Englishen

Những sự thật ít ai biết về phong tục lì xì ngày Tết

Thứ ba, 23/01/2024, 09:45 GMT+7

Dù là trẻ nhỏ hay người lớn thì được nhận lì xì vào ngày Tết cũng mang cho bạn nhiều niềm vui, báo hiệu một năm mới may mắn. Từ bao đời nay, phong tục lì xì ngày Tết đã được ông bà ta gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Theo tục lệ, người lớn thường sẽ đặt tiền vào chiếc phong bì nhỏ có trang trí màu đỏ hoặc vàng son rực rỡ để mừng tuổi trẻ em. Ngày nay, lì xì ngày Tết ít nhiều có sự thay đổi, nhưng đều mang sự may mắn, tốt lành sẽ đến trong năm mới. Tùy theo từng phong tục địa phương, lì xì có các tên gọi khác nhau như: lì xì, mở hàng, tiền phát vốn hay tiền mừng tuổi. Và còn rất nhiều sự thật thú vị về lì xì ngày Tết mà TSTtourist sẽ hé lộ trong bài viết sau.

Giới thiệu về phong tục lì xì ngày Tết

Lì xì là gì?

Phong bao lì xì ngày Tết

Lì xì là một phong tục truyền thống của người Việt Nam và một số nước Châu Á trong dịp Tết Nguyên Đán. Từ “lì xì” có nghĩa là "tiền may mắn" hoặc "tiền lộc". Theo truyền thống xưa nay, người lớn thường cho người thân, đặc biệt là trẻ em, những bao lì xì đỏ chứa tiền mặt để chúc cho họ một năm mới an khang, thịnh vượng và hạnh phúc. Lì xì vào ngày Tết cũng là một cách thể hiện sự quan tâm, tôn trọng và tri ân của người cho với người nhận, đồng thời là một hoạt động mang đến niềm vui cho ngày đầu năm.

Nguồn gốc của bao lì xì

Nguồn gốc của phong tục này bắt nguồn từ Trung Quốc, và theo lời truyền miệng cũng có nhiều câu chuyện xoay quanh sự ra đời của phong bao lì xì. Tuy nhiên, phổ biến nhất là câu chuyện về con quỷ hay xoa đầu trẻ.

Phong tục lì xì có nguồn gốc từ Trung Quốc

Tương truyền rằng tại Trung Quốc cổ xưa, dân gian có một con quỷ rất thích xoa đầu trẻ em tên là “Sui”. Khi đến đêm giao thừa, Sui sẽ đến xoa đầu trẻ em, khiến cho bọn trẻ bị giật mình và bật khóc. Hôm sau, những đứa trẻ sẽ bị sốt, đau đầu vì thế mà cha mẹ chúng cũng không dám ngủ, phải thức để canh chừng.

Vào một lần tình cờ, 8 vị tiên đi ngang thấy cảnh này liền hoá thành những đồng tiền và bảo cha mẹ bọn trẻ gói vào những tấm vải đỏ, đặt cạnh những đứa trẻ để xua đuổi yêu quái. Khi quái vật đến, những đồng tiền này bỗng nhiên lóe lên khiến cho chúng sợ hãi bỏ chạy.

Những bao tiền đỏ này trở thành vật bảo hộ mà người lớn thường trao cho trẻ nhỏ, nhất là vào năm mới để tránh những vận rủi và trở thành phong tục lì xì ngày Tết. Điều này cũng phần nào lý giải vì sao người lớn thường lì xì cho trẻ em.

Theo quan niệm xa xưa, phong bao lì xì giúp bảo vệ trẻ em trước những thế lực xấu

Ý nghĩa của lì xì ngày Tết

Lì xì ngày Tết mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp như cầu chúc may mắn và tài lộc cho người nhận. Màu đỏ của chiếc phong bao lì xì tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và niềm hy vọng.

Người lớn trao lì xì cho trẻ nhỏ để cầu chúc chúng “mau ăn chóng lớn”; người nhỏ trao lì xì cho ông bà, cha mẹ để cầu chúc sức khỏe, bình an.

Người được nhận lì xì luôn tin rằng những phong bao này sẽ mang đến tài lộc, hạnh phúc cho họ trong suốt cả năm.

Lì xì ngày Tết có nhiều ý nghĩa tốt đẹp

Phong tục lì xì ngày Tết của người Việt

Vào những ngày giáp Tết, song song với việc dọn dẹp nhà cửa, nấu mâm cúng ông bà, chưng dưa hấu, hoa kiểng… thì người Việt cũng không thể nào quên chuẩn bị những phong bao đỏ để lì xì vào ngày Tết.

Vào đêm giao thừa hoặc ngày mùng một Tết, những thành viên trong gia đình dù ở xa nhà cũng tụ họp đông đủ, cùng thắp nén hương lên tổ tiên và quây quần ăn uống, chúc mừng năm mới.

Đây cũng là dịp mà con cháu trong nhà chúc Tết ông bà, cha mẹ và nhận lì xì mừng tuổi. Phong bao lì xì màu đỏ bên trong có số tiền nhỏ tượng trưng cho lời chúc may mắn, mang đến niềm vui cho cả nhà trong ngày đầu năm.

Ngày nay, việc mừng tuổi đã không còn giới hạn trong ngày mùng một hay ba ngày đầu năm nữa, mà chỉ cần còn không khí Tết thì vẫn có thể lì xì cho người thân của mình. Khi đến thăm hàng xóm hay bà con, mỗi gia đình cũng chuẩn bị vài phong bao lì xì để gửi cho trẻ nhỏ trong nhà như một phép lịch sự đầu năm.

Hình ảnh của phong bao lì xì đã là một phần không thể thiếu khi nhắc đến Tết Nguyên đán của người Việt Nam. Nhiều gia đình còn treo những phong bao đỏ lì xì ngày Tết lên cây mai, cây đào để mang đến không khí mùa xuân rộn ràng.

Bao lì xì đỏ đã gắn liền với ngày Tết của người Việt

Những tranh cãi về lì xì ngày Tết

Xuất phát từ một truyền thống đẹp, mang ý nghĩa chúc phúc, may mắn mà ngày nay phong tục lì xì ngày Tết cũng trở thành nỗi lo của nhiều người, cùng với đó là nhiều tranh luận xoay quanh.

Lì xì nhiều hay ít có quan trọng?

Ngày nay, số tiền trong phong bao lì xì trở thành một đề tài gây tranh cãi

Đây là băn khoăn mà nhiều người thường gặp khi đến dịp Tết Nguyên Đán. Trong lúc chuẩn bị bao lì xì ngày Tết để gửi đến người thân, gia đình hay bạn bè, chúng ta thường tự đặt câu hỏi này cho bản thân. Có người nghĩ rằng số tiền trong phong bao lì xì sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của người nhận, cũng như hình ảnh của người gửi.

Theo quan niệm của nhiều người, lì xì nhiều hay ít không quan trọng bằng tấm lòng của người gửi. Dù lì xì bao nhiêu tiền, nếu không có tình cảm, không có sự chân thành và tôn trọng, thì lì xì cũng chỉ là một hành động hình thức, không mang lại niềm vui cho cả hai bên. Ngược lại, dù lì xì ít tiền, nếu có tấm lòng yêu thương, có sự chia sẻ và động viên, thì lì xì sẽ là một món quà ý nghĩa, làm ấm lòng người nhận và gắn kết mối quan hệ giữa người cho và người nhận.

Lì xì không phải là mục đích cuối cùng của Tết, mà là một hình thức để bày tỏ sự quý trọng và gửi gắm những lời chúc tốt đẹp nhất cho những người thân yêu của mình. Lì xì nhiều hay ít không quan trọng, quan trọng là tình thân, tình bạn và sự gắn kết.

Chỉ có trẻ nhỏ được nhận lì xì ngày Tết?

Đây cũng là một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm. Lì xì ngày Tết tuy bắt nguồn là hình thức chúc phúc cho trẻ em nhưng ngày nay, tục lệ này không còn giới hạn đó nữa. Chỉ cần là người đã đi làm, có thu nhập là có thể mừng tuổi những bậc cao niên như cha mẹ, ông bà rồi. Ngoài ra, phong tục lì xì ngày Tết cũng là một phép lịch sự, chào hỏi bạn bè ngày đầu năm.

Dù lớn hay nhỏ bạn cũng có thể được nhận lì xì

Người lớn cũng có thể nhận lì xì từ những người thân yêu, bạn bè hay đồng nghiệp, nếu họ cảm thấy muốn chia sẻ niềm vui và mong ước cho năm mới tốt lành. Lì xì không chỉ là tiền mặt, mà còn là lời chúc, lời cầu mong và biểu hiện của tình cảm, tình thân.

Một số lưu ý khi lì xì ngày Tết

Tuy đơn giản nhưng để lì xì cũng như nhận lì xì cho đúng cách và mang lại ý nghĩa tốt đẹp, bạn nên lưu ý những điều sau:

  • Chọn tiền lì xì phù hợp với mối quan hệ và hoàn cảnh của người nhận. Không nên lì xì quá ít hoặc quá nhiều để tránh gây khó xử hoặc mất lòng.
  • Chọn bao lì xì có màu sắc tươi sáng, hình ảnh vui vẻ và lời chúc ý nghĩa. Không nên dùng bao lì xì cũ, rách hoặc có màu đen, trắng vì đó là màu tạo cảm giác buồn.
  • Lì xì cho người già trước, sau đó mới đến trẻ em và người trẻ tuổi. Nếu có thể, nên lì xì vào sáng sớm ngày mùng một Tết để mang lại may mắn cho cả năm.
  • Khi lì xì, nên cúi đầu và nói lời chúc tốt đẹp, chân thành và phù hợp với người nhận. Không nên nói những điều tiêu cực, đùa cợt hoặc vô lễ.
  • Khi nhận lì xì, nên cảm ơn người cho và bỏ vào túi hoặc ví riêng. Không nên mở bao lì xì ngay trước mặt người cho hoặc so sánh số tiền với người khác.

Hy vọng qua bài viết về lì xì ngày Tết của TSTtourist, bạn sẽ hiểu hơn và giữ gìn tục lệ này mãi là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.