Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Bao đời nay, cây sen mang đến cho người nông dân tỉnh Đồng Tháp nhiều giá trị về mặt nông nghiệp. Ngày nay, sen là sản phẩm tạo dựng thương hiệu du lịch Đồng Tháp, góp phần thu hút hàng triệu khách du lịch đến với vùng đất này.
“Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Hai câu thơ của nhà thơ Bảo Định Giang đã gợi nên hình ảnh quê hương Đồng Tháp.
Năm 2014, một mô hình du lịch cộng đồng “Đồng sen Tháp Mười” được ra mắt trong sự bất ngờ của du khách gần xa. “Đồng sen Tháp Mười” nằm kề bên rặng tràm xanh bạt ngàn của Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp, tọa lạc ở huyện Tháp Mười. Tại đây có bảy hộ dân đang khai thác loại hình du lịch trải nghiệm như: chèo xuồng ngắm cảnh đồng sen, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê... thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
Sự xuất hiện của mô hình này đã tạo điểm sáng cho ngành du lịch ở Đồng Tháp. Từ đây, nhiều địa phương trong tỉnh đầu tư hơn cho du lịch, xuất hiện nhiều sản phẩm du lịch mới, đổi mới cung cách phục vụ. Đến nay, Đồng Tháp đã có 16 điểm du lịch cộng đồng có trồng sen với diện tích vừa và lớn.
Những ngày này, nhiều cánh đồng sen ở Đồng Tháp nở rộ. “Năm nào tôi cũng đến tham quan đồng sen Tháp Mười”, chị Võ Thị Minh, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.
Vùng trồng sen kết hợp nuôi cá làm du lịch cộng đồng của ông Huỳnh Văn Dũng, ngụ ấp 3,xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười là điểm tham quan mới nhất tại tỉnh Đồng Tháp. Ông Dũng cho biết, lúc đầu các bạn trẻ thấy đồng sen trổ nhiều nên vào chụp hình, khen đồng sen quá đẹp và gợi ý gia đình ông làm du lịch. Từ đó, ông mạnh dạn mở điểm tham quan đồng sen, hằng ngày đều có du khách tìm đến.
Tỉnh đã nhanh chóng “bắt nhịp” xây dựng thương hiệu cho địa phương từ hình ảnh sen. Năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp phê duyệt đề án “Tạo dựng hình ảnh Đồng Tháp”. Nhiệm vụ đầu tiên của Đề án đưa ra là xây dựng thương hiệu “Đất sen hồng” với biểu tượng vui “Bé Sen” để đưa vào hệ thống nhận diện hình ảnh Đồng Tháp; về lĩnh vực phát triển du lịch đến năm 2020 theo hướng “sinh thái, văn hóa cộng đồng và tâm linh”, du lịch Đồng Tháp mang đến không gian sen thư giãn, trong lành với khẩu hiệu “Đồng Tháp-Thuần khiết như hồn sen”. Nhãn hiệu chứng nhận “Sen Tháp Mười” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy bảo hộ; được xem là đòn bẩy mở ra hướng đi mới cho cây sen của tỉnh.
Tỉnh Đồng Tháp hiện có hơn 870 ha diện tích trồng sen. Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có hơn 220 sản phẩm từ sen. Từ khi triển khai đề án phát triển du lịch, tỉnh Đồng Tháp đã chú trọng xây dựng thương hiệu du lịch “Đồng Tháp-Thuần khiết như hồn sen”, hình ảnh sen ngày càng được khẳng định và trở thành biểu tượng của tỉnh. Tháp Mười là huyện có nhiều tiềm năng và thế mạnh về kinh tế du lịch sen, từng bước xây dựng được hình ảnh “Vương quốc sen và văn hóa tâm linh” nhờ kết hợp khai thác các yếu tố văn hóa truyền thống thời khẩn hoang, tâm linh và sen. Mỗi năm, huyện có gần 250ha trồng sen.
Cây sen ở Đồng Tháp không chỉ được trồng để bán gương, ngó mà còn được đa dạng hóa sản phẩm như tinh dầu sen, tơ sen... Các dịch vụ ngắm cảnh đồng sen, thưởng thức ẩm thực từ sen đã góp phần tạo chuỗi giá trị kinh tế cao. Những năm gần đây, Đồng Tháp cung cấp thêm nhiều sản phẩm từ sen gồm: sen sấy, trà tim sen, sữa sen, bột đậu nành hạt sen, bột đậu xanh hạt sen,…
Chị Hồ Thị Diễm Thúy, chủ cơ sở sữa sen Diễm Thúy 2, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã gắn bó với cây sen. Sắp tới, tôi muốn giới thiệu một đặc sản sen Tháp Mười đến du khách đó là sữa sen với mùi vị đặc trưng chỉ có ở Tháp Mười”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, hầu hết mô hình trên cây sen hiện nay đều kết hợp với phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm. Các hoạt động du lịch kết hợp này giúp tăng thêm lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/ha/năm với chi phí đầu tư thêm không đáng kể. Các mô hình chuyên canh, luân canh kết hợp du lịch sen đã tạo ra việc làm ổn định cho người dân. Không chỉ giúp cải thiện sinh kế, sen còn đem lại một “nguồn thu nhập tinh thần” cho khách du lịch và cả người dân tại vùng.
Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang, giảng viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn-Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tỉnh Đồng Tháp đã làm tốt thương hiệu về cây sen cũng như phát huy tốt giá trị về sen gắn với du lịch. Thời gian tới tỉnh cần phát triển vùng nguyên liệu để khẳng định vị thế Đồng Tháp đang có. Tỉnh cần tăng cường hợp tác, liên kết vùng và liên kết bốn nhà, kết hợp phát triển các loại hình du lịch-dịch vụ, hướng đến mục tiêu sản xuất bền vững.
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đề ra giải pháp gắn sản xuất sen với phát triển văn hóa, du lịch. Tỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu sen dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân; phát triển sản phẩm OCOP từ nguyên liệu sen gắn với xây dựng vùng nguyên liệu được cấp mã số vùng trồng, định hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, quản lý tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo đảm an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, góp phần bảo tồn thiên nhiên, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường.
Đến năm 2025, Đồng Tháp đầu tư phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sen tập trung theo chuỗi giá trị với tổng diện tích thực hiện ước đạt 1.400 ha, phát triển thêm 60 sản phẩm chế biến từ sen được xếp hạng OCOP cấp tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa bày tỏ: “Tỉnh đã có những chính sách để phát triển các cánh đồng sen lớn hơn, vừa để thúc đẩy du lịch, vừa tạo nguồn nguyên liệu hình thành chuỗi ngành hàng sen. Chúng tôi sẽ truyền đi thông điệp, tinh thần thuần khiết như hồn sen của tỉnh Đồng Tháp đến với tất cả bạn bè trong và ngoài nước, với mong muốn phát triển du lịch cũng như thu hút các nhà đầu tư đến với Đồng Tháp”.
(Nguồn: HỮU NGHĨA, Nhân Dân, Thứ Bảy, 28-05-2022, 05:36)