Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Những búp măng le khoảng một gang tay được hái về làm sạch, chế biến đủ món ngon nhờ vị ngọt bùi và không đắng như các loại măng khác.
Vào tháng 7, tháng 8 Âm lịch, sau những cơn mưa rừng ướt đất là lúc các loại măng thi nhau mọc những búp mới, nhú lên khỏi mặt đất, có nhiều loại như măng tre, lồ ô, nứa, vầu... và có cả măng le. Cây le thuộc họ tre nứa, thân dẻo không có gai, mọc thành từng bụi trong rừng miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Trong các loại măng rừng, măng le là loại được ưa chuộng hơn nhờ dễ chế biến, thân đặc ruột, vị ngọt bùi, có mùi thơm đặc trưng và không đắng chát.
Đồng Hao (tên thật là Trần Văn Hiền), sinh năm 1997, ở Bình Phước, chủ kênh YouTube Ẩm Thực Đồng Hao, đăng tải video về quá trình hái măng le trong rừng Hớn Quản và làm những món ngon bình dị cho gia đình.
Đồng Hao kể măng le gắn liền với đời sống cư dân địa phương từ bao đời nay, ngày xưa người dân quê còn gặp nhiều vất vả có lúc thiếu ăn, nhưng nhờ các loại rau rừng, măng rừng nên vẫn giữ sức khỏe tốt. Anh cảm thấy may mắn khi được ở một nơi có môi trường tự nhiên trong lành, có thể lấy thực phẩm từ cây cối xung quanh nhà.
Ở quê Đồng Hao, cây le mọc bên lề đường, ven nương rẫy hay trong rừng sâu. "Hái măng le là công việc chính của nhiều hộ gia đình khi vào vụ măng. Từ lúc trời hửng sáng, gà gáy vang trời cũng là lúc người dân chuẩn bị xong bữa ăn mang theo để lên rừng hái măng le. Xế chiều họ tranh thủ về, ai ai cũng có giỏ măng đầy ắp", anh kể.
Dịp này, Đồng Hao cũng vào rừng hái măng như mọi người, vì cây le có tán thấp nên khi hái anh phải khom người, chọn những búp măng mới nhú lên khỏi mặt đất khoảng một gang tay. Theo kinh nghiệm, những búp măng này sẽ đặc ruột, tươi non và có vị ngọt nhất, chất lượng hơn so với những loại măng đã mọc cao hay mọc bên nách cây le.
Thân măng le mềm nên anh dùng tay bẻ ngang mà không cần dao cắt. Sau khi hái măng xong, Đồng Hao tách những chiếc bẹ, bẻ bỏ những đoạn xơ cứng, giữ lại đoạn non, sau đó rửa sạch và luộc sơ với nước sôi trước khi chế biến thành các món ăn như thịt kho măng, măng xào thịt, măng ngâm mắm ớt...
Theo kinh nghiệm cá nhân của anh, măng le không đắng như những loại măng khác, chỉ cần luộc qua một lần là có thể dùng được. Với món thịt kho măng, Đồng Hao chọn phần thịt đùi heo có ít mỡ, cắt nhỏ và ướp gia vị với nước hàng, đường và nước mắm trước khi bắt bếp kho. Để tăng thêm hương vị, anh phi hành thật vàng rồi mới cho thịt vào nồi, sau đó thêm tiêu xay. Phần măng được để cả cọng, ngập trong nước thịt thấm vị, nấu cho đến đến khi nước hơi sệt lại và thịt đã chín mềm, măng cũng ngấm gia vị mặn ngọt.
Ở một số địa phương khác, ngoài chế biến các món ăn bình dị trong bữa cơm hàng ngày, măng le còn được xem như một món đặc sản với cách cuốn bánh tráng phơi sương. Măng đem luộc rồi chẻ làm tư, gói với thịt heo luộc và rau sống, chấm cùng mắm tôm pha tỏi ớt, vị măng thơm, ngon ngọt và rất hài hòa với các thành phần khác trong cuốn bánh tráng.
(Nguồn: Huỳnh Nhi, VnExpress, Chủ nhật, 12/9/2021, 08:07 (GMT+7))