Englishen

Làng cổ Kon Kơ Tu: Di sản văn hóa truyền thống của người Ba Na

Thứ sáu, 05/08/2022, 13:26 GMT+7

Làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu thuộc xã Đăk Rơ Wa, nằm về phía Đông Bắc của thành phố Kon Tum. Đây được xem là ngôi làng “già cỗi” còn lưu giữ được những giá trị đặc sắc của người dân tộc Ba Na giữa phố thị nhộn nhịp Kon Tum.

Hiện nay, dân số của làng khoảng 760 người, với 144 hộ gia đình, trong đó có 138 hộ, 736 khẩu là đồng bào dân tộc Ba Na sinh sống trong diện tích của làng khoảng 06 ha. Trước đây, đời sống của bà con còn khó khăn, vất vả, nhưng từ khi tỉnh Kon Tum phê duyệt và triển khai mô hình làng du lịch cộng đồng đã tạo nên bước “nhảy vọt” lớn trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình.

Nhà rông được người dân dựng lên với những hoa văn mang đậm bản sắc cộng đồng dân tộc Ba Na
Với vị trí đẹp, đất đai bằng phẳng được nhánh sông Đăk Bla chạy qua tạo nên một bức tranh sơn thủy cuốn hút khách du kịch ngay từ khi đặt chân đến. Trong làng, những ngôi nhà sàn cổ còn lưu giữ lại trong cộng đồng người dân, chính đặc trưng này đã tạo cho Kon Kơ Tu nét riêng trong việc phát triển du lịch.Việc giao lưu, tiếp xúc thường xuyên với những người từ mọi nơi trong nước cũng như du khách quốc tế không làm mai một đi một nền văn hóa lâu đời vốn có. “Hòa nhập nhưng không hòa tan”, chính là yếu tố cốt lõi để níu chân du khách. Dường như, ai đã từng một lần đặt chấn đến với mảnh đất này đều có mong muốn quay lại thêm nhiều lần nữa.

Cùng với đó, nhịp điệu vốn có trong cuộc sống thường ngày của đồng bào bản địa vẫn luôn được lưu giữ, không bị tác động bởi sự phát triển kinh tế xã hội của một thành phố nhộn nhịp. Người dân nơi đây, hằng ngày vẫn gùi đồ đạc lên cái nương, cái rẫy để trồng trọt, phụ nữ ở nhà miệt mài với việc đan, dệt. Xế chiều, khi hoàng hôn chuẩn bị buông xuống, những chiếc thuyền độc mộc lại lướt nhẹ trên dòng sông hiền hòa Đăk Bla. Những đứa trẻ nhỏ trong làng, rủ nhau ra những bãi đất rộng thả diều tung bay theo làn gió. Cuộc sống…cứ thế tiếp diễn theo vòng tuần hoàn đầy giản dị chốn thôn quê.

Một cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đã viết: Thôn Kon Kơ Tu sở hữu tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú với địa hình đa dạng, có sông, ghềnh thác, các bãi cát trải dài dọc theo bờ sông bao bọc quanh làng, một số bãi phù sa màu mỡ được bồi đắp qua các năm, rừng được tái sinh ngày một thêm phát triển và đây là điều kiện thuận lợi để các hoạt động du lịch trải nghiệm, khám phá, camping và treeking… Nhờ có nhánh sông Đăk Bla chảy qua giúp người dân nơi đây phát triển sản xuất nông nghiệp theo phương thức truyền thống mang những nét đặc trưng riêng của địa phương, đồng thời với nguồn nước đầy ắp quanh năm tạo cho làng Kon Kơ Tu có thêm khung cảnh nên thơ, hữu tình… hấp dẫn khách du lịch khi đến tham quan và qua đó làng Kon Kơ Tu đã được các công ty lữ hành, khách du lịch gần xa trong và ngoài nước đánh giá là địa điểm du lịch hấp dẫn với sản phẩm du lịch độc đáo và đặc sắc: Chèo thuyền độc mộc trên sông Đăk Bla.

Dạo quanh một vòng, du khách sẽ thấy được căn nhà rông mang đậm dấu ấn của người dân tộc Ba Na. Đây là nơi dùng để sinh hoạt chung của làng. Theo đó, nhờ những bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của người dân đã khắc, vẽ nên các hoa văn riêng biệt tạo nên nhà rông được đánh giá là đẹp nhất, nhì của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên.

Hiện nay, UBND xã Đăk Rơ Wa đã phối hợp với Phòng Quản lý đô thị thành phố xem xét, khảo sát, tham mưu xây dựng bến thuyền (sau nhà Rông Kon Kơ Tu), để phát triển mô hình trải nghiệm du lịch đường thủy, kết hợp với mô hình du lịch trải nghiệm đi thuyền độc mộc truyền thống trên sông nhằm thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch đến tham quan.

Đến với Kon Kơ Tu, du khách sẽ cảm nhận được sự mến khách, được tận mắt chứng kiến những ngôi nhà sàn cổ còn lưu giữ lại trong cộng đồng; được hòa mình vào những phong tục mang đậm bản sắc trong các lễ hội như đánh cồng chiêng bên những ché rượu cần thơm phức, dệt thổ cẩm, dựng nhà sàn... Một điểm cộng lớn, mang đến sự thoải mái khi đi du lịch trải nghiệm ở đây, chính là nhiều người dân ngoài nói tiếng mẹ đẻ, tiếng Việt thì có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ Anh, Pháp… Bên những ánh lửa bập bùng, du khách sẽ được nghe kể những câu chuyện ly kỳ từ xa xưa, để họ hiểu và cảm nhận rõ hơn về mảnh đất và con người nơi này.

Du khách nước ngoài hào hứng khi đến với làng du lịch cộng đồng

Song song với đó, do làng nằm ở thành phố nên việc di chuyển trên các phương tiện rất thuận tiện, sau khi thăm quan làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu xong, du khách có thể ghé đến tham quan các điểm đến nổi tiếng của thành phố Kon Tum như: Cầu treo, Nhà thờ gỗ trăm tuổi, Ngục Kon Tum. Xa hơn nữa, một Măng Đen huyền ảo cách TP Kon Tum khoảng 50km, với khí hậu trong lành, mát mẻ được ví là “Đà Lạt 2” trên đại ngàn Tây Nguyên luôn sẵn lòng đón du khách ghé thăm.

Đặc biệt, Kon Tum hiện có 43 dân tộc cùng chung sống; trong đó, có 7 dân tộc thiểu số tại chỗ là Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng, Jrai, Hrê, Rơ Măm và Brâu, kho tàng văn hóa, nghệ thuật truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum vô cùng phong phú, đa dạng. Vì vậy, việc phát triển du lịch gắn liền với lợi ích của cộng đồng các dân tộc thiểu số được xem là yếu tố quan trọng tạo thành công cho ngành du lịch tỉnh Kon Tum.

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đã từng khẳng định, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn nói riêng gắn với công tác xây dựng nông thôn mới; xây dựng các làng văn hóa, làng nghề gắn với phát triển du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với nông thôn trên cơ sở chuỗi giá trị mà hoạt động du lịch đem lại, trong đó có sự tham gia của người dân và cộng đồng, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, cũng như các địa bàn dân cư.
(Nguồn:Trần Sỹ, Công Lý, 09:19 05/08/2022)