Englishen

Các nước trên thế giới đón năm mới như thế nào?

Thứ bảy, 02/12/2023, 09:41 GMT+7

Chỉ chưa đầy một tháng nữa, không khí đón năm mới sẽ tràn ngập trên khắp thế giới. Đón năm mới chắc hẳn là thời khắc mà tất cả các quốc gia đang mong chờ. Giây phút chuyển giao từ năm cũ sang mới là khoảnh khắc thiêng liêng, xúc động trong lòng mỗi người. Từng châu lục, quốc gia hay dân tộc sẽ có những ngày Tết mang đậm chất riêng, với chung ý nghĩa cầu chúc cho một năm mới bình an, may mắn và hạnh phúc. Không cần đi đâu xa, ngay trong bài viết này, TSTtourist sẽ mang bạn đi khắp năm châu đón năm mới và tìm hiểu về những phong tục đón năm mới “lạ kỳ” trên thế giới nhé!

Đi khắp năm châu đón năm mới

Không khí chào đón năm mới trên khắp thế giới

Hòa trong không khí đón năm mới ngập tràn màu sắc trên khắp thế giới là cách chào mừng riêng biệt của từng châu lục. Cùng tìm hiểu ngay.

Châu Âu

Các nước Châu Âu đón năm mới vào ngày 1 tháng 1. Khoảnh khắc giao thừa là thời điểm sum vầy cùng gia đình và bạn bè. Ngoài gửi đến nhau những lời chúc năm mới tốt lành, hạnh phúc, họ còn tổ chức ăn uống, vui chơi, trò chuyện để thời khắc chuyển giao thêm trọn vẹn cảm xúc

Người dân Châu Âu đổ ra đường đón năm mới

Một số khác sẽ đổ ra đường, tập trung ở các quảng trường lớn để gặp gỡ, uống bia, trao đến nhau câu “Chúc mừng năm mới”, ôn lại những kỷ niệm đã qua và đón năm mới may mắn, nhiều niềm vui hơn. 

Vào đêm giao thừa ở một số nước như Pháp, Thụy Điển, Cộng hòa Séc,... có hoạt động bắn pháo hoa, người dân vui vẻ nhảy múa, hân hoan đón chào năm mới.

Châu Á

Ở Châu Á, tuy cũng có hoạt động đón năm mới theo Tết Dương lịch như các nước phương Tây nhưng Tết Âm lịch mới là lễ mừng năm mới chính thức. Họ thường đón năm mới bằng những sự kiện âm nhạc sôi động cùng các màn bắn pháo hoa rực rỡ. Mỗi nước có phong tục đón năm mới riêng biệt nhưng đều có chung ý nghĩa cầu chúc bình an, may mắn, hạnh phúc cho bản thân, gia đình và bạn bè.

Trước khi đến Tết, hoạt động buôn bán diễn ra sôi nổi. Người người đổ xô đi mua sắm những vật dụng cần thiết để trang trí, trên khắp các con đường là ánh đèn rực rỡ đầy màu sắc, nơi nơi đua nhau làm mô hình con vật biểu trưng cho năm tới.

Bữa ăn đoàn tụ với những món ăn truyền thống là rất quan trọng trong dịp năm mới. Đây là thời gian những thành viên trong gia đình sum họp lại với nhau và cùng chào đón năm mới. 

Mừng tuổi đầu năm

Phong tục mừng tuổi cho trẻ em là hoạt động đón năm mới có ở mọi nước trên thế giới nếu đón Tết Âm lịch. Người lớn lì xì cho con cháu trong những phong bao màu đỏ để lấy may và để nhận thì trẻ con phải chúc lại bằng những lời hay ý đẹp. Tiếng cười của trẻ nhỏ mang đến niềm vui cho gia đình và thể hiện sự quây quần, hạnh phúc, ấm no trong những ngày đầu năm mới.

Châu Úc

Châu Úc là một trong những nơi đón năm mới sớm nhất trên thế giới do nằm ở Bán cầu Nam của Trái Đất. Người dân các nước tập trung đến bến cảng, trung tâm để chào đón năm mới và xem những màn bắn pháo hoa rực rỡ. Bên cạnh đó, nhiều người sẽ ở nhà tổ chức bữa tiệc đặc biệt hoặc tiệc nướng BBQ cho riêng mình.

Giao thừa đến sớm tại Châu Úc

Vào đêm giao thừa, nhiều thành phố lớn có các sự kiện như diễu hành, âm nhạc và giải trí, trong đó có sự góp mặt của nhiều người nổi tiếng với vị trí khách mời hoặc chủ trì. Khi thời khắc giao thừa diễn ra, mọi người thường bắt tay, ôm, hôn để thể hiện niềm vui.

Châu Mỹ

Là nơi cuối cùng chào đón năm mới trên địa cầu, đêm giao thừa, người dân châu lục này có phong tục quây quần bên gia đình, người thân, bạn bè và mở tivi lên để chờ hồi chuông báo hiệu 0 giờ. Ở một số thành phố, các cuộc diễu hành đặc biệt được diễn ra.

Quả cầu pha lê rơi trên Quảng trường Thời Đại

Tại Mỹ vào đêm 31/12, hàng ngàn người tập trung ở Quảng trường Thời Đại (Times Square). Họ đứng sát bên nhau đón chờ khoảnh khắc đầu tiên của năm mới. Khi mọi người cùng hô to đến giây cuối cũng là lúc một quả cầu thuỷ tinh đẹp lung linh, chứa hàng ngàn mảnh hoa giấy tượng trưng cho những vì sao rơi xuống. Lúc quả cầu chạm đất là thời khắc mọi người hô vang câu: “Happy New Year!” và đồng thanh cất lên những giai điệu tuyệt vời của bài hát truyền thống “Auld Lang Syne”.

Châu Phi

Ở Châu Phi, năm mới được tổ chức vào ngày 1/1, đây là ngày nghỉ lễ của tất cả mọi người. Hầu hết các nước vào đêm giao thừa sẽ tổ chức một bữa tiệc lớn với nhiều đồ ăn, thức uống truyền thống và cùng nhau nhảy múa, ca hát cho đến tận sáng sớm. “Chúc mừng năm mới” được hét lên trong khoảnh khắc giao thừa diễn ra và bắn pháo hoa để đánh dấu sự khởi đầu mới.

Vào ngày đầu năm mới, mọi người đều mặc bộ quần áo đẹp nhất để đi thăm gia đình, bạn bè, sau đó trao cho nhau những món quà tặng. Một số người theo tôn giáo thì sẽ đến các nhà thờ để cầu nguyện.

Độc đáo những phong tục đón năm mới trên thế giới

Cùng TSTtourist điểm qua các quốc gia có phong tục đón năm mới được xem là “độc lạ” nhất trên thế giới:

Ăn 12 quả nho vào đêm giao thừa ở Tây Ban Nha

  • Ăn 12 quả nho vào đêm giao thừa: Phong tục này xuất phát từ những người trồng nho năm 1909, khi đất nước có một mùa bội thu. Vào lúc đồng hồ điểm 12h, mỗi tiếng chuông vang lên, người dân Tây Ban Nha sẽ ăn 1 quả nho với hy vọng điều này mang lại sự thịnh vượng và bình an. Tương truyền rằng, ai có thể ăn hết 12 quả nho kịp với 12 tiếng chuông là người có một năm mới vô cùng hạnh phúc và may mắn.
  • Đập bể đĩa: Vào đêm ngày 31/12, người dân Đan Mạch có truyền thống mang những chiếc đĩa đã cũ của mình đập vỡ trước cửa nhà bất kỳ ai thân quen với mong muốn xua đuổi đi điềm xấu, xui rủi trong năm cũ. Người ta tin rằng, nhà nào có nhiều đĩa vỡ trước cửa thì năm mới sẽ càng may mắn. Hiện nay, phong tục đón năm mới này không còn được thực hiện nhiều như trước.
  • Ném đồ cũ ra ngoài cửa sổ: Người dân của đất nước hình chiếc ủng đón năm mới bằng cách ném đồ với mong muốn cái cũ đi, cái mới sẽ đến, vứt đi hết sự xui xẻo của năm vừa qua, chào đón một năm mới với thật nhiều may mắn, hạnh phúc, sung túc và thành công.

Bói duyên bằng gà trống

  • Bói duyên bằng gà trống: Ở Belarus, trong lễ mừng năm mới, có một trò chơi đặc biệt chỉ dành cho những người con gái còn độc thân để đoán xem ai trong số đó là người tiếp theo sẽ kết hôn. Họ sẽ cùng nhau xếp hàng và trước chỗ đứng có đặt đống ngô nhỏ, sau đó một con gà được thả ra, mổ vào bắp của ai thì người đó sẽ kết hôn vào năm sau.
  • Treo củ hành: Để chào đón năm mới, người dân Hy Lạp có phong tục treo trước cửa nhà chính một củ hành tây. Không chỉ là thực phẩm thiết yếu trong nhà bếp, mà nó còn biểu trưng cho sự tái sinh nhờ vào khả năng tự nảy mầm. Vào buổi sáng đầu tiên của năm mới, bố mẹ sẽ gọi các con của mình thức giấc bằng cách dùng củ hành này gõ nhẹ lên đầu chúng.
  • Đốt hình nộm: Phong tục này ở Ecuador được cho là bắt đầu từ cuối thế kỉ 19. Các gia đình ở gần nhau sẽ cùng làm một hình nộm, đến giao thừa, mọi người châm lửa đốt với mong muốn thiêu rụi những vận xấu, xui rủi trong suốt 12 tháng qua để đón một năm mới may mắn, thuận lợi hơn.

Đón năm mới ở nghĩa trang

  • Đón năm mới ở nghĩa trang: Không giống với các nước trên thế giới đón năm mới là để cầu may mắn, người dân Chile xem đây là dịp gia đình đoàn tụ và cùng nhau tưởng nhớ về người thân đã khuất. Phong tục này chỉ mới xuất hiện cách đây 15 năm nhưng được rất nhiều sự hưởng ứng.
  • Ăn 7 bữa 1 ngày: Đây là phong tục vô cùng mới lạ để thể hiện cho sự no đủ vào năm mới của người dân Estonia. Họ tin rằng, nếu đàn ông ăn đủ 7 bữa vào ngày đầu năm thì sẽ có sức khoẻ như 7 người cộng lại trong năm tới.

Phong tục đổ chì “tiên tri” của người dân Đức

  • Đổ chì: Phong tục đón năm mới độc đáo này gọi là Bleigiessen. Mỗi người Đức nung chảy mẩu chì nhỏ trên lửa của ngọn nến, sau đó cho nó vào thùng nước lạnh, hình dạng tạo thành được cho là tiết lộ số phận của người đó trong năm tới.
  • Câu cá trên băng: Đây là hoạt động yêu thích của hầu hết người dân Canada trong dịp đón năm mới. Các gia đình, hội nhóm sẽ cùng nhau dựng lều, câu cá, nấu nướng và thưởng thức thành quả ngay tại chỗ, bên cạnh những người thân, bạn bè như một cách chào mừng.

“Cosplay con vật” độc đáo ở Romania

  • Hóa thân thành con vật: Theo truyền thống của đất nước Romania, mọi người ăn mặc như gấu, dê hoặc các động vật khác đi dạo quanh khu phố của họ, ghé thăm những người hàng xóm để lan truyền sự may mắn và nhảy múa khắp các đường phố để xua đuổi tà ma.
  • Té nước: Người dân Myanmar đón năm mới bằng lễ hội nước Thingyan vào giữa tháng 4. Mọi nơi trên đường đâu cũng là hình ảnh người người ướt sũng, họ té nước vào nhau với ý nghĩa rửa trôi đi tội lỗi, xui xẻo của năm cũ và sẵn sàng đón nhận những may mắn sắp tới.

Ở khắp muôn nơi, đón năm mới luôn là hoạt động không thể thiếu và có ý nghĩa đặc biệt trong lòng mỗi người. Sau một năm làm việc chăm chỉ và vất vả, Tết là khoảng thời gian bỏ lại những bộn bề, lo âu của cuộc sống để nhìn nhận lại, tận hưởng không khí ấm áp, hạnh phúc bên gia đình và những người thân yêu.