Englishen

Phong tục Tết cổ truyền Việt Nam ở các vùng miền có gì khác nhau?

Thứ năm, 01/02/2024, 09:57 GMT+7

Tết cổ truyền Việt Nam mang nhiều nét phong tục tốt đẹp, được giữ gìn và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Việc đón năm mới từ bao đời nay luôn là hoạt động quan trọng trong đời sống của người Việt. Tuy nhiên, theo thời gian, phong tục đón Tết cổ truyền Việt Nam cũng có sự thay đổi ít nhiều. Song, những giá trị cốt lõi, tốt đẹp, ý nghĩa của những tục lệ xa xưa đó vẫn được tiếp tục phát huy. Không chỉ vậy, từng vùng miền cũng có riêng cho mình cách đón Tết khác nhau, vô cùng độc đáo. Điều đó cũng một phần được thể hiện qua sự khác biệt rõ rệt về trang phục Tết cổ truyền Việt Nam ở mỗi vùng miền. Để hiểu thêm về các nét phong tục từ xưa đến nay, sự khác nhau giữa 3 miền, bạn hãy theo dõi ngay bài viết này của TSTtourist.

Phong tục tết cổ truyền Việt Nam ở khắp các vùng miền

Ba miền trên dải đất hình chữ S đều có những phong tục đón Tết cổ truyền theo nét đặc trưng riêng

Phong tục Tết cổ truyền Việt Nam ở khắp các vùng miền là một phần quan trọng của văn hóa và lịch sử dân tộc. Tết là dịp để người Việt Nam sum họp, thăm hỏi, chúc tụng và trao nhau những lời chúc tốt đẹp nhất cho năm mới. Bên cạnh những điểm chung thì phong tục tết cổ truyền Việt Nam cũng có sự khác biệt rõ, song đều mang ý nghĩa tôn kính tổ tiên, bày tỏ lòng biết ơn và mong ước một năm mới an khang, thịnh vượng. TSTtoruist sẽ cùng bạn đi dọc theo dải đất hình chữ S và tìm hiểu những nét đặc trưng trong phong tục đón Tết của 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Miền Bắc

Mâm cỗ truyền thống ngày Tết ở miền Bắc

Người miền Bắc nổi tiếng là chu toàn, kỹ tính nên cách đón Tết cũng có phần cầu kỳ hơn đôi chỗ. Ta có thể dễ dàng nhìn thấy điều đó trong mâm cỗ đón Tết miền Bắc, một phong tục đón Tết cổ truyền lâu đời của Việt Nam.

Mâm cỗ của người dân miền Bắc phải có đầy đủ các món bánh chưng, gà luộc, chả giò, dưa hành và một số món phụ khác. Trong đó, bánh chưng được xem là món ăn đặc trưng, không thể nào vắng mặt vào ngày Tết của các gia đình miền Bắc. Thiếu đi bánh chưng thì ngày Tết sẽ không còn trọn vẹn. Vì thế những gia đình miền Bắc dù bận cách mấy cũng phải chuẩn bị đĩa bánh chưng xanh để trên bàn thờ gia tiên. Cũng chính bởi sự quan trọng đó mà gói bánh chưng đã trở thành hoạt động không thể thiếu, một phong tục Tết cổ truyền Việt Nam đặc trưng của miền Bắc.

Mâm ngũ quả của các gia đình miền Bắc thường không thể thiếu 3 loại quả chính là chuối, bưởi và quýt. Đây cũng là một nét khác biệt trong phong tục đón Tết cổ truyền Việt Nam của người dân miền Bắc. Vì ở mỗi nơi mâm ngũ quả sẽ có sự thay đổi về thành phần và cũng tùy vào điều kiện của gia chủ.

Tết đến, xuân về là người người, nhà nhà ở miền Bắc đều cũng không thể nào quên sắm sửa những cành đào tươi thắm để chưng trong nhà hoặc ngoài sân. Đây là loài hoa đại diện hoàn hảo cho ngày Tết phía Bắc nước ta bởi hoa đào chỉ trồng được ở miền Bắc và thường nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Màu hồng thắm tươi của hoa đào tượng trưng cho sự may mắn trong những ngày đầu năm mới. Dịp năm mới, nếu bạn du lịch Hà Nội hay bất kỳ tỉnh, thành nào ở miền Bắc thì đều thấy sắc hồng của những cành đào ở mọi nơi.

Vào ngày đưa ông Táo về trời, 23 tháng Chạp, ngoài lễ vật cần thiết thì người dân miền Bắc còn cúng một con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Sau nghi thức cúng bái, cá chép sẽ được “phóng sinh” (thả ra ao hồ hay ra sông).

Miền Trung

Tượng ông Công ông Táo ở Huế

Nhìn vào mâm cỗ của miền Trung, ta có thể thấy ngay nét đặc trưng trong phong tục Tết cổ truyền Việt Nam của nơi đây. Đó chính là sự giản dị của các món đặc sản của vùng đất đầy nắng và gió. Có thể kể đến như cơm trắng, cá kho, gà luộc, chả ram, canh bún, rau sống… Một phong tục cần phải nhắc đến là người dân miền Trung khi nấu đồ cúng có nêm mà không nếm, bởi họ quan niệm phải để ông bà tổ tiên thưởng thức trước.

Mâm ngũ quả của người miền Trung cũng vô cùng dung dị, thường là có gì cúng nấy, quan trọng là sự thành tâm dâng kính tổ tiên. Tuy nhiên, họ sẽ không thường dùng chuối xanh mang vị đắng, chát mà thay vào đó là những loại quả ngọt ngào, tròn thơm để cầu mong một năm mới an vui, thuận lợi.

Tết ở miền Trung bắt đầu khá sớm, từ 20 Tháng Chạp Âm lịch là nhà nhà, người người đã rộn ràng sửa soạn đón Tết.

Đến 23 Tháng Chạp thì người dân miền Trung sẽ tiến hành lễ cúng ông Công, ông Táo vào đúng 12 giờ trưa. Bởi theo quan niệm, sau 12 giờ trưa các vị thần đã về chầu trời. Mâm cúng ông Táo ở miền Trung lại khá đơn giản, chỉ có hoa quả và nhang đèn và không có cá chép như người miền Bắc, thay vào đó họ thường cúng áo mũ vàng mã, ngựa giấy yên cương đầy đủ để các Táo cưỡi về chầu trời. 

Riêng với cố đô Huế, các gia đình còn có phong tục dựng cây nêu trong sân vào sáng 23 mang ý nghĩa thay cho ông bà Táo giữ nhà giữ cửa. Sau khi lễ cúng hoàn tất, gia chủ sẽ mang 3 bức tượng Táo quân cũ khỏi bàn thờ, đưa đến các gốc cây cổ thụ hoặc các am miếu đầu xóm. Sau đó rước tượng 3 Táo quân mới về nhà, đặt lại lên bàn thờ để thờ cúng cho năm mới.

Miền Nam

Hoa mai ngày Tết ở miền Nam

Nếu như miền Bắc có bánh chưng thì người miền Trung, đặc biệt là miền Nam sẽ có phong tục đón Tết cổ truyền với món bánh tét. Với người miền Nam, bánh tét ngày Tết chính là hình ảnh tượng trưng cho sự no ấm từ đời này qua đời khác. Hình ảnh cả nhà quây quần bên nồi bánh Tét cũng là một trong những nét nổi bật mà người ta nghĩ đến ngay khi nhắc đến Tết miền Nam. Nếu đến một số tỉnh như Cần Thơ, bạn còn tìm thấy bánh tét tím được làm từ màu lá cẩm vừa ngon lại đẹp mắt, góp phần cho mâm cúng thêm rực rỡ.

Bên cạnh bánh tét, thì thịt kho trứng là món ăn đặc trưng của phong tục đón Tết cổ truyền Việt Nam ở miền Nam. Thịt heo ngon được lựa chọn từ bắp đùi, nạc thăn hầm với nước dừa. Gia đình nào ở miền Nam cũng sẽ nấu một nồi thịt kho trứng để cúng và ăn dần trong 3 mùng. Mâm cúng Tết của Nam bộ còn có các món ăn đặc trưng như dưa cải, bánh tráng, dưa hấu, canh khổ qua… Tất cả đều mang ngụ ý cho một năm mới thật nhiều niềm vui và may mắn.

Vào ngày Tết, người dân miền Nam thường chưng rất nhiều loại hoa từ trước cổng đến trên bàn thờ, trong số đó không thể nào vắng mặt hoa mai. Sắc vàng của loài hoa này đã trở thành một biểu tượng của ngày Tết miền Nam. Cũng như cành đào miền Bắc, cành mai đối với người miền Nam cũng vô cùng quan trọng trong dịp năm mới.

Mâm ngũ quả của người miền Nam không bao giờ có chuối, cam vì loại trái cây này có phát âm giống “chúi”, cam mang nghĩa cam chịu, không may. Do miền Nam là vùng đất của trái cây, nên người dân cũng không cứng nhắc “ngũ quả” nữa mà có thể là “bát, cửu, thập quả”.

Vào ngày cận Tết, các gia đình miền Nam sẽ tổ chức đi chạp mộ. Chiều 23 Tháng Chạp đưa ông Táo về trời và ngày 30 làm một mâm cơm cúng tổ tiên, gọi là lễ “rước ông bà”. Trong những ngày Tết thì trên bàn thờ gia tiên phải luôn nghi ngút khói hương, mâm cỗ đủ đầy và sau đó đến ngày Mùng 3 Tháng Giêng thì làm lễ “đưa ông bà”. Đó là những truyền thống, phong tục Tết cổ truyền Việt Nam đã được người dân miền Nam giữ gìn từ bao đời nay.

Với tác động của thời gian, quá trình di dân giữa các vùng miền nên văn hóa, tập quán và các phong tục ngày Tết cổ truyền Việt Nam ở 3 miền không còn khác biệt rõ nét mà đã có sự giao thoa, đan xen. Và điều quan trọng hơn là những phong tục riêng, bản sắc riêng của từng vùng miền đều góp phần làm cho bản sắc dân tộc thêm phần đa dạng và độc đáo, chung quy cũng là hướng về những gì tốt đẹp cho ngày đầu năm.

Các trang phục tết cổ truyền Việt Nam ở 3 miền

Vào ngày Tết, bên cạnh việc chăm lo chu toàn mọi việc trong nhà thì người Việt cũng không quên chăm chút cho bản thân một cách tươm tất nhất để đón năm mới. Tuy không có sự ràng buộc nào nhưng vào nhiều người cũng muốn dành những ngày đầu xuân để diện những trang phục truyền thống của dân tộc, vừa mang đúng tinh thần của Tết cổ truyền vừa góp phần tôn vinh bản sắc Việt Nam. 

Miền Bắc

Áo tứ thân mang nhiều ý nghĩa sâu sắc về người phụ nữ

Người phụ nữ miền Bắc thuở xưa sẽ chọn diện áo tứ thân vào ngày Tết. Đây là trang phục có truуền thống lâu đời, có thiết kế mang nhiều ngụ ý tốt đẹp, tượng trưng cho những đức tính cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Vạt cụt nằm ở trong hai ᴠạt áo thể hiện cho sự che chở của bậc phụ mẫu, 5 chiếc cúc được đính cân xứng trên áo thể hiện cho 5 đức tính tốt đẹp của con người là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. 2 ᴠạt áo đằng trước được buộc lại thể hiện cho tình cảm ᴠợ chồng luôn gắn bó, bền chặt keo sơn.

Trong ngày Tết, áo tứ thân được nhiều người chọn mặc để tôn vinh nét đẹp dân tộc và mang lại may mắn cho năm mới. Áo tứ thân cũng là một biểu tượng của sự nữ tính, duyên dáng và thanh lịch của phụ nữ Việt Nam.

Miền Trung

Tà áo dài duyên dáng của người phụ nữ Huế

Áo dài là trang phục gắn liền với Tết cổ truyền Việt Nam. Cứ hễ đến ngày Tết là trong nhà, ngoài phố nơi đâu cũng phấp phới những tà áo dài. Bên cạnh đó, áo dài ᴠới màu ѕắc tím được xem là tượng trưng cho người con gái xứ Huế, biểu tượng cho ѕự thủy chung, dịu dàng và kín đáo. Chính bởi văn hóa của vùng đất, mà hễ khi người con gái miền Trung diện tà áo dài thì lại mang cho ta cảm giác thướt tha, thùy mị, đoan trang và đầy tình thơ.

Miền Nam

Áo bà ba mang đến nét đẹp miệt vườn của miền Nam

Áo bà ba là một loại trang phục Tết cổ truyền Việt Nam, đặc biệt là ở miền Nam. Áo bà ba gồm một chiếc áo dài tay, một chiếc quần lửng và một chiếc khăn rằn. Áo bà ba thường được may bằng vải lụa hoặc vải gấm, có nhiều màu sắc khác nhau, nhưng phổ biến nhất là màu đen hoặc trắng.

Áo bà ba vào ngày Tết có ý nghĩa đặc biệt, vì nó thể hiện sự kính trọng và gắn bó với truyền thống dân tộc. Ngoài ra, áo bà ba cũng mang lại sự thoải mái và tiện lợi cho người mặc khi đi chơi hay thăm họ hàng trong dịp Tết.

TSTtourist hy vọng qua bài viết, bạn sẽ có thêm nhiều thông tin thú vị về phong tục cũng như trang phục Tết cổ truyền Việt Nam ở 3 miền. Qua đó, bạn có thể cùng gia đình chuẩn bị những điều cần thiết để đón một mùa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trọn vẹn.