Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Đã hết tháng giêng mà hoa mai vẫn nở vàng rực, người mua mai vẫn dập dìu như những ngày giáp tết. Xe tải, xe ba gác máy đậu san sát bên đường, vỏ lải chen chúc dưới sông, tất cả đều chất đầy mai. Cái nghèo đã lùi xa, Làng mai Tân Tây đang khoác lên mình “tấm áo mới” với những ngôi nhà mái Thái rộng rãi khang trang. Tất cả là nhờ cây mai, một loại cây không chỉ cho hoa vàng mà còn cho “vị ngọt” ở chốn bưng biền này.
Vẫn nhộn nhịp như tết
Rời TP Tân An, chúng tôi theo Quốc lộ 62 đi về vùng Đồng Tháp Mười phía Tây Bắc tỉnh Long An, nơi mà cách đây hơn 30 năm còn là “cánh đồng hoang” mỗi năm 4 tháng ngập chìm trong nước lũ. Từ chương trình “khai hoang Đồng Tháp Mười”, với rất nhiều nỗ lực xả phèn, rửa mặn, cải tạo đất... tỉnh Long An đã biến vùng đất trũng hoang vu thưa thớt bóng người, thành vùng đất màu mỡ với bạt ngàn rừng tràm đan xen những ruộng lúa xanh mướt, những cánh đồng khoai mỡ xanh rì. Và không chỉ có vậy, những năm trở lại đây, khi nhắc đến vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An, người ta hay nhắc đến Làng mai Tân Tây, điểm nhấn thú vị của vùng, nằm ven Quốc lộ 62, cách TP Tân An khoảng 20km.
Có mặt tại làng mai những ngày đầu tháng 3-2022 khi tết đã lùi xa, chúng tôi thật sự bất ngờ khi nơi đây vẫn vui như tết. Cánh đồng vẫn còn vàng rực sắc mai, những liếp mai vàng thẳng tắp kéo dài hút tầm mắt. Thương lái từ các tỉnh miền Tây, miền Trung, thậm chí từ các tỉnh phía Bắc xa xôi tìm đến Làng mai ở giữa Đồng Tháp Mười để mua mai.
Tại ngã ba cuối con đường làng được bê tông hóa khang trang, nơi nối 3 cây cầu nhỏ, những chiếc xe tải cỡ lớn đang đậu chờ “ăn hàng”. Xe ba gác máy dập dìu chở mai từ trong ruộng ra. Dưới dòng kênh, hàng chục vỏ lải, xuồng máy đầy ắp mai nối đuôi nhau cập bờ để chuyển cây lên xe.
Chúng tôi men theo con đường nhỏ sâu hun hút chỉ vừa 1 chiếc xe máy để đến ruộng mai của ông Nguyễn Văn Hoàng, nơi đang có thương lái từ Tiền Giang ngã giá để mua gần 200 gốc mai có tuổi từ 5 năm trở lên. Giá của mỗi gốc mai này từ 3 đến 5 triệu đồng. Ông Hoàng muốn bán sa cạ để tiếp tục chăm hơn 2.000 gốc mai nhỏ còn lại và chuẩn bị hơn 1.000 gốc mai con cho những năm tiếp theo.
Ông Hoàng khoe: “Mai cỡ 5 năm tuổi tôi còn khoảng 200 gốc nữa, nay mai cũng có thương lái đến mua hết thôi. Thứ cây “vô giá” này để càng lâu giá trị càng tăng, lo gì. Trong làng này có nhiều gốc mai già, đế to tuyệt đẹp, dáng cành không chê chỗ nào có giá bạc tỷ, hai năm qua mà không bị ảnh hưởng dịch bệnh thì người dân trong làng trúng lớn”.
Chuyện những gốc mai có giá hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng không còn lạ ở làng mai này, bởi cây mai trong làng nghề mang những nét đặc trưng như dáng đẹp, gốc to, da vàng rực... điều đặc biệt hơn là mai nguyên thủy, không cắt ghép, gốc nếu được uốn cong chạm đất sẽ lập tức xuất hiện rễ tại nơi đó tạo nên bộ rễ đẹp lạ được giới sành chơi cây cảnh đánh giá cao.
Ông Hoàng cho biết, mai ban đầu có 5 cánh, nhưng do ong mật thụ phấn từ cây này sang cây kia, vì vậy đã tạo nên 1 cây nhưng có những cành ra hoa nhiều cánh, có cành hoa 5 cánh rất tự nhiên. Những cây này đã thu hút thương lái cũng như giới chơi mai nhất là vào dịp cuối năm.
Ngôi mộ trắng giữa rừng mai vàng
Đứng giữa “rừng mai” vàng với những cơn gió nhẹ dưới cái nắng của xứ bưng biền, chỉ về phía xa xa thấp thoáng một ngôi mộ trắng, anh Nguyễn Cường (cán bộ nông nghiệp xã Tân Tây) cho biết, đó là nơi an nghỉ của anh Trần Văn Thống (SN 1981), người có công mang nghề trồng mai về vùng đất phèn này. Người ta thầm tôn vinh anh là “ông tổ nghề mai” xứ này, bởi trong làng anh là người tiên phong trồng và mua bán mai, làm thay đổi cuộc sống gia đình mình và cho cả vùng.
Câu chuyện diễn ra vào năm 2003, một thanh niên trong làng đã đi Bến Tre để học hỏi kinh nghiệm trồng mai, sau đó trở về nhà, anh phá bờ cây tràm cặp kênh nội đồng để trồng 500 cây mai. Sau gần 5 năm, anh bán vườn mai được gần 500 triệu đồng, rồi tiếp tục mua thêm đất, cải tạo để tiếp tục trồng mai.
Thấy hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, người dân trong làng đã học theo anh Thống chuyển đổi từ cây lúa sang trồng mai. Anh Thống sau đó không may gặp cơn bạo bệnh và qua đời. Mộ của anh Thống nằm ở giữa bạt ngàn vườn mai như để tưởng nhớ công sức của chàng trai đã góp sức cho làng mai phát triển, để lại tiếng thơm và vươn xa như ngày hôm nay.
Anh Thống qua đời, gia đình anh tiếp tục phát huy sự nghiệp trồng mai của anh và là 1 trong những hộ khá giả nhất trong vùng. Phía trước nhà anh có cây mai gần 20 năm tuổi do chính anh trồng từ buổi đầu, dù nhiều người trả đến tiền tỷ nhưng gia đình anh vẫn không bán.
Anh Cường đưa chúng tôi tiếp tục men theo những cây cầu hẹp cong như cầu vồng để tận mắt xem những ngôi nhà mới khang trang của những “đại gia mai” làng này. Những mái ngói thoai thoải lấp ló giữa vườn mai xanh mướt. Tường rào cổng ngõ mới toanh với những bộ cửa gỗ đắt tiền hiện diện trước mặt chúng tôi, quả thật đúng như lời đồn.
Thấy có người lạ đến thăm vườn mai, ông Phạm Văn Từ (72 tuổi) với dáng người chắc khoẻ đón chúng tôi và đưa đi tham quan vườn mai nhà mình. Ông Từ chia sẻ, trước kia gia đình ông sống bằng nghề trồng lúa mỗi năm 2 vụ cũng chỉ đủ ăn.
“Thấy người trong xã trồng mai tôi cũng thử trồng men theo bờ và trong vườn trên khoảng đất khoảng 1 ha. Thấy hiệu quả nên đã thuê máy đào lên liếp và ươm mai giống trồng, đến nay cũng tròn 10 năm với gần 4 ha và hàng nghìn cây mai mọi lứa tuổi. Năm vừa rồi dù có dịch nhưng tôi cũng bán được 20 gốc 9 tuổi mỗi gốc giá 50 triệu đồng, ngoài ra còn bán nhỏ lẻ những gốc 2, 3 năm tuổi có hoa đẹp cho người dân chơi tết. Trong nhà, mọi thứ có được đều nhờ cây mai.
Loại cây này thích hợp với thổ nhưỡng của vùng đất này, rất nhanh lớn, không có sâu bệnh; điều đặc biệt, giống mai mang từ miền Trung, Thủ Đức… về đây trồng không lớn”, ông Từ cho hay.
Không chỉ có ông Từ, trong làng này, xuất hiện rất nhiều những ngôi nhà mới xây mái Thái sang trọng thoáng mát. “Từ ngày làng này có cây mai, người dân nhiều hộ từ hộ nghèo đã thoát nghèo và có cuộc sống khấm khá hơn rất nhiều. Mỗi năm hộ nào ít cũng thu được vài trăm triệu đồng, hộ nhiều thì lên đến tiền tỷ, vì vậy người ta đồn người dân làng này là "tỷ phú chân đất". Vì đường sá chưa thuận tiện nên người dân không sắm xe ô tô thôi chứ nay người trồng mai vùng này có cuộc sống khá lắm. Chỉ cần chịu khó trồng mai vài năm sẽ thu được tiền tỷ”, ông Từ nói.
“Vương quốc mai” không còn xa
Nhờ kiên trì chịu khó học hỏi, bám đất bám làng mà giờ đây Làng mai Tân Tây đã nức tiếng trên khắp cả nước với loại mai nguyên thủy, đế to, gốc lớn... Người dân trong làng đã mạnh dạn đầu tư trồng mai để thay đổi cuộc sống. Ngân hàng chính sách của xã cũng đã dành nguồn vốn lớn để cho người dân chuyển đổi cây trồng sang trồng mai. Chi hội Mai vàng của xã cũng như người dân sẵn sàng hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm để người dân trong làng trồng mai. Thời gian qua, huyện Thạnh Hóa cũng quan tâm đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề để nghề trồng mai vàng ở Tân Tây phát triển và đạt hiệu quả kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Hoàng cho biết, ông đã mua gỗ và chuẩn bị vật liệu để dựng nhà làm điểm dừng chân đón khách tham quan. “Bây giờ chúng tôi đã biết cách làm cho cây mai nở hoa quanh năm, vì vậy nếu làm du lịch sinh thái thì trong vườn mai sẽ có hoa mai vàng nở, cộng với những sản vật địa phương sẵn có. Tôi nghĩ Làng mai này sẽ là điểm hấp dẫn du khách trong vùng Đồng Tháp Mười này”, ông Hoàng phấn khởi khoe thêm.
Theo ông Nguyễn Văn Chẳn, Chủ tịch UBND xã Tân Tây, hiện nay, tổng diện tích trồng mai của xã hơn 340 ha chủ yếu tập trung ven sông Vàm Cỏ Tây. Thời gian tới, ngành chức năng của tỉnh định hướng phát triển nơi đây thành điểm dừng chân, vui chơi, thư giãn. Mục tiêu trong năm 2022 là phấn đấu đưa xã Tân Tây thành xã nông thôn mới nâng cao. Làng mai Tân Tây được UBND tỉnh Long An chính thức công nhận vào tháng 7-2020.
Mới đây, Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia TPHCM) có buổi làm việc với các ngành chức năng tỉnh Long An về việc thống nhất xây dựng Đề án Phát triển Làng nghề trồng mai xã Tân Tây, gắn với phát triển du lịch tỉnh Long An đến năm 2030.
“Việc này nhằm đầu tư, phát triển làng nghề này một cách bài bản gắn với du lịch sinh thái, không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn là một điểm nhấn trong hình ảnh vùng Đồng Tháp Mười”, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An thông tin.
Trên vùng Đồng Tháp Mười ngày nay, từ thành công ở xã Tân Tây, nghề trồng mai vàng đã phát triển sang các xã Tân Đông, Thủy Đông, Thủy Tây (huyện Thạnh Hóa) và các xã Long Thạnh, Tân Thành (huyện Thủ Thừa) nhằm biến “cánh đồng hoang” ngày nào thành “Vương quốc hoa mai” trong tương lai.
(Nguồn: Ngọc Phúc, Báo Sài Gòn Giải Phóng, Chủ Nhật, 13/3/2022, 19:02 (GMT+7))