Với hơn 4.000 năm lịch sử, Trung Quốc có số lượng ngày lễ, Tết đáng kể. Hiện nay, quốc gia này vẫn còn gìn giữ khá nhiều phong tục đón các ngày lễ, Tết. Mỗi dịp lễ mang một nét đặc trưng và chứa đựng ý nghĩa nhất định. Cùng TSTtourist tìm hiểu các ngày lễ Trung Quốc được người dân tổ chức long trọng trong năm cũng như những lưu ý cần thiết khi bạn chọn du lịch Trung Quốc vào giai đoạn cao điểm này.
Dưới đây là những ngày lễ, Tết được người Trung Quốc ghi nhớ và tổ chức định kỳ hàng năm.
Thời gian: Mùng 1 Tháng 1 âm lịch
Người Trung Quốc còn lưu giữ khá nhiều phong tục truyền thống trong ngày Tết Nguyên Đán
Tết Nguyên đán là ngày tết truyền thống quan trọng nhất của người Trung Quốc và được tính theo lịch âm. Tết này thường kéo dài từ ngày 8 tháng 12 âm lịch đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch. Tết Nguyên đán còn được gọi là Xuân Tiết, đánh dấu sự kết thúc của mùa đông và khởi đầu mùa xuân mới.
Thời điểm giao mùa này khác với cách tính của phương Tây vì nó được tính theo lịch âm. Tết Nguyên Đán có nhiều hoạt động truyền thống như múa lân sư rồng, pháo hoa, sum họp gia đình, bày cỗ cúng tổ tiên, thăm viếng gia đình và đi chúc Tết bạn bè, tặng phong bao lì xì đỏ và trang trí nhà cửa bằng câu đối (đối liễn).
Ngoài Trung Quốc, Tết Nguyên đán còn được chào đón ở nhiều quốc gia châu Á khác như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Tây Tạng.
Thời gian: Rằm tháng Giêng (15/01 âm lịch)
Phong tục thả đèn lồng trong ngày Tết Nguyên tiêu
Ở Trung Quốc, Tết Nguyên tiêu hay Tết Thượng nguyên (Rằm tháng Giêng, đêm rằm đầu tiên của năm mới) được coi là ngày lễ thiêng liêng nhất đầu năm mới. Sau Tết Nguyên tiêu, những điều kiêng kỵ trong năm mới không còn hiệu lực, và tất cả các đồ trang trí trong ngày Tết đều được gỡ bỏ.
Rằm tháng Giêng cũng là đêm trăng tròn đầu tiên trong năm, đánh dấu sự trở lại của mùa xuân và tượng trưng cho sự đoàn tụ của gia đình. Đó là lý do khiến bánh trôi trở thành món ăn đặc trưng cho ngày này.
Mỗi vùng miền của Trung Quốc sẽ có cách đón tết Nguyên tiêu khác biệt theo từng vùng, nhưng các hoạt động quan trọng và phổ biến nhất thường là thắp và thưởng ngoạn đèn - gồm đèn lồng, đèn trời, đèn hoa đăng; đốt pháo hoa; đoán câu đố viết trên đèn lồng; múa lân; múa rồng; đi cà kheo; ăn "thang viên" (bánh trôi).
Thời gian: Trước hoặc sau ngày 05/04 dương lịch
Thanh minh là 1 trong 24 tiết khí, thường diễn ra khoảng trước hoặc sau ngày 5/4 dương lịch, sau Đông Chí 108 ngày. Tết Thanh minh còn được biết đến là lễ tảo mộ.
Tảo mộ
Tảo mộ là hoạt động chính trong ngày Tết Thanh minh. Con cháu thường tề tựu đông đủ, quét dọn sạch sẽ mộ phần ông bà tổ tiên, những người thân yêu đã khuất. Sau khi hoàn tất các thủ tục sửa sang, quét dọn sạch sẽ, con cháu bày thức ăn, hoa quả ra cúng những người đã khuất, thắp hương, đốt tiền vàng để tưởng nhớ tổ tiên.
Bên cạnh đó, nhiều người Trung Quốc còn lưu truyền tập tục trồng cây lấy lộc. Bởi Thanh minh là thời điểm tiết trời thuận lợi có mưa xuân tạo điều kiện giúp cỏ cây sinh sôi mãnh liệt.
Ngoài các hoạt động chính, người dân còn tham gia ngày hội du xuân và tổ chức các hoạt động văn hóa kết nối tình yêu thương con người. Nhiều trò chơi dân gian được tổ chức trong ngày này, như đá cầu, đá banh da, đánh đu, kéo co, chọi gà,…
Thả diều
Một hoạt động phổ biến trong những chuyến đi chơi mùa xuân là thả diều. Vào thời cổ đại, người ta thường buộc những mảnh giấy liệt kê bệnh tật và vấn đề của họ vào một con diều. Sau đó, họ sẽ cắt dây khi con diều đã bay cao và để nó bay vút đi, họ tin rằng điều này sẽ giúp xua đuổi vận rủi và tà ma. Tập tục này vẫn còn được lưu giữ cho đến hôm nay.
Bánh thanh đoàn tử
Thanh đoàn tử và bánh cuộn thừng là hai món bánh truyền thống xuất hiện trong ngày này. Thanh đoàn tử, còn gọi là bánh nếp lá ngải, được làm từ gạo nếp trộn với nước ép lá ngải - một loại thảo mộc tự nhiên, có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.
Bánh cuộn thừng
Trong khi đó, bánh cuộn thừng (Sanzi) là món ăn độc đáo vì cách chế biến khác nhau ở hai miền Nam - Bắc Trung Quốc. Nếu người miền Bắc thích ăn loại sợi lớn làm từ bột mì, thì người miền Nam lại thích ăn loại sợi nhỏ hơn và được làm từ bột gạo.
Thời gian: Ngày 01/05 dương lịch
Đây là ngày nghỉ lễ diễn ra hơn 80 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Trung Quốc. Đây cũng là dịp người lao động được nghỉ ngơi sau những ngày làm việc mệt mỏi. Họ thường tổ chức những chuyến đi chơi, du lịch, dã ngoại, mua sắm hay ăn uống vào dịp này.
Thời gian: Mùng 5 Tháng 5 âm lịch
Lễ hội thuyền rồng được tổ chức nhằm mong cầu bình an trong cuộc sống và tránh xa bệnh dịch
Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương. Đoan Ngọ có nghĩa là bắt đầu giữa trưa, còn "dương" là mặt trời, là khí dương. Đây là một trong những lễ hội lâu đời ở Trung Quốc. Vào ngày này, người Trung Quốc thường được nghỉ 3 ngày để đón lễ.
Bánh Zongzi
Nhiều hoạt động truyền thống diễn ra trong ngày Tết Đoan Ngọ như buộc dây ngũ sắc, treo cây ngải cứu và đua thuyền rồng. Zongzi - bánh ú gạo nếp nhân thịt và trứng - là đặc sản của ngày Tết Đoan Ngọ Trung Quốc, có tuổi đời hơn 1.600 năm.
Thời gian: Mùng 7 Tháng 7 âm lịch
Thất tịch còn được xem là ngày lễ tình nhân Trung Quốc, vì theo truyền thuyết, đây là ngày duy nhất trong năm mà chàng Ngưu Lang và nàng Chức Nữ được gặp nhau trên dải Ngân Hà.
Lễ Thất tịch có nguồn gốc từ thời Đông Chu và được duy trì qua các triều đại sau đó. Các hoạt động chính của lễ thất tịch bao gồm cúng sao Chức Nữ, xem sao Ngưu Lang và Chức Nữ, cầu mong sự thông minh và tài năng, cầu mong những điều tốt đẹp trong nhân duyên.
Đậu đỏ là món ăn kinh điển trong ngày "lễ tình nhân" của Trung Quốc
Đậu đỏ là món ăn phổ biến trong ngày này vì người Trung Quốc quan niệm rằng ăn đậu đỏ vào ngày Thất tịch, người có tình thì tình thêm bền chặt, người chưa có sẽ sớm nên duyên.
Thời gian: Rằm tháng 8 âm lịch
Tết Trung thu là một trong 3 lễ hội lớn ở Trung Quốc. Đây là ngày lễ truyền thống bắt nguồn từ việc thờ cúng thần mặt trăng tượng trưng cho mùa gặt bội thu và gia đình đoàn viên, sum họp. Do đó, vào ngày này, mọi người trong gia đình thường sẽ quây quần bên nhau, cùng chia sẻ món bánh Trung thu đặc trưng.
Thời gian: Ngày 01/10 dương lịch
Lễ thượng cờ trong ngày Quốc khánh Trung Quốc
Lễ Quốc khánh Trung Quốc là ngày kỷ niệm sự ra đời của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, được kỷ niệm hàng năm vào ngày 01/10. Ngày này ở Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Ma Cao được quy định là ngày lễ pháp định hoặc là ngày nghỉ của công chúng.
Người dân Trung Quốc tổ chức các hoạt động truyền thống trong ngày Lễ Quốc khánh, gồm lễ kéo cờ Tổ quốc, diễu binh và diễu hành diễn ra ở Quảng trường Thiên An Môn hoặc các thành phố khác; treo đèn lồng và cờ trên đường phố; bắn pháo hoa nghệ thuật,...
Thời gian: Mùng 9 Tháng 9 Âm lịch
“Cửu” là 9, “Trùng Cửu” là sự lặp lại của số 9. Theo quan niệm người dân Trung Quốc, số 9 được quy định là số dương, vì vậy mà Trùng Cửu còn được gọi với tên khác là Trùng Dương. Đây còn là ngày để tri ân những người cao tuổi.
Bánh Chongyang
Vào ngày Tết này, mọi người ăn mừng bằng cách leo núi, uống trà hoa cúc và ăn bánh Chongyang (Trùng Dương) - một loại bánh chín lớp với hy vọng có thể giúp xua đuổi tà ma, phòng tránh tai họa.
Thời gian: Khoảng tháng 11, tháng 12 dương lịch
Nếu một năm ở thời hiện đại được chia thành 4 mùa với 12 tháng, thì Trung Quốc cổ đại lại chia thành 24 tiết khí, mỗi tiết khí kéo dài 15 ngày. Mùa đông có 5 tiết khí là Tiểu tiết, Đại tiết, Đông chí, Tiểu hàn và Đại hàn, thể hiện các tiết khác nhau trong mùa đông. Đông Chí được hiểu là ngày giữa mùa đông. Chữ "Chí" mang nghĩa là "điểm cùng cực", ý chỉ mặt trời sẽ nằm ở điểm cao nhất.
Từ ý niệm về ngũ hành âm dương, tiết Đông Chí chỉ về sự then chốt trong việc chuyển hóa giữa âm và dương, báo hiệu một chu kỳ năm sắp kết thúc. Từ sau tiết Đông Chí, bầu trời bắt đầu đẹp hơn, cũng là quãng thời gian đại cát, đại lợi để làm nhiều việc hỷ sự.
Trong ngày Đông Chí, người Trung Quốc thường ăn chè trôi nước để mong cầu sự đoàn viên, sum họp những ngày cuối năm; uống rượu đông chí và ăn sủi cảo - món ăn hình bao tiền vàng, có ý nghĩa mang lại tài lộc và may mắn.
Hành lý: Bạn phải di chuyển nhiều trong hành trình du lịch Trung Quốc vì các khu thắng cảnh, điểm tham quan thường khá rộng lớn. Đặc biệt khi chọn du lịch vào mùa Lễ, tết thì tình trạng đông đúc, quá tải tại các điểm đến càng dễ xảy ra. Do vậy, cách tốt nhất là mang hành lý nhỏ gọn, có ổ khóa cẩn thận.
Trang phục truyền thống của người Tây Tạng
Trang phục: Khi đến các điểm tham quan, bạn nên ưu tiên mặc đồ thể thao, trang phục dễ di chuyển, mang dép hoặc giày đế thấp. Vào mùa đông thì nên mang theo quần áo để giữ ấm. Đừng từ chối cơ hội mặc thử trang phục truyền thống của người Trung Quốc khi bạn đến tham quan những bản làng dân tộc hay tham gia vào các lễ hội.
Khách sạn: Khách sạn tiêu chuẩn từ 2-3 sao ở Trung Quốc thường trang bị đầy đủ tiện nghi, có tivi, trà, cà phê, bình nước sử dụng miễn phí,... Những loại đồ uống có sẵn trong tủ lạnh nếu dùng sẽ phải trả tiền. Các đồ dùng cá nhân như kem đánh răng, bàn chải đánh răng, dép đi trong phòng,... thì có nơi có, có nơi không. Tốt nhất là quý khách nên tự chuẩn bị.
Trang bị kiến thức: Tìm hiểu thông tin về lễ hội như thời gian diễn ra, các hoạt động văn hóa, món ăn đặc trưng,... Tôn trọng văn hóa bản địa, tuân thủ các quy tắc, những điều nên làm và không nên làm vào những dịp này… để có những trải nghiệm tốt nhất.
Tiền tệ: Tiền tệ của Trung Quốc là đồng Nhân dân tệ. Tiền giấy gồm các mệnh giá 1, 2, 5, 10, 50 và 100 Nhân dân tệ. Tiền xe gồm 1, 2, 5 xu; 5 hào và 1 Nhân dân tệ. Quý khách nên đổi tiền tại Việt Nam. Trong quá trình đi du lịch, nếu tiêu hết số tiền dự kiến thì mới đổi tại Trung Quốc. Giá tiền đổi ở Trung Quốc sẽ có tỉ giá thấp hơn đổi tại Việt Nam, thủ tục đổi phức tạp và phải đổi từ đô la Mỹ sang Nhân dân tệ. Tiền Việt Nam rất khó đổi tại Trung Quốc, giá cũng thấp hơn nhiều so với tại Việt Nam.
Mua sắm: Bạn có thể mua trà, thuốc bắc, đá cẩm thạch, các đồ thủ công mỹ nghệ, lụa,... tại các cửa hàng, các khu phố cổ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, bạn cần lựa chọn những địa chỉ uy tín trước khi quyết định mua. Trừ khi mua tại siêu thị lớn có niêm yết giá cố định. Còn lại nếu mua ở chợ, cửa hàng, cửa hiệu trên đường phố, bạn nên tận tình trả giá với nụ cười thân thiện vì đôi khi giá bị "nói thách" đến 6-7 lần.
An ninh: Nếu du lịch theo tour, bạn nên gửi giấy tờ tùy thân cho hướng dẫn đoàn hoặc gửi vào Safety box tại quầy lễ tân khách sạn. Khi ra ngoài nên cất kỹ tiền bạc, không nên mang theo quá nhiều tiền mặt đề phòng móc túi.
Ngôn ngữ: Người Trung Quốc không sử dụng phổ biến Tiếng Anh. Do vậy, việc giao tiếp với người bản xứ khá khó khăn nếu bạn không biết tiếng Trung. Dù đi du lịch Trung Quốc theo tour hay đi tự túc, bạn cũng nên tải sẵn các app dịch thuật, từ điển online để sử dụng khi cần thiết nhé.
Bản đồ càng chi tiết càng có lợi cho bạn trong việc tìm kiếm vị trí
Bản đồ: Dù đi theo tour hay tự đi du lịch Trung Quốc thì bạn cũng nên có một chiếc bản đồ, càng chi tiết càng tốt để dễ nhìn được tổng quan vị trí các điểm đến của mình. Trong trường hợp đi lạc, tấm bản đồ sẽ phát huy tối đa công dụng vì sẽ giúp bạn định vị được vị trí và kết nối dễ dàng hơn với người trợ giúp.
Book vé máy bay, vé phòng khách sạn: Nếu đi tour du lịch Trung Quốc, các công ty lữ hành sẽ chu toàn cho bạn từ A-Z, từ vé máy bay, phòng khách sạn, điểm ăn uống, vui chơi, mua sắm,... Việc di chuyển theo đoàn và có sự trợ giúp "mọi lúc mọi nơi" của Trưởng đoàn cũng giúp bạn yên tâm hơn nơi "xứ người". Tuy nhiên, nếu đi tự túc, nhất là vào các dịp cao điểm như lễ, Tết, bạn cần có kế hoạch từ sớm và booking vé máy bay, phòng khách sạn càng sớm càng tốt, vì càng cận ngày thì giá sẽ càng cao và khả năng "cháy vé" cũng cao ngất ngưởng.
Như vậy, với những thông tin từ bài viết, TSTtourist đã giúp bạn có thêm những thông tin thú vị về các ngày Tết, lễ Trung Quốc. Du lịch Trung Quốc dịp lễ, Tết sẽ có những hạn chế nhất định, tuy nhiên, bạn sẽ có những trải nghiệm “hiếm có khó tìm” như “hóa người bản xứ” để hòa mình vào không khí sôi động, náo nhiệt; thưởng thức những đặc sản tượng trưng cho từng mùa lễ hội; trải nghiệm các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của quốc gia hơn 4.000 năm lịch sử. Đó là những kỷ niệm đáng nhớ, là những giá trị mà không thể nào mua được bằng vật chất.