Englishen

Lý do món ăn được đặt theo tên địa danh

Thứ ba, 05/05/2020, 09:27 GMT+7

Khi tên món ăn gắn với một địa danh, du khách thường nghĩ nó là đặc sản ở đó. Song thực tế không phải lúc nào cũng vậy. 

Nhiều người không biết về nguồn gốc thực sự của một số món ăn, thường bị lẫn lộn giữa câu chuyện có thật với chiến dịch quảng cáo được dựng lên để thu hút khách hàng. "Phần lớn món ăn được đặt tên với mục đích thu hút và gây ấn tượng với thực khách", nhà nghiên cứu ẩm thực Ken Albala, Đại học Thái Bình Dương, cho biết. Việc gắn món ăn với địa danh thể hiện dấu ấn mạnh mẽ của bản sắc - ngay cả khi không có thật. Ông cũng cho rằng một số tên gây nhầm lẫn thông tin, ví dụ, người ta nghĩ rằng gà tây ("turkey" trong tiếng Anh) đến từ Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey). 

Một ví dụ điển hình là món gà Kiev, món ăn khá phổ biến tại nhiều nơi. Tuy nhiên, nó không đến từ Ukraine (Kiev là thủ đô của Ukraine).

ly-do-mon-an-duoc-dat-theo-ten-dia-danh-1

Món gà Kiev gồm một miếng thịt gà tẩm bột chiên giòn và nhồi bơ bên trong. Ảnh: BBC. 

Gà Kiev xuất hiện lần đầu trên thực đơn của Nga vào cuối thế kỷ 19, được các đầu bếp người Pháp ở các gia đình tầng lớp quý tộc yêu thích sử dụng. Ban đầu, món ăn được làm từ thịt xay, thường sử dụng thịt lợn, đôi khi dùng thịt bê hoặc thịt gà. Sau đó, việc sử dụng thịt gà dần trở nên phổ biến ở Nga đầu thế kỷ 20. Và đến thập niên 1960, món ăn sử dụng ức gà phẳng cuộn tròn, lan rộng ra nhiều nơi và trở thành một trong những món ăn tối ưa thích ở Anh và Mỹ.

Thế nhưng tại thành phố Kiev, món ăn này không được các đầu bếp biết cho đến những năm 1970, khi khách du lịch yêu cầu món ăn này tại các nhà hàng. Để đáp ứng nhu cầu, các nhà hàng bắt đầu phục vụ món gà Kiev và dần phổ biến tại đây cho tới nay. 

Bên cạnh đó, một số tên món ăn được cho là quảng cáo trắng trợn. Món cua Rangoon là những chiếc bánh bao chiên giòn nhồi với cua, phô mai kem, và nước sốt ớt. Nhiều người nghĩ rằng món ăn này có nguồn gốc từ Yangon, Myanmar (trước đây gọi là Rangoon). Song thực tế, ở Yangon có rất ít chợ bán phô mai. Món cua Rangoon đã được tạo ra ở một nơi cách xa Myanmar, tại một nhà hàng tận California, Mỹ.

ly-do-mon-an-duoc-dat-theo-ten-dia-danh-2

Lần đầu tiên được phục vụ tại nhà hàng Trader Vic’s vào những năm 1950, cua Rangoon là món khai vị bán chạy nhất tại chuỗi 17 nhà hàng từ Atlanta đến UAE của công ty này. Ảnh: Atlasobscura/istock. 

Các món ăn khác có tên gắn với điểm đến bao gồm thịt nướng London, sử dụng kỹ thuật nấu bít tết của người Mỹ; bánh chocolate Đức, có nguồn gốc ở Texas. Hay bánh kem Alaska, thực ra là món ăn do một đầu bếp ở thành phố New York sáng tạo vào năm 1867 để mừng sự kiện Mỹ mua lãnh thổ từ Nga. Giống như gà Kiev, cuối cùng bánh kem Alaska lại "tìm đường" trở về quê hương. Ngày nay, nó xuất hiện trên nhiều thực đơn món tráng miệng ở các nhà hàng, khu nghỉ mát ở Alaska.

Tuy nhiên, vẫn có món ăn mang tên gắn liền với câu chuyện có thật. Vịt quay Bắc Kinh là món ăn như vậy. Phiên bản đầu tiên của món vịt này được tạo ra ở Bắc Kinh, phục vụ cho Hoàng đế Trung Quốc vào thế kỷ 13. Ngày nay, vịt quay Bắc Kinh là đặc sản nổi tiếng mà du khách đến đây ai cũng muốn thưởng thức. Vịt được vỗ béo kĩ lưỡng trước khi làm thịt, sau đó được làm sạch, sơ chế, sấy khô, phết gia vị, sấy khô thêm lần nữa và quay. Quá trình chế biến nhiều ngày cho thành phẩm là da vịt vàng sậm, giòn và ngọt thịt.

ly-do-mon-an-duoc-dat-theo-ten-dia-danh-3

Nhà hàng Quanjude ở Bắc Kinh đã phục vụ món vịt quay Bắc Kinh từ năm 1864. Ảnh: National Geographic/SEBASTIEN ORTOLA.  

Món vịt truyền thống nổi tiếng được chia ra ba phần: da và nước chấm, thịt với rau và bánh tráng để cuốn, các phần còn lại của vịt được cho vào bát nước dùng. Cách thức trình bày giống cũng như công thức chế biến món vịt quay Bắc Kinh được giữ nguyên tại các nhà hàng Trung Quốc trên khắp thế giới.

Theo Ngân Dương (Theo National Geographic)

Nguồn tin bài và ảnh: vnexpress.net, chuyên mục du lịch