Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Vào những ngày TP.HCM nắng gắt, nhiều bạn trẻ đã chọn đến Đà Lạt để tránh nóng, kết hợp thưởng thức các món ngon như sữa đậu nành, lẩu nướng.
TP.HCM bước vào đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ không dưới 30 độ C. Trong những ngày qua, đặc biệt là dịp cuối tuần, nhiều người trẻ TP.HCM đã đổ xô đến Đà Lạt để tránh nóng.
Ngoài tham quan và check-in, thưởng thức một nồi lẩu đậm vị, bữa BBQ thịnh soạn hay ly sữa đậu nành nóng trong không khí se lạnh của Đà Lạt cũng là lựa chọn yêu thích của nhiều bạn trẻ.
Vài năm trước, món nướng ở Đà Lạt thường bán trong những quán nhỏ, nằm dọc theo con đường lớn, chủ yếu nướng bằng bếp than hoặc trên tấm ngói.
Gần đây, nhằm phục vụ nhu cầu "sống ảo" của giới trẻ, những quán nướng đã đầu tư mô hình hấp dẫn hơn. Các điểm này thay không gian trong nhà bằng không gian mở, chăm chút từ bàn ghế đến cách bài trí các món và chọn vị trí có tầm nhìn hướng ra rừng núi. Dần dà, việc ngồi thư thả nướng một mẻ BBQ giữa thiên nhiên trở thành trải nghiệm ẩm thực đặc trưng tại Đà Lạt.
Nằm tại đường Đặng Thái Thân, quán nướng Thương Thương thu hút đông khách ghé đến mỗi ngày. Quán xây dựng trên một ngọn đồi, trang trí đơn giản để giữ lại mảng xanh mát mắt của cỏ cây xung quanh. Nội thất đa phần bằng chất liệu gỗ. Không gian không quá rộng nhưng nhiều bàn ghế, có view thung lũng để ngắm hoàng hôn buông.
Thời điểm đông khách nhất là cuối tuần, bầu không khí có thể hơi ồn ào, bàn ghế nhanh kín nên phải chờ khá lâu mới đến lượt.
Thực đơn đa dạng các món nướng như sườn cừu, thăn bò, ba chỉ heo, cá tầm, bạch tuột, cá hồi… Mức giá 79.000-189.000 đồng/món, không quá cao so với mặt bằng chung.
Hai món nổi bật nhất là bò Úc nướng tảng và bò cuộn măng tây. Phần thịt bò Úc được thái dày, tươi và mềm. Bò cuộn măng tây hoà quyện giữa măng tây giòn, ngọt và lát thịt ba chỉ tươm mỡ béo ngậy. Điểm trừ là món bạch tuộc không thấm vị, thịt quá mềm và khi nướng không còn độ dai, giòn.
Bạn có thể tự chọn sốt phô mai, sốt nâu, sốt ngũ vị, sốt sa tế, sốt chua ngọt, sốt ớt xanh hoặc chao để chấm cùng món nướng. Bên cạnh đó, quán còn có lẩu nấm và lẩu Thái.
Đồ uống không nhiều lựa chọn. Nhân viên thân thiện, nhiệt tình nhưng chất lượng phục vụ không đồng đều.
Một lựa chọn khác trên cùng con đường Đặng Thái Thân, được trang trí hoành tráng hơn là Chill in Dalat. Không gian quán thoáng rộng, khá ít bàn. Bù lại, vị trí bàn đặt cách xa nhau để tạo sự thoải mái, bàn bên cạnh cũng không bị ảnh hưởng khói nướng. Ánh đèn vàng ban đêm làm tăng phần lãng mạn.
Món khai vị gồm khoai tây chiên, salad trứng, chân gà rút xương chiên giòn.... Các món nướng từ heo, bò và hải sản. Ba chỉ nướng sa tế sốt me, sườn cây non sốt chanh dây hay bò sốt pate tiêu xanh chấm bánh mì là một số món bán chạy nhất tại quán.
Thực đơn đồ uống có rượu trái cây lên men, soju, nước ép, nước ngọt.
Nhìn chung, hương vị các món ở mức ổn, không gây nhiều ấn tượng. Các món ăn có mức giá 50.000-159.000 đồng, khẩu phần khá ít. Bù lại, nước chấm được pha lạ miệng. Nhân viên thân thiện, chất lượng phục vụ tương đối.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo vài quán nướng khác như Hoàng hôn 3000, quán nướng Ú Nu, 20 Forest BBQ & More, Thôn Hoàng Hôn 330…
Nếu muốn thử một món đặc trưng có nước dùng, bạn có thể chọn lẩu. Với nhiệt độ duy trì 14-16 độ C, việc thưởng thức một nồi lẩu nóng hổi sẽ giúp bạn ấm bụng, cảm thấy sảng khoái hơn.
Đà Lạt từ trước đến nay nổi tiếng với lẩu gà lá é Tao Ngộ. Hiện tại, nơi đây đã mở thêm một số quán với đa dạng loại lẩu hơn. Thêm vào đó, các quán lẩu còn tựa lưng bên triền đồi, có view thung lũng đẹp và trang trí các góc check-in không thua kém các quán cà phê.
Một địa điểm thưởng thức lẩu đông khách bậc nhất Đà Lạt là quán Nhớ, toạ lạc trên đường Khe Sanh. Quán thiết kế theo phong cách hoài cổ, có không gian trong ngôi nhà đất và bên ngoài thoáng đãng. Diện tích rộng rãi, được bố trí bàn ghế cho cá nhân, cặp đôi hoặc nhóm đông người. Ánh đèn vàng làm bầu không khí ấm cúng và dễ chịu.
Thực đơn gồm lẩu dưỡng sinh không cay và lẩu Tứ Xuyên cay. Bạn có thể kết hợp cả hai loại lẩu trong nồi hai ngăn. Món thả lẩu cũng khá phong phú, có thể kể đến tôm sú, mực, bắp bò, tim heo, sụn gà… Thức uống thiên về các loại trà trái cây và rượu trái cây. Trà sữa Nhớ là món được nhiều khách gọi.
Lẩu dưỡng sinh có vị ngọt nhẹ, ăn thanh mát, riêng lẩu Tứ Xuyên lại không được đánh giá cao vì độ cay ít, nêm nếm tương đối nhạt. Cách trình bày món đơn giản, đẹp mắt. Mức giá 15.000-89.000 đồng/món, khẩu phần không nhiều. Nhân viên phục vụ nhiệt tình, chu đáo và lên món nhanh.
Toạ lạc trên ngọn đồi Robin, được bao phủ bởi rừng thông, quán lẩu Thông Giông phù hợp cho những ai thích nhâm nhi nồi lẩu ấm nóng trong không gian yên tĩnh, tách biệt với phố thị.
Quán mang tông màu nâu ấm cúng, có không gian trong nhà rộng rãi với những ô cửa sổ lớn. Phần lớn khách đến đây đều chọn ngồi ngoài ban công để ngắm phố núi từ trên cao. Bạn phải đặt bàn trước qua fanpage của quán.
Quán chỉ phục vụ lẩu chua và lẩu chao trong nồi hai ngăn. Món ăn kèm đa dạng từ thịt bò, thịt heo, hải sản đến các loại chả, rau. Loạt món ăn chơi có thanh cua, đậu hũ non, lườn ngỗng, phù trúc...
Thức uống không quá đặc sắc, đa phần là các loại nước phổ thông.
Nhìn chung, các món ăn bài trí tươm tất. Vị nước lẩu vừa ăn, độ mặn ngọt cân bằng. Nước chấm cũng được đánh giá cao vì làm tăng độ ngon của các món ăn kèm. Các loại thịt đều tươi ngon. Tuy nhiên, độ tươi của các món như chả, viên hoàng kim sẽ tuỳ theo ngày. Các món có mức giá 29.000-95.000 đồng.
Điểm hạn chế là đường đến quán khó tìm.Nhân viên đôi lúc lên món chậm nhưng nhiệt tình giúp đỡ khi khách cần.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo vài quán lẩu khác như quán Heo May, Chợ Phiên, lẩu nồi đất The Lab…
Ở Đà Lạt, sữa đậu nành được xem như một loại thức uống đặc sản, bất kỳ ai đến đây cũng nên thử qua. Sữa đậu nành Đà Lạt tương tự như những nơi khác, nhưng không gian rừng núi cùng thời tiết se lạnh nơi đây đã góp phần làm nên nét đặc biệt cho loại thức uống này.
Sữa đậu nành Xóm Lèo tại khu quy hoạch Huỳnh Tấn Phát được nhiều bạn trẻ quan tâm. Quán nằm khá xa trung tâm, không nhộn nhịp như các quán sữa đậu nành ở khu chợ đêm Hoà Bình, nhưng lại sở hữu không gian ngoài trời rộng rãi, tầm nhìn hướng thẳng ra rừng núi. Nếu đến vào buổi chiều tà, có thể vừa nhâm nhi sữa đậu nành vừa ngắm hoàng hôn.
Với mức giá 50.000 đồng, bạn có cơ hội thưởng thức combo sữa đậu nành nóng và bánh ngọt. Bên cạnh đó, thực đơn còn một số món nước như cà phê, trà trái cây… Sữa đậu nành được nấu sánh, độ ngọt vừa phải, khi uống cảm nhận rõ vị. Tuy nhiên, một ly sữa khá nhỏ, chất lượng bánh ở mức tương đối, so với mức giá vẫn khá cao. Nhân viên lịch sự, chất lượng phục vụ tạm ổn.
Nếu không muốn di chuyển xa trung tâm, bạn có thể tìm đến quán sữa đậu nành Dung Béo nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ. Không gian quán tạo cảm giác gần gũi. Diện tích quán không quá rộng, chỉ có vài bộ bàn ghế nhựa bên trong và trước hiên nhà để ngắm phố phường về đêm.
Thực đơn có vài loại sữa như sữa đậu phộng, sữa đậu xanh, sữa mè đen... Nổi bật nhất vẫn là sữa đậu nành. Một ly sữa to đầy, thơm mùi đậu nành, đậm vị béo do có thêm sữa bò và sữa đặc.
Điểm trừ là sữa khá ngọt, đôi lúc còn lợn cợn. Bạn có thể thưởng thức thêm một số loại bánh ngọt như su kem, bánh bao chiên… Cốt bánh mềm ẩm, nhưng hơi ngấm dầu. Mức giá của sữa đậu nành và các loại bánh 8.000-15.000 đồng/phần, khá rẻ so với chất lượng.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo vài quán sữa đậu nành khác như quán Hoa Sữa, quán cô Lan, quán Hai Chị Em…
(Nguồn: Trúc Hồ, Zingnews)