Englishen

Những lễ hội đậm chất dân gian tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Thứ bảy, 17/12/2022, 12:06 GMT+7

Với nhiều hoạt động đặc sắc, lễ hội dân gian thu hút du khách đến trải nghiệm, tìm hiểu nét đẹp văn hóa, lịch sử của Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bên cạnh những bờ biển thơ mộng cùng hải sản tươi ngon và nền ẩm thực phong phú, Bà Rịa - Vũng Tàu giữ chân du khách bởi những lễ hội đầy màu sắc, mở ra không gian trải nghiệm văn hóa, vui chơi, giải trí thú vị. Nếu có dịp ghé đến vùng biển tuyệt đẹp này, du khách khó có thể bỏ qua những lễ hội như: Dinh Cô, Nghinh Ông, Trùng Cửu, Miếu Bà Ngũ Hành…

  • Lễ hội Dinh cô Long Hải

Mỗi năm, vào khoảng thời gian từ 10/2 đến 12/2 Âm lịch, hàng chục nghìn du khách lại đổ về thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để tham dự một trong những lễ hội lớn nhất vùng ven biển Nam Bộ - Lễ hội Dinh Cô Long Hải (hay còn gọi là Lệ Cô Long Hải). Đây là lễ hội kết hợp giữa nghi thức cầu ngư với tục thờ cúng Thần biển (Bà Thủy Long, cá voi) và tín ngưỡng thờ Mẫu - Nữ thần của cư dân địa phương.

Lễ hội tổ chức với mục đích cầu mưa thuận gió hòa, đồng thời suy tôn Cô Lê Thị Hồng Thủy, người được cho là đã phù trợ người dân vượt qua dịch bệnh, làm ăn phát đạt. Lễ hội diễn ra ở Dinh Cô (điện thờ Cô), nằm dưới mỏm núi Thùy Vân thuộc ấp Hải Sơn. Được chứng nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, nơi đây có diện tích 1.000 m2, xây dựng theo lối kiến trúc cổ kính pha lẫn hiện đại, mang đậm bản sắc Việt.

Lễ hội Dinh cô Long Hải có nhiều hoạt động sôi nổi, đa sắc.

Vào dịp lễ này, Dinh Cô được trang hoàng trang nghiêm, có chăng đèn kết hoa rực rỡ. Trong khi đó, các nhà trong vạn ghe đặt bàn hương, trên có nhang đèn, bánh trái, mâm xôi... và thắp đèn lồng vào ban đêm. Các tàu thuyền của ngư phủ và làng cá đều đậu bên bến, treo đèn giấy đủ màu, kết hoa từ mũi đến lái, kể cả cột buồm. Nhờ đó, cả vùng biển Long Hải trở nên lộng lẫy, lung linh và nhộn nhịp.

Ngoài được tìm hiểu về những nghi thức truyền thống đặc sắc, đến lễ hội Dinh Cô Long Hải, du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động giải trí, vui chơi thú vị. Trong dịp này, nhiều đoàn văn nghệ sẽ tề tựu về Long Hải diễn tuồng và hát bội. Ngoài ra, lễ hội còn tổ chức múa lân sư rồng, múa bông và các trò chơi dân gian như thi bắt cá, bắt lươn, đua thuyền thúng… Tất cả tạo nên không khí lễ hội náo nhiệt, đông vui.

  • Lễ hội Nghinh Ông đình Thắng Tam

Giống như nhiều tỉnh ven biển từ Quảng Bình trở vào, người dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rất xem trọng Nghinh Ông - lễ hội tri ân Cá Ông. Theo quan niệm của ngư dân địa phương, Cá Ông được xem là vị cứu tinh phù trợ cho tàu thuyền khi không may gặp nạn trên biển. Đồng thời, thông qua lễ hội, người dân cũng gửi gắm mong ước trời yên biển lặng, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội Nghinh Ông đình Thắng Tam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được tổ chức long trọng từ 16/8 đến 18/8 Âm lịch. Tham dự lễ hội, du khách được khám phá nhiều nét đẹp văn hóa của người dân miền biển qua phần lễ và phần hội được tổ chức bài bản, đặc sắc.

Phần lễ gồm rước Cá Ông từ nhà truyền thống Cách mạng (số 1 đường Ba Cu, thành phố Vũng Tàu) về đình Thắng Tam ( đường Hoàng Hoa Thám, phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu) cúng giỗ Tiên hiền và các anh hùng liệt sĩ; thỉnh sắc thần, cúng tế Ông Nam Hải, xây chầu đại bội, trình diễn tuồng cổ.

Còn phần hội sẽ gồm các các trò chơi dân gian vui tái hiện các hoạt động của ngư dân như câu cá, kéo co nam nữ, đẩy cây, cờ ca rô trên cát, đan lưới, nhảy sạp, cướp cờ, thả diều, bắn bi sắt… Tham gia các hoạt động này, du khách không chỉ lưu lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ, mà còn có thể hiểu hơn về đời sống và những vất vả, nỗ lực của ngư dân.

Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội tri ân Cá Ông. Ảnh: Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
  • Lễ hội Trùng Cửu

Nếu có ý định du lịch Vũng Tàu vào tháng 9 Âm lịch, du khách không thể bỏ qua Lễ hội Trùng Cửu diễn ra vào 9/9 tại đảo Long Sơn. Không tổ chức linh đình như những lễ hội khác, nhưng Trùng Cửu vẫn thu hút du khách bởi nét văn hóa đặc sắc từ đạo ông Trần hay ông Nhà Lớn. Đây là lễ hội tưởng nhớ công ơn khai dân lập ấp của ông Lê Văn Mưu (còn gọi là ông Trần) cùng con cháu, đồng thời mong cầu sức khỏe, bình an, cuộc sống no ấm.

Lễ hội Trùng Cửu được tổ chức đơn giản nhưng trang nghiêm. Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu.

Không có hát múa, rước sắc, lễ hội Trùng Cửu chỉ có những dòng người thành kính dâng hương, cầu nguyện. Sức thu hút của lễ hội đến từ những nghi thức trang trọng, chỉn chu cùng chuỗi hoạt động mang đậm nét đẹp bình dị của làng quê đảo Long Sơn. Lễ hội sẽ diễn ra gói gọn trong không gian Nhà Lớn, du khách đến đây sẽ được sắp xếp chỗ nghỉ chân miễn phí.

Đối với du khách yêu thích tìm hiểu kiến trúc cổ, Trùng Cửu là dịp để du khách tham quan và chiêm ngưỡng quần thể Nhà Lớn lâu đời, nơi lưu trữ nhiều giá trị về văn hóa và lịch sử. Toàn bộ quần thể rộng đến 2 ha với các công trình nhà lầu, nhà trệt mái ngói đan xen nối tiếp, toát lên vẻ đẹp bình dị, nên thơ của làng quê Việt. Vào ngày tổ chức lễ hội, các dãy nhà cổ tại đây được trang trí 500 câu liễn đỏ về châm ngôn cuộc sống, truyền tải thông điệp tích cực.

  • Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành

Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành diễn ra trong 3 ngày từ 16/10 đến 18/10 Âm lịch để bày tỏ sự tôn kính với 5 vị thần nữ tượng trưng cho ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Là lễ hội lâu đời của người dân Bà Rịa - Vũng Tàu, các nghi thức cúng bái trong dịp này được tổ chức cầu kỳ và long trọng, chứa đựng nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống. Nhờ đó, lễ hội thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài nước tìm đến mỗi năm.

Thông thường, lễ hội sẽ bắt đầu 6h ngày 16/10 Âm lịch với nghi thức nghinh Bà từ Hòn Bà về Miếu Bà Ngũ Hành. Khác với lễ Nghinh Ông dùng ghe trên biển, đám rước của lễ Nghinh Bà đi bộ trên đất liền dù Hòn Bà cách biển 50 m. Người dân địa phương thường đợi thủy triều xuống để thực hiện nghi thức này.

Miếu Bà Ngũ Hành được tổ chức long trọng. Ảnh: Ăn Chơi Vũng Tàu.

Khi Nghinh Bà về đến miếu, người dân sẽ cúng tổ chức cúng giỗ tiền hiền - hậu hiền, chầu mời và thực hiện chính lễ vào lúc 12h, vừa cúng nghinh vừa cúng tạ thần. Sau đó, du khách được thưởng thức hát bội với các vở diễn Phan Thế Ngọc đả lôi đài, Sở Văn cứu giá, Mai trắng xe duyên, Xử án phi giao, Lễ tôn soái Dương Kim Huệ … Vào buổi chiều, du khách còn có thể tìm hiểu các nghi lễ truyền thống như đại bội, bóng rỗi, múa mâm vàng, mâm bạc…
(Nguồn: Giang Hoàng Lam, Zingnews, Thứ bảy, 17/12/2022, 10:00 (GMT+7))