Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Sau 40 năm kể từ khi bác sĩ Yersin phát hiện ra cao nguyên Langbiang 1893 và đề xuất cho nơi đây trở thành trung tâm nghỉ dưỡng, đặc biệt là sau giai đoạn sau 1930 Đà Lạt thật sự phát triển thành đô thị: các nhà máy điện, nhà ga, hệ thống giao thông, trường học... được hình thành cùng với sự xuất hiện của hàng trăm biệt thự sang trọng đầy đủ tiện nghi theo kiểu Châu Âu của các quan chức người Pháp và công chức người Việt.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố cũng như của người dân nơi đây, người Pháp và chính quyền sở tại đã cho di dân từ miền Bắc, miền Trung vào Đà Lạt lập ấp trồng rau để cung cấp rau xanh, sạch cho thành phố, đặc biệt là giới toàn quyền và quan chức vì ngày xưa muốn ăn rau xanh phải đợi trung chuyển rất lâu và không có kỹ thuật bảo quản nên lên tới nơi rau bị héo và dập.
Sau một thời gian chuẩn bị, nhóm cư dân gồm 35 người được đưa vào Đà Lạt bằng tàu hoả. Họ là những người khoẻ mạnh, thạo nghề làm vườn ở miền Bắc từ các làng như Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu, Vạn Phúc... Họ mang theo mình không chỉ gia sản mà còn mang theo những kinh nghiệm gắn bó ngàn đời với đất đai vườn ruộng. Và hơn hết, họ mang theo một khát vọng to lớn được xây dựng quê hương mới cho xứng tầm với quê hương cũ xa. Khu vực phường 8, Đà Lạt hôm nay, bên những sườn đồi thoải là nơi ấp Hà Đông được họ chọn lựa dừng chân. Hà Đông ra đời là làng rau đầu tiên ở Đà Lạt.
Cùng với kinh nghiệm nhiều đời trồng rau trồng hoa, những người ấp Hà Đông còn có tinh thần chịu thương chịu khó, hăng say lao động, khắc phục những khó khăn của vùng đất mới. Họ nhanh chóng khám phá ra những kinh nghiệm ứng phó với khí hậu lạnh giá ảnh hưởng tới vườn rau của họ: Lạnh quá thì họ đốt lửa sưởi cho vườn, sương giá thì tưới nước sớm rửa rau… Sau một thời gian không dài, những người dân mới đã thực sự làm chủ được những mảnh đất trên cao nguyên, cho những sản phẩm không những phục vụ trong gia đình mà cung cấp cho toàn thị xã Đà Lạt lúc ấy.
Ấp Hà Đông cũng là nơi phát triển của nghề trồng hoa nơi đây. Theo lời kể của người dân trong ấp thì người đầu tiên trồng hoa ở đây là ông Ngô Văn Bính, khi rời quê ông mang theo 2000 củ hoa lay ơn trồng thử, một điều kỳ lạ là hoa rất thích hợp thổ nhưỡng nơi đây, khí hậu tốt, nên hoa phát triển mạnh; từ đó họ mở rộng việc trồng hoa với một số giống hoa khác của các địa phương như hoa cúc đỏ, cúc chi, hoa hồng... Thời gian đầu hoa trồng để cung cấp cho giới công chức Pháp và triều đình Huế. Cũng trong thời gian này, người Pháp đã mang thêm các giống hoa nước ngoài về tại vườn của gia đình, nhờ vậy mà đến hôm nay Đà Lạt có thật nhiều giống hoa.
Đặc biệt từ 1998, bà con ở đây đã biết ứng dụng công nghệ nhà kính để trồng hoa và rau nhằm tăng năng xuất và chống sâu bệnh. Hiện nay ở Đà Lạt ngoài làng hoa đầu tiên trên đất núi là Ấp Hà Đông thì có rất nhiều làng hoa khác được hình thành nhằm cung cấp cho các vùng lân cận và thu hút khách du lịch đến đây vào mùa lễ hội Festival Hoa Đà Lạt 2 năm diễn ra một lần.
Đà Lạt trong tôi luôn tràn ngập hoa và sự thoải mái khi thả hồn nhìn những cành hoa ven đường khoe sắc, tại sao hoa có thể đẹp và vô tư đến thế nhỉ!!!
Kim Huệ - HDV TST tourist