Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Từ ngày mở làng, người dân đã gắn bó với con thuyền thúng, sống bằng nghề đánh bắt hải sản gần bờ, đi về trong ngày, gọi là “đi lộng”. Người đi lộng là những ngư dân nghèo không đủ tiền tậu tàu lớn hoặc đã mỏi mệt sau nhiều năm ăn sóng nói gió.
Từ ngày mở làng biển Thanh Thủy (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đến nay, nhiều người dân trong làng vẫn sống bằng nghề đi lộng. Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khu dân cư Hải Hòa, cho biết, làng biển này nằm ở bãi ngang ven biển nên ngư dân không sắm thuyền to, máy lớn để đi ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, nhiều ngư dân hành nghề câu đi thúng. Xóm có 50 thúng máy, 6 chiếc ghe và 120 thúng bơi, chủ yếu đánh bắt quanh vùng biển hẹp, xa nhất là tới đảo Lý Sơn.
Anh Nguyễn Văn Hải, một trong số nhiều ngư dân ở Thanh Thủy, vẫn theo nghề lưới trủ của tổ tiên truyền lại từ hơn 300 năm trước. Chỉ khác, anh nhỉnh hơn ngư dân trong làng là vay được mấy triệu đồng sắm cái thuyền máy, không phải chèo tay. Chiếc thuyền gỗ 20CV của anh đủ sức đương đầu với mấy con sóng cách bờ vài hải lý, nhưng anh chưa bao giờ đi biển xa như thế, chỉ dám bám lộng. Anh Hải cho biết, thời gian này biển êm nên chuyến nào đi biển cũng trúng, mỗi lần đi từ 1-2 hôm cũng được vài trăm nghìn đồng, hôm nào trúng thì được cả triệu bạc. So với năm ngoái, năm nay “trúng” hơn nhiều.
Nghề đi lộng cũng là cái nôi cho những đứa trẻ miền biển chập chững vào nghề rẽ sóng mưu sinh, chuẩn bị cho mai này vươn mình với gió, với sóng nước biển khơi. Khi trời còn nhọ mặt người, anh Phạm Văn Thạnh bắt đầu một chuyến đi lộng cách làng khoảng 2 hải lý. Con thuyền ì ạch vượt sóng rồi dừng lại giăng lưới. Theo kinh nghiệm 34 năm đi biển của anh, hễ gặp phải dòng nước lạnh là cá, mực dạt đi hết. “Nghề lộng là như vậy đó! Trời thương mà cho thì có, không cho thì dù thả lưới, giăng câu, đánh đèn chỉ cách nhau mấy sải tay thôi nhưng có người được bạc triệu, có người về không!”, bằng cái giọng đặc sệt của dân miền biển quen ăn sóng nói gió, anh Thạnh nói át cả tiếng gió và tiếng sóng biển ầm ào. Vợ và cô con gái nhỏ của anh đã đợi sẵn khi thuyền cập bờ cát, thoăn thoắt gỡ lưới. Ốc gai và mực lá đem nhập cho mấy quán nhậu ở gần đó, trừ tiền này nọ cũng đủ chợ búa trong ngày. Có ngày may mắn, anh Thạnh kiếm được trên dưới 1 triệu đồng, bù lại những ngày thất bát có khi không thu được gì.
Với những người đi lộng ở vùng biển này, những ngày bình thường cứ tầm 3-4 giờ ra khơi, đến 7 giờ thì về. Còn những ngày biển êm, ngư dân còn ra khơi chuyến 15 giờ, đến khoảng 7-8 giờ hôm sau về lại bến. Mỗi lần ra khơi, ngư dân có thu nhập 200-400 nghìn đồng. Hôm nào “trúng” thu được một vài triệu đồng.
Mùa này, chiều chiều trên con nước thanh bình, những người đi lộng ở Thanh Thủy lại khiêng lưới xuống thuyền, ra biển. Họ chạy thuyền cách bờ không xa, thả lưới xuống. Có những thuyền chỉ chạy cách bờ vài trăm mét, người trên bờ thu lưới với 2 hàng dây, đứng chéo nhau, già có, trẻ có. Mọi người hô hầy, kéo lưới. Những người trên bờ thu lưới lên, phía trong có chừng 50kg cá các loại, chủ yếu là cá nhỏ, ít mực, ít cá hố, ít cá đuối, còn lại cá trích, được mua hết sạch, bán trong làng.
Mấy năm trở lại đây, khi giá hải sản tươi sống tăng lên vì các dịch vụ du lịch phát triển, cũng nhờ làng gần phố, nên không còn cảnh một gánh cá chỉ đổi được một cân gạo như trước nữa. Nhưng trớ trêu thay, đây cũng là lúc biển không còn hào phóng với nghề đi lộng nữa. Một phần vì sự phổ biến của loại lưới mắt nhỏ đánh bắt theo kiểu tận diệt nên thủy sản cũng dần cạn kiệt. Thế nên, người đi lộng cứ mãi sống trong cảnh có làm mới có ăn, không làm thì hết gạo. Ai tằn tiện, cố gắng lắm thì có thể dựng được căn nhà nhỏ, mua được cái xe máy, tivi, ai kém hơn chỉ đủ tiền đong gạo nuôi con.
Cuộc sống người đi lộng vẫn là những vòng quay bất tận với công việc của đàn ông, sáng ra biển, trưa về nhà hoặc ngược lại, đàn bà sáng nấu cơm, trưa bán cá, mua gạo, chiều đan lưới, còn lũ trẻ con thỏa sức chơi đùa với những con còng gió, dã tràng trên mép nước. Chẳng thế mà một lão ngư đã chua chát thốt lên: “Đời đi lộng cực nhọc lắm! Biển chỉ động vài bữa là đói treo mỏ!”.
Con chữ của lũ trẻ vì thế cũng phập phồng theo mỗi chuyến đi biển của cha. Mấy năm trước, trai tráng trong làng có những cuộc “Nam tiến”, nhưng đồng lương công nhân ở các khu công nghiệp eo hẹp, nên họ lại trở về làng, bám lấy những tay lưới, lặn ngụp với những con sóng trước nhà. Cũng có người nuôi hoài bão cùng các chủ tàu lớn đi đánh cá ngoài khơi dài ngày, nhưng người làng lộng luôn tâm niệm rằng, nghề đi lộng tuy không giàu có nhưng ít hiểm nguy hơn, còn nghề đi khơi tuy biển cả hào phóng, nhưng cũng hung hãn vô ngần.
Thế nên, nhiều lão ngư làng lộng Thanh Thủy đã nhiều lần khước từ lời mời ra khơi của các chủ tàu lớn, dù công xá khá cao, để chuyên với nghề đi lộng. Cứ thế, chẳng ai biết phải trả lời thế nào khi được hỏi có muốn con nối nghiệp đi lộng không, bởi những đứa con trai mới vừa kịp lớn lên đã có thể quăng chài khéo léo và dẻo dai hơn bố, con gái thì đan, vá lưới thoăn thoắt chẳng kém gì mẹ...
Ngày qua ngày, vòng quay đời đi lộng không ngừng nghỉ với những may - rủi khó biết trước.
(Nguồn: Tiêu Dao, PetroTimes, Thứ năm, 12/08/2021 (GMT+7))