Englishen

Hành trình leo núi lửa ở Gia Lai ngắm hoa dong riềng bung nở

Thứ năm, 30/08/2018, 09:44 GMT+7

Đường lên núi Chư Đăng Ya có nhiều thử thách nhưng lãng mạn nhờ những ruộng hoa đỏ rực.

Cách TP Pleiku khoảng 30 km về hướng Đông Bắc, núi lửa Chư Đăng Ya (tiếng J’rai nghĩa là củ gừng dại) là điểm đến mới nổi với khung cảnh thiên nhiên hoang sơ. Vào mùa mưa, hoa dong riềng trên núi bung nở rực rỡ. Tuy nhiên, đường lên đỉnh núi này là thử thách đối với du khách bởi sườn dốc 45 độ, khúc khuỷu và lầy lội, dễ trơn trượt.

Bù lại, suốt dọc đường men theo triền núi, du khách sẽ được ngắm những ruộng dong riềng trổ hoa đỏ thắm. Đây là một trong những vùng đất hiếm hoi trên cả nước và cũng là nơi duy nhất ở Tây Nguyên có thổ nhưỡng hợp với loại cây dài ngày này.

Hoa dong riềng bắt đầu nở vào tháng 7 và kéo dài đến khoảng tháng 10. Theo nông dân ở đây, dù không được tưới tiêu nhưng cây vẫn xanh tốt. Trong suốt mùa vụ, nông dân chỉ bón phân đúng 3 lần trước khi cây trổ hoa.

Dong riềng được trồng vào tháng 3 để tránh mùa mưa. Anh Lý Tiểu Sỹ (40 tuổi), nông dân có gần 20 năm kinh nghiệm, cho hay, giống cây này có hiệu quả kinh tế cao hơn so với khoai lang, có thời điểm giá là 20.000 đồng một kg.

Nhìn từ xa, núi lửa Chư Đăng Ya tựa như một chiếc bát úp. Nhưng leo lên đỉnh, bạn sẽ thấy miệng núi giống như một lòng chảo rộng lớn với những luống ruộng đều tăm tắp, trồng ngô, khoai, bí đỏ, dong riềng xen kẽ. 

Những luống khoai lang đều và uốn lượn mềm mại trong miệng núi lửa.
Trước mỗi mùa vụ, nông dân dùng bò đi trước để tạo luống; người sẽ theo sau để cắm những cây giống được chọn lựa từ mùa trước.

Vào những ngày khô ráo, người nông dân có thể dễ dàng mang xe máy đi làm dưới miệng núi lửa.

Mùa thu hoạch củ dong riềng thường diễn ra vào tháng 11 và 12. Đó là khi lá cây úa vàng, thân cây ngả xuống. Bà Nguyễn Thị Hải (46 tuổi), nông dân tại địa phương, cho biết, củ dong nằm chặt dưới lớp đất nên việc bới củ phải cần người khỏe mạnh. Thương lái thu mua củ dong để chế biến thành tinh bột làm miến.

Những ngày hửng nắng, đứng từ đỉnh Chư Đăng Ya, du khách có thể chiêm ngưỡng phong cảnh làng mạc hữu tình của xã Chư Jôr và xã Chư Đăng Ya với ruộng lúa, rẫy cà phê, những mái nhà rông, nhà gỗ của người J'rai.

Quanh ngọn núi lửa, du khách cũng dễ dàng bắt gặp những phiến đá nham thạch nằm rải rác trong những thửa ruộng hay những gốc cây cổ thụ còn sót lại của cánh rừng nguyên sinh xưa kia.

Trong thời gian nghỉ vụ dong riềng, nông dân sẽ trồng xen canh ngô, bí đỏ và khoai lang. "Nếu trồng 2 vụ liên tiếp, đất sẽ không chịu được, cây sẽ còi cọc. Cứ cách hai mùa mưa, chúng tôi mới quay lại trồng một mùa dong riềng", anh Lý Tiểu Sỹ giải thích.

Những người nông dân đến từ các tỉnh miền Trung và phía Bắc đã lập nghiệp ở đây hàng chục năm. Núi lửa Chư Đăng Ya ngừng hoạt động từ hàng triệu năm trước, để lại nơi đây là một vùng đất đỏ bazan màu mỡ, đem đến mùa màng bội th

Thành Nguyễn  - Bảo Uyên

(Theo Vnexpress, Thứ tư, 29/8/2018, 14:05 (GMT+7))