Englishen

Một ngày ở Tây Ninh với 800.000 đồng

Thứ tư, 20/07/2022, 15:28 GMT+7

Nhựt Long tranh thủ đi Tây Ninh vào cuối tuần, do chỉ mất 2,5 tiếng di chuyển từ TP HCM.

Dương Nhựt Long, 28 tuổi, tranh thủ đi Tây Ninh từ TP HCM vào một ngày cuối tuần để đổi gió. Đây là lần thứ ba anh đến Tây Ninh, yêu mảnh đất này do dễ di chuyển từ TP HCM và có nhiều điểm tham quan. Dưới đây là lịch trình đi Tây Ninh một ngày, với phương tiện di chuyển là xe máy.

Lịch trình

Quãng đường từ TP HCM đến Tây Ninh dài khoảng 100 km, nếu đi xe máy sẽ mất khoảng 2,5 tiếng. 5h30 sáng, anh xuất phát từ thành phố Thủ Đức, TP HCM tới Tây Ninh qua đại lộ Bình Dương. "Mình chọn lộ trình này vì đường rộng, ít xe lớn, đến đoạn Dầu Tiếng sẽ đi qua rừng cao su, buổi sáng mờ sương sẽ rất lãng mạn", anh cho biết.

Nhựt Long check-in trước Tòa Thánh Tây Ninh.

7h45, Long đến thành phố Tây Ninh, chọn ăn sáng ở quán hủ tiếu Ba Tòi trên đường Ngô Gia Tự. Long chia sẻ quán lâu đời, đông người địa phương và khách du lịch ghé ăn, dù đông nhưng phục vụ nhanh. Bạn có thể gọi hủ tiếu hoặc mì, hoặc lẫn cả hai. "Nước lèo đậm đà, nhiều thịt, sợi hủ tiếu to ngọt, có giá 40.000 - 60.000 đồng, trà đá miễn phí", anh nhận xét.

8h15, sau khi ăn sáng xong, anh tới Tòa Thánh Tây Ninh để tham quan do điểm này nằm ở trung tâm, tiện di chuyển. Anh ấn tượng với công trình tôn giáo này. "Công trình có kiến trúc rất độc đáo", anh cho biết. Du khách có thể tới đây tham quan bất kỳ giờ nào trong ngày nhưng nên chọn giờ hành lễ là 12h. Đây là thời điểm mọi người có thể chiêm ngưỡng toàn bộ nghi thức trang trọng của đạo Cao Đài, nếu bạn là một người thích tìm hiểu về văn hóa và tôn giáo.

9h15, Long rời Tòa Thánh để tham quan các điểm trung tâm thành phố và tới thăm chùa Gò Kén, có tượng Phật Bà đẹp và hoành tráng. Đây cũng là địa điểm anh ấn tượng và thấy không nhiều du khách biết khi nhắc đến Tây Ninh. Sau khi check-in xong, anh di chuyển qua khu cáp treo du lịch núi Bà Đen. Kinh nghiệm của Long là nên mua vé trên ứng dụng trực tuyến trước, rẻ hơn mua trực tiếp và khi đến nơi chỉ cần quét mã QR, rất nhanh chóng. Tại đây, anh được ngắm tượng Phật Bà cao 72 m trên nóc nhà Nam Bộ.

Tượng Phật Bà ở chùa Gò Kén qua ống kính của Nhựt Long.

Long xuống cáp treo lúc 13h, chụp hình quanh ở khu vực sân ga và di chuyển về hồ Dầu Tiếng để ăn trưa. Theo anh, thời gian phân bổ như vậy là hợp lý nếu không về đến TP HCM trời sẽ tối. Đường về TP HCM trồng cao su vắng người nên về không kịp sẽ nguy hiểm.

Dọc đường, anh ghé quán Núi Lở, tuy nằm ở Dầu Tiếng, Bình Dương nhưng sát cạnh Tây Ninh nên du khách tranh thủ ghé qua đây nhiều. Sau khi ăn uống no say, Long đến khu cắm trại bên hồ Dầu Tiếng để tham quan và chụp ảnh, sau đó bắt đầu di chuyển về TP HCM lúc 16h, về đến nơi là 18h30.

Chi phí

Nhựt Long đi theo nhóm 3 người, tổng chi phí khoảng 800.000 đồng một người. Các chi phí bao gồm tiền xăng xe khoảng 250.000 một xe máy, vé cáp treo lên đỉnh núi Bà Đen 430.000 đồng, ăn sáng 50.000 đồng. Chi phí trong chuyến đi chủ yếu là tiền cáp treo và ăn gà nướng ở quán Núi Lở, giá 390.000 đồng một con gà.

Điều tiếc của Long là có những điểm muốn đi nhưng không thể tới như cây cô đơn giữa đồng, đang mùa mưa nước ngập không thể ra check-in; hồ đá Ma Thiên Lãnh thì không tìm thấy đường vào, còn tháp cổ Chóp Mạc thì khoảng cách khá xa, anh sẽ để dành cho chuyến đi tiếp theo.

Quán Núi Lở - một nhà hàng thuộc địa phận Bình Dương nhưng sát Tây Ninh, được nhiều du khách chọn ghé qua trên đường từ Tây Ninh trở về TP HCM.

(Nguồn: Trung Nghĩa, Ảnh: NVCC, VnExpress, Thứ tư, 20/7/2022, 14:27 (GMT+7))