"Hà Nội mùa này, vắng những cơn mưa
Cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh.
Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp.
Đường Cổ Ngư xưa, chầm chậm bước ta về!"
Tôi đến Hà Nội một ngày thu chừng 5 năm trước. Cảm giác của một con nhỏ miền Nam lần đầu đặt chân đến thủ đô, bỡ ngỡ, lạ lẫm, mắt tròn, mắt dẹt như một người nhà quê lần đầu lên tỉnh.
Tôi có người bạn sống ở đây nên được chị ấy chăm lo chỗ ăn chỗ ở, mọi thứ và còn được chở đi chơi khắp phố phường
Ấn tượng đầu tiên của tôi với Hà thành là "Hà Nội không vội được đâu", từ từ mà trải nghiệm vì Hà Nội có nhiều điều hay ho lắm.
Ngày còn nhỏ, tôi thường ê a đoạn văn trong sách giáo khoa: "Nhà tôi ở Hà Nội cách Hồ Gươm không xa. Từ trên cao nhìn xuống, mặt hồ như một chiếc gương bầu dục khổng lồ, sáng long lanh. Cầu Thê Húc màu son, cong như con tôm, dẫn vào đền Ngọc Sơn. Mái đền lấp ló bên gốc đa già, rễ lá xum xuê. Xa một chút là Tháp Rùa, tường rêu cổ kính. Tháp xây trên gò đất giữa hồ, cỏ mọc xanh um". Đoạn miêu tả chi tiết như một bức tranh ngay trước mắt tôi và tôi từng ước một ngày nào nào đó mình có thể chạm tay đến bức tranh này, lúc đó cảm thấy mình có một ước mơ thật xa xỉ, vì học ở trường làng, xung quanh là ruộng thì một chuyến du lịch xa là điều không thể. Vậy mà hôm nay, tôi đang đứng ở bờ Hồ Gươm, trước mặt tôi là Tháp Rùa (hay tên gọi khác là Tháp Bút), là đền Ngọc Sơn, là Cầu Thê Húc màu son, không thể tin được nhưng đúng là tôi không mơ, ước mơ đã thành sự thật. Đi dạo quanh Hồ Gươm một ngày thu với khí trời mát mẻ thật thích.
Ở Hà Nội thì khí hậu 4 mùa rõ rệt, mùa xuân ấm áp, mùa hè nắng cháy da, mùa thu mát mẻ chỉ khoảng vài tuần rồi thì mùa đông rét run ập tới, và với độ ẩm cao thì ở HN còn 1 mùa đặc trưng là mùa nồm, vào khoảng thời gian mùa xuân, những sàn nhà sát đất thường bị ẩm ướt dính dấp khó chịu, điều này được lý giải do nhiệt độ sàn nhà thấp hơn nhiệt độ không khí mà trong không khí có nhiều hơi nước sẽ xảy ra hiện tượng Nồm.
Điểm tiếp theo tôi được đến thăm là Văn Miếu, trường Quốc Tử Giám. Thường được gọi là Văn Miếu Quốc Tử Giám nhưng đây không phải là một công trình mà là một cụm 2 công trình liền kề với nhau, Văn Miếu thờ Khổng Tử được xây dựng vào năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông. Đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập thêm trường Quốc Tử Giám bên cạnh, là trường đại học dành riêng cho con vua và các gia đình quý tộc. Quần thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện nằm trong khuôn viên rộng hơn 5ha, gồm nhiều công trình kiến trúc nhỏ khác nhau. Trải qua nhiều lần trùng tu, quần thể di tích này bao gồm: Hồ Văn, Văn Miếu môn, Đại Trung môn, Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang, bia tiến sĩ, Đại Thành môn, nhà Thái Học. Và bạn sẽ bắt gặp biểu tượng Khuê Văn Các trên hầu hết những bảng tên đường ở khắp thủ đô này.
"Rủ nhau chơi khắp Long thành,
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai:
Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai,
Hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Hài, hàng Khay,
Mã Vĩ, hàng Điếu, hàng Giày,
Hàng Lờ, hàng Cót, hàng Mây, hàng Đàn,
Phố Mới, Phúc Kiến, hàng Than,
Hàng Mã, hàng Mắm, hàng Ngang, hàng Đồng,
Hàng Muối, hàng Nón, Cầu Đông,
Hàng Hòm, hàng Đậu, hàng Bông, hàng Bè,
Hàng Thúng, hàng Bát, hàng Tre,
Hàng Vôi, hàng Giấy, hàng The, hàng Gà,
Quanh đi đến phố hàng Da,
Trái xem đường phố, thật là cũng xinh.
Phồn hoa thứ nhất Long Thành,
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,
Bút hoa xin chép nên thơ lưu truyền"
Khu phố cổ với những gian nhà nhỏ xíu, cổ kính nhưng cũng là một nét đặc trưng của Hà Nội, những con đường đan xen nhau như bàn cờ, không phải tên phố gì sẽ bán món nấy, ngày nay hầu như họ bán đồ thời trang, lưu niệm phục vụ cho du khách là nhiều nhưng vẫn giữ đủ tên những "hàng phố" đặc trưng từ xưa.
Lượn quanh Hà Nội rồi cũng đói, những món ngon trứ danh Hà thành phải thử đáng kể tên như: món Phở đặc trưng xứ bắc thì phải xếp đầu bảng rồi, bún chả mà nổi tiếng là Bún Chả Obama, bún đậu mắm tôm mà kèm với đậu ráng non béo ngậy thì ngon hết sẩy, hay là phở cuốn ngũ xã, chả cá Lã Vọng, bún ngan.... với cái nết của mình thì mình thích những nơi nhẹ nhàng nên mình không có thử "bún chửi" nổi tiếng trên mạng xã hội.
Hà Nội vốn là đề tài, là nguồn cảm hứng vô tận cho thơ ca, họa sĩ hay nhiếp ảnh, từ cây hoa sưa, cây hoa sữa, Hà Nội 12 mùa hoa,... không thể trong 1 lúc mà có thể kể hết về Hà Nội
Hà Thành với lịch sử ngàn năm văn hiến, kinh đô Thăng Long một thời vàng son, đã khác hoạ trong tâm trí tôi một bức tranh tuyệt mỹ mang đậm màu sắc văn hoá, lịch sử.
Chắc chắn tôi sẽ trở lại Hà Nội một ngày không xa.
Yến Nhi - HDV TST tourist