Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Những quốc gia khác nhau có phong tục đón Tết Đoan Ngọ không giống nhau. Với người Trung Quốc, Tết Đoan Ngọ còn là một ngày nghỉ lễ trong năm theo quy định của Chính phủ. Đây cũng là 1 trong 4 lễ hội truyền thống của đất nước tỷ dân. Tại Việt Nam, mâm cúng Tết Đoan Ngọ miền Bắc cũng có nhiều khác biệt so với miền Trung và Nam. Cùng tìm hiểu “tất tần tật” về ngày Tết Đoan Ngọ với những thông tin chi tiết dưới đây.
Mùng 5 tháng 5 Âm lịch được nhiều quốc gia châu Á chọn làm mốc cho ngày Tết Đoan Ngọ - Nguồn ảnh: Báo Tuổi Trẻ
Tết Đoan Ngọ ngày mấy hẳn là thắc mắc của không ít người khi bàn về ngày Tết Đoan Ngọ. Tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia châu Á đón ngày Tết Đoan Ngọ, họ đều lấy ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch làm mốc.
Ở Việt Nam, ngày này còn gọi là Tết giữa năm hay Tết Đoan Dương. “Đoan” có nghĩa là mở đầu, còn “Ngọ” là khoảng thời gian từ 11 sáng đến 1 giờ chiều, tức giữa trưa - khí dương. Đoan Ngọ hay Đoan Dương mang nghĩa là bắt đầu khi khí dương đang thịnh.
Tương truyền, vào một mùa thu hoạch nọ, nông dân đang vui mừng vì trúng mùa thì sâu bọ kéo đến dày đặc, ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Họ đau đầu không biết làm cách nào để giải được nạn sâu bọ này, bỗng có một ông lão xuất hiện tự xưng là Đôi Truân. Ông hướng dẫn người dân mỗi nhà lập một đàn cúng gồm bánh tro, trái cây, sau đó ra trước sân nhà để vận động thể dục. Dân chúng làm theo và chỉ một lúc sau, lũ lượt từng đàn sâu bọ té ngã rã rượi. Ông còn bảo thêm: "Vào ngày này sâu bọ rất hung hăng. Do vậy, vào ngày này giờ này hàng năm, cứ làm theo những gì ta dặn thì sẽ trị được chúng". Nói xong ông lão liền biến mất.
Để ghi nhớ ngày này, dân chúng đặt tên là Tết diệt sâu bọ cho dễ hiểu, hoặc Tết Đoan Ngọ vì giờ cúng thường diễn ra vào giữa trưa, ngay giờ Ngọ.
Tết Đoan Ngọ ăn gì là điều không phải ai cũng rõ, nhất là phân biệt được sự khác nhau giữa mâm cúng Tết Đoan Ngọ ở ba miền Bắc, Trung, Nam. Vào ngày này, cơm rượu và trái cây là 2 món không thể thiếu, góp mặt trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ của cả ba miền. Tuy nhiên, mỗi miền khác nhau lại có thêm những sự chuẩn bị khác nhau.
Người miền Bắc ăn bánh gio chấm mật mía vào ngày Tết Đoan Ngọ
Mâm cúng miền Bắc thường có dưa hấu, bánh gio (bánh tro). Khác với bánh ú nước tro của miền Nam, bánh gio miền Bắc không có nhân, chỉ có phần nếp dẻo mềm bọc trong lá chuối được hấp chín ăn cùng mật mía ngọt ngào. Bánh gio có tác dụng thanh nhiệt lợi tiểu, là món ăn đặc trưng của ngày Tết Đoan Ngọ miền Bắc.
Thịt vịt là món ăn không thể thiếu trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ ở miền Trung
Từ Thanh Hóa vào đến Huế, người dân thường nấu xôi ăn với thịt vịt vào Tết Đoan Ngọ. Đây là thời điểm tiết trời oi bức, thịt vịt có tính hàn sẽ giúp cơ thể cân bằng lại. Đặc biệt, đầu tháng 5 Âm lịch cũng là lúc các chú vịt béo ú, thịt ngon mềm và không bị hôi. Người dân mang chế biến thành nhiều món như vịt luộc, cháo vịt, canh măng vịt,...
Ngoài ra còn có chè kê béo bùi ăn cùng bánh tráng vừng thơm nức
Chè kê béo bùi, bổ dưỡng ăn cùng bánh tráng vừng cũng là món ăn phổ biến trong ngày Tết Đoan Ngọ miền Trung.
Ngoài cơm rượu và trái cây, mâm cúng Tết Đoan Ngọ miền Nam còn có sự góp mặt của bánh ú nước tro, bánh xèo hay chè trôi nước. Bánh ú được làm từ gạo nếp ngon ngâm qua đêm trong nước tro, bên trong là nhân đậu xanh béo bùi, mặn ngọt vừa vặn.
Chè trôi nước là món ăn thường thấy trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ miền Nam, bên cạnh bánh ú nước tro và cơm rượu
Chè trôi nước với từng viên tròn đầy đặn nấu ngập trong nước đường gừng là món ăn ấm nóng, giúp diệt trừ sâu bọ hiệu quả theo quan niệm của người miền Nam.
Bánh xèo là món ăn đặc trưng của ngày Tết Đoan Ngọ miền Tây, mang ý nghĩa gắn kết các thành viên gia đình
Với một bộ phận người dân miền Tây, bánh xèo là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ. Tại sao Tết Đoan Ngọ lại ăn bánh xèo ở miền Tây? Lý giải cho vấn đề này, soạn giả Nhâm Hùng - nhà nghiên cứu lịch sử miền Tây Nam Bộ chia sẻ với VNExpress rằng, bánh xèo là món ăn hội tụ, nhiều người làm và nhiều người ăn. Do đó, đổ bánh xèo ăn vào Tết giữa năm mang đến sự gắn kết, chia sẻ niềm vui giữa các thành viên trong gia đình.
Với cách chế biến cầu kỳ và là món ăn ngon, bánh xèo có thể ăn thay cơm, vừa no vừa lạ miệng. Đặc biệt, vào thời điểm mùng 5 tháng 5 Âm lịch, trời bắt đầu "sa mưa giông", kèm theo mưa lớn và sấm chớp báo hiệu mùa mưa sắp tới. Đây cũng là lúc cây cỏ tốt tươi, rau dại mọc nhiều, đủ loại như đọt xoài non, lá cách, lá cóc, đinh lăng, đọt bằng lăng... mơn mởn. Chỉ cần ra vườn hái vội là có ngay một mâm rau tươi xanh với đủ đầy hương vị mang cuốn bánh xèo, giúp mâm cơm giữa năm thêm đong đầy, gắn kết.
Dù là miền Bắc, Trung hay Nam, mâm cúng Tết Đoan Ngọ tuyệt nhiên không thể thiếu trái cây, cơm rượu
Mùng 5 tháng 5 là ngày sâu bọ hung hăng, phát triển mạnh không chỉ với mùa màng mà còn trong cả cơ thể người. Theo quan niệm dân gian, sâu bọ thường ngày ký sinh ở hệ tiêu hóa và không phải lúc nào chúng ta cũng có thể tiêu diệt.
Tết Đoan Ngọ là lúc chúng “ngoi lên”, chúng ta có thể tận dụng và loại bỏ bằng cách ăn những thức ăn có vị chua, cay, chát, trong đó nổi bật nhất là cơm rượu nếp.
Các loại trái cây có vị chua như mận, vải, xoài xanh,... cũng được dùng vào ngày này với hy vọng những sâu bọ, bệnh tật trong người có thể bị tiêu diệt tận gốc.
Nhiều quốc gia châu Á lân cận Việt Nam cũng có truyền thống đón Tết Đoan Ngọ. Riêng với Trung Quốc, đây là ngày lễ lớn, có nguồn gốc từ hơn 2.000 năm trước.
Đua thuyền là nét đẹp văn hóa trong ngày Tết Đoan Ngọ - một trong bốn lễ hội lớn nhất năm tại đất nước tỷ dân
Ngày Tết Đoan Ngọ Trung Quốc bắt nguồn từ một thi sĩ người nước Sở ở thời Chiến Quốc tên Khuất Nguyên. Ông là một người tài hoa, khi nghe tin nước Sở bị nhà Tần thôn tính, vì quá đau buồn mà nhảy sông tự vẫn. Để ngăn những con cá dưới sông đến gần thân xác Khuất Nguyên, người dân địa phương đã chèo thuyền ra giữa hồ và đổ gạo xuống sông cho cá ăn. Từ đó cứ đến ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch, người dân lại mang theo gạo để tế lễ Khuất Nguyên. Về sau, hoạt động này được gọi là Tết Đoan Ngọ tại Trung Quốc.
Ngoài Tết Đoan Ngọ, Trung Quốc còn có được biết đến những truyền thuyết dân gian khác. Khám phá những đường tour Trung Quốc tại: https://www.tsttourist.com/vn/du-lich-trung-quoc.html
Người Trung Quốc có phong tục treo tranh Chung Quỳ - vị thần diệt trừ yêu ma vào ngày Tết Đoan Ngọ
Vào ngày này, các gia đình Trung Quốc thường treo tranh Chung Quỳ - vị thần giáng yêu trừ ma trong dân gian, treo ngải cứu, cây kim tiền trước nhà và tổ chức đua thuyền rồng. Họ ăn bánh zongzi - loại bánh làm từ gạo nếp, thịt, đậu phộng, lòng đỏ trứng hoặc các loại nhân khác được gói trong lá sậy.
Người Nhật sẽ treo cờ cá Koi - cá chép
Trưng bày tượng Cậu bé Vàng Kintaro
Và ăn bánh gạo nếp để cầu mong sự bình an, khỏe mạnh cho các con của mình
Khác với Tết Đoan Ngọ Việt Nam, Tết Đoan Ngọ Nhật Bản (ngày 5 tháng 5 Dương lịch) là ngày cầu bình an, khỏe mạnh cho các em nhỏ. Mỗi nhà thường treo ít nhất 1 lá cờ cá Koi - cá chép. Theo truyền thuyết cá chép hóa rồng, các phụ huynh mong muốn con mình như cá chép vượt vũ môn, hóa thành rồng nơi trời cao. Trong nhà còn trưng bày búp bê Kintaro - cậu bé mặc áo yếm đỏ, cưỡi cá chép, tay cầm một cây búa to, đầu đội mũ giáp Samurai với sức mạnh phi thường, tương tự hình tượng Thánh Gióng ở Việt Nam.
Người dân cũng cho con ăn bánh dày mochi nhân đậu đỏ bọc lá sồi hoặc Chimaki - bánh gạo nếp bọc lá tre, với hy vọng con cái sẽ thành công trong cuộc sống như cây sồi, cây tre - 2 loài cây tượng trưng cho sự thành công, thịnh vượng của người Nhật.
Tự mình khám phá thêm nhiều nét văn hóa độc đáo của xứ sở mặt trời mọc tại: https://www.tsttourist.com/vn/nhat-ban
Người Hàn Quốc thì có truyền thống gội đầu bằng lá cây diên vĩ
Và thưởng thức bánh Suritteok hay Yaktteok vào ngày Tết giữa năm
Với quan niệm số 5 là biểu tượng của sức mạnh, sự cường tráng, người dân Hàn Quốc và Triều Tiên xem đây là dịp cầu nguyện cho mùa màng bội thu, không bị sâu bọ phá hoại.
Ngày Tết Đoan Ngọ Hàn Quốc được gọi là Dano, hay Surit-nal. Vào ngày này, người dân sẽ tổ chức cúng bái thần linh, hát ca, nhảy múa, ăn và uống rượu, thử sức với các trò chơi dân gian. Đặc biệt, phụ nữ sẽ gội đầu bằng lá cây diên vĩ, mặc trang phục truyền thống và sử dụng những chiếc kẹp tóc được nhuộm đỏ bằng lá cây diên vĩ. Với nam giới, họ sẽ quấn rễ cây xung quanh thắt lưng. Cây diên vĩ được cho là hiệu nghiệm trong việc xua đuổi tà ma và các linh hồn quỷ dữ.
Họ tham gia các trò chơi dân gian đặc sắc như đu quay, bập bênh, đấu vật và biểu diễn mặt nạ Ttal. Hai thức bánh đặc trưng cho ngày Tết Đoan Ngọ Hàn Quốc là Suritteok và Yaktteok, làm từ gạo nếp, lá cây và các loại hạt.
Các hoạt động truyền thống trong ngày này được tổ chức ở thành phố Gangneung vùng Gangwon-do còn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.
Hàn Quốc tuyệt đẹp với nhiều món ăn hấp dẫn đang chờ bạn khám phá tại: https://www.tsttourist.com/vn/du-lich-han-quoc.html
Tham khảo thêm nhiều thông tin thú vị khác về các quốc gia Đông Bắc Á: https://www.tsttourist.com/vn/dong-bac-a.html
Người dân Malaysia và Singapore có món bánh đặc trưng cho ngày Tết Đoan Ngọ tương đồng với một bộ phận người Hoa Việt Nam - bánh bá trạng
Người dân Malaysia, Singapore và một bộ phận người Hoa ở Việt Nam có truyền thống làm bánh bak chang (bánh bá trạng) - một loại bánh ú với phần nhân mặn hấp dẫn như thịt lợn, hạt sen, nấm, tôm khô, đậu xanh, trứng bắc thảo,... được gói trong lá tre và mang hấp chín.
Mỗi đất nước, mỗi vùng miền sẽ có một cách đón Tết Đoan Ngọ khác nhau, nhưng tựu trung với ý nghĩa xuyên suốt là cầu mong những điều tốt đẹp, thuận lợi đến với sức khỏe, mùa màng. Chính sự đa dạng đã mang đến vẻ đẹp muôn màu cho ngày mùng 5 tháng 5 trên khắp châu Á, nêu cao tinh thần lao động sáng ngời của người dân cũng như gắn kết tình yêu thương, sự san sẻ của mọi người, mọi nhà.
Nguồn: TSTtourist (Tổng hợp)