hàn Quốc

Thứ bảy, 14/01/2023, 08:41 GMT+7

Ý nghĩa của Tết cổ truyền đối với người dân Việt Nam và Hàn Quốc là để tạm biệt năm cũ, chào mừng năm mới. Đây là dịp con cháu tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành kính đến tổ tiên, ông bà, cũng là để tạ ơn các vị thần đã mang đến sự sinh sôi, nảy nở sau một mùa đông lạnh giá. Bên cạnh đó, thời gian nghỉ Tết cũng là cơ hội để gia đình sum vầy bên mâm cơm giao thừa và cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp vào năm mới. Tuy ở Việt Nam và Hàn Quốc cùng đón Tết cổ truyền theo âm lịch với một số phong tục giống nhau, nhưng người dân mỗi nước đều có những truyền thống đón Tết đặc trưng. Trong bài viết này, TSTtourist sẽ giới thiệu đến bạn tất tần tật thông tin về Tết cổ truyền Việt Nam cũng như Hàn Quốc.

Sự khác nhau giữa Tết cổ truyền Việt Nam và Hàn Quốc

Sở dĩ có sự khác biệt giữa Tết ở Việt Nam và Hàn Quốc là do văn hóa. Chính điều này đã làm nên những nét đặc sắc riêng của ngày Tết ở hai đất nước.

Hanbok là trang phục truyền thống ngày Tết của người dân Hàn Quốc

Hanbok là trang phục truyền thống ngày Tết của người dân Hàn Quốc

Tên gọi

Điểm khác biệt đầu tiên giữa ngày Tết Việt Nam và Hàn Quốc là tên gọi. Tết cổ truyền Việt Nam gọi là Tết Nguyên đán, còn Tết cổ truyền ở Hàn Quốc được gọi là Seollal.

Thời gian


Phong tục mừng tuổi ở Việt Nam gọi là "lì xì", còn Hàn Quốc là "Sabae"

Người Việt Nam thường đón Tết cổ truyền từ lễ Táo công vào 23 tháng Chạp đến mùng 7 tháng Giêng. Trong khi đó, Tết ở Hàn Quốc chỉ kéo dài trong vòng 3 ngày, bắt đầu từ ngày cuối cùng của năm cũ cho đến hết mùng 2 Âm lịch.

Năm mới, trẻ em Việt Nam và Hàn Quốc đều được nhận tiền mừng tuổi từ ông bà, cha mẹ trong một phong bì nhỏ. Phong tục mừng tuổi ở Việt Nam gọi là "lì xì", còn tại Hàn Quốc là "Sabae".

Phong tục

Phong tục gói bánh chưng ngày Tết ở Việt Nam

Phong tục gói bánh chưng ngày Tết ở Việt Nam

Tết cổ truyền Việt Nam có nhiều phong tục truyền thống nhằm cầu mong hạnh phúc, bình an và may mắn. Đối với người dân, giao thừa là thời khắc đặc biệt quan trọng. Theo tục lệ, người Việt sẽ chuẩn bị hai mâm lễ để cúng trong nhà và ngoài trời.

Mâm lễ giao thừa ở ngoài trời sẽ dành cho các vị thần, còn trong nhà là để cúng bái tổ tiên. Ngoài ra, nhiều phong tục khác có thể kể đến như: gói bánh chưng, bánh tét, chuẩn bị mâm ngũ quả, xông đất, chúc Tết, hóa vàng, du xuân,...

Tết Hàn Quốc có nhiều khác biệt so với Tết cổ truyền Việt Nam. Người dân nước này thường đốt những thanh tre trước thềm năm mới nhằm xua đuổi tà ma. Đồng thời, hành động này còn được coi là để vứt bỏ những điều xui xẻo của năm cũ, sẵn sàng đón nhận nhiều sự may mắn sắp tới.

Đặc biệt, trong đêm giao thừa, người dân xứ kim chi sẽ thức suốt đêm. Theo quan niệm, nếu ngủ thì sáng hôm sau lông mi sẽ bạc trắng và đầu óc thiếu minh mẫn. Bên cạnh đó, Tết Hàn Quốc còn nhiều hoạt động khác như biếu quà người thân trước năm mới, chơi Yutnori (trò chơi lấy gậy làm xúc xắc để di chuyển cờ), nghi lễ Charye (nghi lễ cầu nguyện sự bình an trong ngày Tết), treo xẻng rơm (với ý nghĩa hốt thóc gạo rơi vãi ngoài cửa để nhận được phúc lộc quanh năm), trò Neolttwigi (nhảy bập bênh), mặc Hanbok để đi chơi và thực hiện những nghi lễ thờ cúng,...

Món ăn cổ truyền

Vào ngày Tết cổ truyền, các thành viên trong gia đình đều quây quần bên nhau, cùng thưởng thức những món ăn truyền thống. Mâm cỗ đầu năm được chuẩn bị chu đáo, đa dạng các món. Tuy nhiên, ẩm thực Tết cổ truyền của Việt Nam và Hàn Quốc có các món truyền thống riêng.

Mâm cơm ngày Tết ở Việt Nam luôn được chuẩn bị thịnh soạn, đầy đủ các món mặn, chay, nước, khô và cả tráng miệng. Người Việt quan niệm rằng, Tết no đủ thì năm mới sẽ phát tài, phát lộc, hạnh phúc và bình an.

Hầu hết mâm cơm gia đình Việt Nam sẽ có các món như xôi, bánh chưng, gà luộc, nem rán, giò,... Nhưng tùy vào tập quán của người dân từng miền Bắc - Trung - Nam, thực đơn mâm cơm ngày Tết sẽ có thay đổi, thêm bớt các món ăn đặc trưng.

Người Hàn Quốc ăn canh bánh gạo với mong muốn có một năm mới thuận lợi, may mắn

Người Hàn Quốc ăn canh bánh gạo với mong muốn có một năm mới thuận lợi, may mắn

Với Tết cổ truyền ở Hàn Quốc, mâm cúng khá cầu kỳ. Người dân nước này tin rằng, những món ăn thơm ngon và trình bày đẹp mắt là thể hiện sự tôn kính với ông bà, tổ tiên. Do đó, họ chuẩn bị đồ cúng rất kỹ càng và các gia đình thường mất cả ngày trước Tết để chuẩn bị thực phẩm.

Có khoảng 20 món khác nhau như rau rừng, sườn om, miến trộn, há cảo,... được bày trên bàn thờ. Đặc biệt, canh bánh gạo Tteokguk là món ăn không thể thiếu vào dịp Tết đầu năm, tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng. Theo truyền thống, Tteokguk được nấu từ bánh gạo, thịt bò, trứng và rau. Bên cạnh đó, trong dịp Tết, người dân Hàn Quốc còn quây quần bên gia đình thưởng thức các món ăn khác như bánh dasik, bánh Yakgwa, rượu gạo, trà omija,...

Tết cổ truyền Việt Nam là thời điểm nào ở Hàn Quốc?

Cũng giống với Tết cổ truyền Việt Nam, Tết ở Hàn Quốc diễn ra vào ngày 1 tháng 1 Âm lịch hàng năm. Cùng với Trung thu, đây là một trong hai dịp lễ lớn nhất của người Hàn Quốc. 

Tết cổ truyền Hàn Quốc là thời điểm cuối đông

Tết cổ truyền Hàn Quốc là thời điểm cuối đông

Tết cổ truyền Hàn Quốc diễn ra vào tháng 2 Dương lịch, là thời điểm cuối đông với cảnh quan tuyệt đẹp. Nhiệt độ vào khoảng thời gian này tuy lạnh nhưng cũng đang ấm dần lên để chuẩn bị chào đón một mùa xuân mới. Một số vùng có nhiều băng thì sẽ có chút khó khăn cho việc di chuyển bởi tuyết bắt đầu tan dần.

Có nên du lịch Hàn Quốc dịp Tết Nguyên đán?

Hàn Quốc là đất nước thuộc vùng Đông Bắc Á, nổi tiếng với các chương trình giải trí, những idol có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và là địa điểm du lịch chưa bao giờ vơi sức hút.

Mê mẩn mùa đông tuyết trắng ở Hàn

Mê mẩn mùa đông tuyết trắng ở Hàn

Mùa đông tuyết trắng ở Hàn thường kéo dài từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau, là thời điểm thích hợp để du khách trải nghiệm những hoạt động hấp dẫn trên tuyết, tham gia các lễ hội thú vị và tha hồ thưởng thức những món ăn ngon.

Một lễ hội quan trọng của Hàn Quốc là Tết cổ truyền, diễn ra vào mùa đông với nhiệt độ khá thấp nhưng khi đến đây vào dịp này, du khách sẽ cảm nhận được không khí vui tươi, nhộn nhịp khác hẳn ngày thường. Trong những ngày Tết, người Hàn sẽ diện những chiếc Hanbok đầy màu sắc, chúc Tết gia đình, họ hàng giống như Tết cổ truyền của người Việt Nam.

Trò chơi dân gian vào dịp Tết cổ truyền ở Hàn

Trò chơi dân gian vào dịp Tết cổ truyền ở Hàn

Đặc biệt, vào thời gian Tết Hàn Quốc diễn ra, có rất nhiều sự kiện và chương trình trải nghiệm truyền thống dành cho du khách. Điển hình như làng Namsangol Hanok và làng dân gian Hàn Quốc thường tổ chức nhiều buổi biểu diễn truyền thống, các chương trình thủ công và trò chơi dân gian.

Cung điện Gyeongbokgung mở cửa vào ngày Tết cổ truyền Hàn Quốc

Cung điện Gyeongbokgung mở cửa vào ngày Tết cổ truyền Hàn Quốc

Bốn cung điện lớn của Hàn Quốc là: Gyeongbokgung, Changdeokgung, Deoksugung và Changgyeonggung sẽ mở cửa vào đúng ngày Tết cổ truyền Hàn Quốc, để du khách sẽ có thể vào cung điện miễn phí những ngày này. Mặc Hanbok, dạo chơi trong các cung điện và đón Tết giống như người Hàn Quốc là trải nghiệm rất đáng mong chờ đúng không nào?

Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức những món ăn truyền thống chỉ có trong dịp Tết được bày bán trên khắp đất nước. Ghé thăm các chợ địa phương Gwangjang hoặc Namdaemun vào thời gian này trong năm, bạn sẽ tìm thấy các loại thực phẩm phong phú mà người Hàn Quốc thường ăn trong dịp Tết cổ truyền như Yakgwa (bánh quy mật ong), Hangwa (kẹo truyền thống của Hàn Quốc), Jeon (bánh kếp) hoặc Tteokguk (súp bánh gạo cắt lát),…

Dù là Tết cổ truyền Việt Nam hay Hàn Quốc thì đều có những nét riêng vô cùng hấp dẫn, biểu trưng cho sự độc đáo của quá trình văn hóa lâu dài. Chẳng còn bao lâu nữa là cuối năm rồi đó, nếu bạn muốn “đổi gió” cùng gia đình vi vu mùa Tết, đừng bỏ lỡ các đường tour Tết Nguyên đán của TSTtourist với vô vàn trải nghiệm cùng ưu đãi hấp dẫn, để chuyến đi của bạn và gia đình thú vị hơn bao giờ hết!