Giáng sinh là một ngày lễ quốc tế có rất nhiều tên gọi khác nhau như Noel, Xmas hay Christmas. Nguồn gốc lễ Giáng sinh được cho là bắt đầu từ những người theo đạo Kito, nhằm tôn vinh và tưởng niệm ngày ra đời của chúa Jesu - người mà họ tin là Thiên Chúa hạ thế. Dần dần theo thời gian, lễ này đã trở nên quan trọng đối với nhiều người trên khắp thế giới, không chỉ với những tín đồ Thiên Chúa giáo. Tuy cùng có nguồn gốc từ lễ Giáng sinh của tôn giáo Kito, nhưng ở mỗi châu lục, cách chào mừng vào dịp này là không giống nhau. Không khí Giáng sinh đang ùa về trên khắp thế giới, và ngay trong bài viết này, TSTtourist sẽ giúp bạn biết cách người dân trên các châu lục đón Giáng sinh như thế nào cũng như nguồn gốc của ngày lễ Giáng sinh.
Chúa Giáng sinh ra đời
Tương truyền nguồn gốc chúa Giáng sinh bắt đầu từ câu chuyện rằng, ở thành phố thuộc xứ Judea chịu sự cai trị của đế quốc La Mã, có cô gái Mari và chàng trai Giô-xép đính hôn với nhau nhưng trước khi cưới, họ được Thánh Linh chiêm bao rằng Mari sẽ sinh một bé trai khi còn là trinh nữ, con của hai người sẽ được gọi là Con Thượng Đế. Làm theo lời được tiên tri trong giấc mộng, Giô-xép cưới Mari làm vợ và không đụng vào người cô đến khi con trai ra đời.
Trong một lần hai vợ chồng ra ngoài có việc đến tối khuya, nhưng trong thành không còn quán trọ nào còn trống và lúc này Mari lại có dấu hiệu sắp sinh nên họ đành tá túc tạm tại một chuồng gia súc, con trai ra đời được Giô-xép đặt tên là Jesu.
Vào đêm Jesu được sinh ra, kế bên đó có mấy anh chăn cừu đang thức canh, họ được thiên sứ của Chúa báo cho tin Đấng Cứu Thế đã sinh ra tại Bethlehem - một hài nhi được bọc trong vải và nằm trên máng ăn cho gia súc. Nghe tin này, các anh chăn cừu liền rủ nhau đi đến đó để xem có thật không. Ngay trên bầu trời chỗ em bé ra đời, họ nhìn thấy một ngôi sao đang phát sáng lấp lánh, liền vội cúi lạy Ngài rồi thuật lại lời mà thiên sứ đã nói: “Vinh danh Thánh Chúa trên trời, Hòa bình dưới thế cho kẻ làm vui lòng Ngài.”
Ngôi sao lấp lánh phía trên nơi Chúa ra đời
Trong nhiều thế kỷ qua, truyền thuyết chúa Giáng sinh theo ghi chép Kito được mọi người chấp nhận là nguồn gốc ra đời ngày lễ Giáng sinh.
Là một ngày lễ quan trọng và phổ biến trên thế giới, Giáng sinh ở mỗi nơi có cách tổ chức không giống nhau. TSTtourist sẽ giới thiệu về giáng sinh ở khắp các châu lục trên thế giới đến bạn ngay sau đây.
Không khí Giáng sinh ở Đức
Giáng sinh được chào đón ở hầu hết các quốc gia châu Âu. Vào ngày 25-26 tháng 12, người dân được nghỉ lễ chính thức và dành thời gian cho gia đình, trang trí nhà cửa, đi mua sắm, thăm bạn bè, người thân.
Nguồn gốc tổ chức ngày Giáng sinh ở châu Âu rất đa dạng: từ thế kỷ thứ 4, lễ Giáng sinh ban đầu được kết hợp với lễ hội pagan của Đông Á; thế kỷ 4 đến 10, lan truyền đến nhiều quốc gia châu Âu khác nhau và vào tháng 2 năm 325, ngày 25/12 được chọn là ngày Giáng sinh chính thống. Từ thế kỷ 12 đến 19, Giáng sinh trở thành ngày nghỉ quan trọng với nhiều nghi lễ tôn vinh chúa Jesu và các truyền thống về việc chào đón Giáng sinh bắt đầu hình thành; từ thế kỷ 19, trang hoàng cây thông Noel trở thành một phần quan trọng của lễ hội; thế kỷ 21, Giáng sinh ở châu Âu vẫn được tổ chức và chào đón một cách nhiệt tình. Các quảng trường và các thị trấn lớn thường tổ chức lễ hội với các trò chơi, sự kiện giải trí. Đây là thời gian mà người dân có cơ hội tận hưởng không khí ấm áp.
Ngày lễ Giáng sinh ở châu Âu khác nhau tùy theo quốc gia và khu vực nhưng đều có các hoạt động truyền thống chung bao gồm trang trí cây thông noel, tặng quà cho nhau, tham dự các buổi lễ nhà thờ, thưởng thức bữa ăn với gia đình và bạn bè, tham gia các hoạt động mang tính địa phương như hát mừng, diễn kịch, và mua sắm ở chợ Giáng sinh. Cùng lúc, bọn trẻ sẽ đùa nghịch, khoe nhau các món quà mới mà ông già Noel mang tới cho chúng.
Cửa hàng Dior tại Saint Honore (Paris) trang trí Giáng sinh
Ở Pháp, trước lễ Giáng sinh, trẻ em thường đặt giày hoặc những cái vòng bằng gỗ gọi là sabots ở lò sưởi để ông già Noel có thể cho quà vào đó. Tại Ý, lễ Giáng sinh kéo dài tới 3 tuần, các đường phố thường được trang trí lộng lẫy với những cây thông khổng lồ cùng hình ảnh tái hiện khoảnh khắc chúa Jesu ra đời. Vào đêm Noel, người Ý sẽ ăn cá chình nướng, đĩa rau cardoni truyền thống, bánh pastry và kem pho mát. Ở Anh, lễ Giáng sinh rất được trẻ em hoan nghênh, hầu hết các gia đình đều có cây thông trong nhà và họ sẽ cùng nhau trang trí. Ngày 25 được xem là lễ chính, các thành viên quay quần bên nhau chia sẻ, trò chuyện, tặng quà và thưởng thức bữa ăn bên gia đình.
Đường phố Nhật Bản trong dịp lễ Giáng sinh
Tại nhiều nước ở Châu Á, Noel cũng được đón nhận nồng nhiệt như một dịp đặc biệt trong năm. Nhật Bản không có ngày lễ Giáng sinh chính thức vì chỉ có chưa tới 2% dân số nước này là người công giáo. Tuy nhiên, không khí Giáng sinh vẫn rất náo nhiệt, từ đầu tháng 12 phố xá đã bắt đầu treo đèn trang trí, đặc biệt nổi tiếng là hành lang đèn có tên Tokyo Millenario chạy dài 800m tại Marunouchi.
Lotte World Hàn Quốc trang hoàng rực rỡ ngày Giáng sinh
Ở Hàn Quốc, mùa Giáng sinh là khoảng thời gian náo nhiệt với nhiều hoạt động thú vị, những màn biểu diễn đặc sắc và các tác phẩm nghệ thuật lung linh. Bên cạnh đó, vào dịp này, các gia đình Hàn Quốc đều dành thời gian để đi hết trung tâm thương mại này tới trung tâm thương mại khác “săn lùng” đồ giảm giá.
Tại Việt Nam, dù không phải là ngày lễ chính thức nhưng không khí Giáng sinh vào dịp này vô cùng náo nhiệt. Đường phố đông nghịt giới trẻ ra đường dạo chơi, cây thông Noel được trang trí lấp lánh có mặt ở nhiều nơi, mọi người cùng đi mua sắm các món quà nhỏ để trao nhau, tặng nhau những tấm thiệp Giáng sinh xinh xắn,...
Nguồn gốc Giáng sinh ở Mỹ bắt nguồn từ các gia đình gốc Đức, nhưng chính sự ảnh hưởng của giáo sư Havard George Ticknor mới góp phần làm cho tập tục này thêm lan rộng và được chấp nhận trong xã hội Mỹ. Việc tuyên bố Giáng sinh là ngày lễ liên bang và trang trí cây thông Noel ở nhà trắng đánh dấu bước cuối cùng trong việc biến Giáng sinh trở thành một lễ truyền thống của Mỹ. Ngày 28/06/1870, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật quy định Giáng sinh, năm mới, Quốc khánh và lễ Tạ ơn là các ngày nghỉ lễ cho người lao động.
Hội chợ Giáng sinh ở Mỹ
Các hoạt động trong lễ hội này sẽ tùy thuộc vào truyền thống văn hoá của mỗi gia đình. Cây thông Noel đóng một vai trò quan trọng trong lễ Giáng sinh, được trang trí với rất nhiều đồ và đặt ở vị trí mà nhiều người có thể nhìn thấy. Thông thường, người Mỹ thường đặt một ngôi sao trên đỉnh cây thông tượng trưng cho ngôi sao ở Bethlehem hay một thiên thần nhỏ báo hiệu Chúa giáng sinh.
Trẻ em Nam Phi đón lễ Giáng sinh
Mùa Giáng sinh ở lục địa đen có những nét đặc trưng lạ lẫm: những quả châu xanh đỏ, mock-up thổ dân, cây bao báp và nhiều thứ khác. Ngày Giáng sinh ở đây thường bắt đầu bởi tiếng hát của các nhóm truyền giáo đi xuyên các đường phố, làng mạc, nhà cửa. Các bài hát thánh ca nổi tiếng thế giới sẽ đánh thức mọi người dậy để tới nhà nguyện, tham gia lễ mừng chúa. Bất cứ ai tham gia cầu nguyện đều đem theo một món quà và đặt chúng ở gần chiếc bàn Thánh thể. Đặc biệt vào ngày này, tộc người Zulu ở châu Phi sẽ cùng nhau trình diễn vũ điệu Zulu mang âm hưởng hoang dã và mạnh mẽ.
Ăn sâu bướm mopane - một trong những phong tục Giáng sinh kỳ quặc nhất thế giới
Các món ăn trong lễ Giáng sinh thường là gà tây, thịt bò nướng hoặc lợn sữa, gạo vàng với nho, rau, mứt mận và bánh cracker… Một số nước ở miền Nam châu Phi coi sâu bướm là một món ăn đặc biệt và thường chỉ được ăn trong dịp quan trọng như Giáng sinh. Sâu bướm được chế biến bằng cách luộc chín trong nước muối rồi phơi nắng hoặc hun khói để tăng mùi vị.
Những thông tin về nguồn gốc Giáng sinh cũng như các hoạt động đón mừng ngày Giáng sinh trên khắp năm châu mà TSTtourist cung cấp phía trên hy vọng sẽ giúp bạn hiểu hơn về ngày lễ ý nghĩa này. Một mùa Giáng sinh nữa đang đến gần, chúc bạn có thật nhiều niềm vui bên gia đình, bạn bè và đừng quên tham khảo các đường tour của TSTtourist có lịch khởi hành vào mùa Giáng sinh nhé!