Từ quốc lộ 1, qua cầu Gián Khuất - hết đất Hà Nam là sang đất Ninh Bình, rẽ phải theo hướng đi Địch Lộng, là thấy đê Vân Long. Con đê có chiều dài hơn 30km, đi xuyên qua làng mạc và những cánh đồng, tới tận Nho Quan.
Nhờ tuyến đê dài phía tả ngạn sông Đáy hình thành từ năm 1965 này, vùng Vân Long thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình đã trở thành một vùng ngập nước rộng mênh mông, là khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ với hàng ngàn động, thực vật, thủy sinh, trong đó có loài linh trưởng voọc mông trắng đang có nguy cơ tuyệt chủng và những đảo đá cùng hang động tuyệt đẹp.
Thung Nắng - Ảnh: Trần Thùy Linh
Sắc màu kỳ lạ trong mưa
Cơn bão số 2 đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc trong đó có Ninh Bình, khi chúng tôi tới Vân Long. Nhưng, không nằm ngoài dự đoán - "trong rủi luôn có may" - vì mưa nhiều, nước lớn nên không vào được hang động, bù lại chúng tôi đã có được những trải nghiệm khó quên khi đi thuyền trong mưa thăm đầm sen và ngắm thảm thực vật chìm trong nước, dưới chân những ngọn núi đá vôi 250 triệu năm tuổi.
Nơi đây cũng là quê hương của những chú voọc mông trắng (còn gọi là voọc quần đùi), thông thường thuyền bè ít tới được vì bùn và nước nông.
Chiếc thuyền nan mỏng manh rẽ màn mưa đưa chúng tôi len lỏi sâu vào một đầm sen mênh mông rộng tới vài hecta dài theo chân đê và lan giữa những khe núi, sen gần như chìm trên mặt đầm đã sâu chừng 2-3m sau những trận mưa tầm tã mấy ngày qua.
Sen ở đây rất khác với sen được bán trên phố - Ảnh: Trần Thùy Linh
Những chiếc lá sen khồng lồ đủ màu chứa đầy nước ánh lên như dát bạc dù trời đang mưa. Những bông sen cuối mùa nơi hoang dã mang một vẻ đẹp kỳ lạ khác hẳn loại sen trồng đại trà nhằm khai thác.
Màu hồng cánh sen rực rỡ, ánh lên màu của sự sống, của sự khỏe khoắn, dù vươn lên hay chìm trong nước vẫn đầy mạnh mẽ, cứng cỏi chứ không dịu dàng như sen hay bán trên phố.
Thuyền len lỏi qua những khe núi có rừng cỏ năng, cỏ lác và vô số những loài thủy sinh không biết hết tên, cao lút đầu. Cỏ quệt vào vai, hoa cỏ vương trên tóc, toát ra mùi hăng hăng đẫm mùi mưa. Tiếng ếch nhái kêu, côn trùng nỉ non, tiếng chim hót... nghe thật gần.
Non xanh nước biếc... - Ảnh: Trần Thùy Linh
Những lá súng cuối mùa vẫn rực rỡ vàng, xanh, bồng bềnh trôi theo luồng nước dọc mạn thuyền. Xa xa là những dãy núi trùng điệp chìm trong mây mù và mưa, thật xứng tên Vân Long - vùng đất Rồng Mây.
Chỉ tiếc vì trời mưa quá nặng hạt nên chúng tôi không được chiêm ngưỡng di tích của ngôi chùa cổ và phiến đá có những dòng chữ tượng hình mà tới nay khoa học vẫn chưa giải mã được.
Nhiều lần tới Vân Long để thấy nơi này đi hướng nào cũng đẹp, mùa nào cũng đẹp; mưa hay nắng, mỗi mùa một vẻ đẹp riêng.
Khi trời khô ráo vào mùa thu thì nơi đây còn là thiên đường của loài rong xanh khổng lồ và nơi chim chóc tìm về.
Chiếc thuyền nan đưa chúng tôi len lỏi sâu vào một đầm sen - Ảnh: Trần Thùy Linh
Thung và núi ở Ninh Bình
Dẫu cho Ninh Bình là một điểm đến quen thuộc, nhưng vùng đất này vẫn còn quá nhiều thứ để khám phá. Không thể không nhắc tới những vùng trũng ngập nước bao quanh bởi những núi đá vôi mà dân địa phương quen gọi là Thung.
Thung Nắng nằm cách Tam Cốc không xa, và theo đánh giá của chúng tôi là một trong những nơi có khung cảnh đặc sắc nhất Ninh Bình. Thời gian như ngưng đọng khi thuyền lướt đi trên trảng cỏ ngập nước xanh màu diệp lục.
Nước trong tới độ nhìn thấy những đàn cá đang bơi lội. Những chú dê bình thản gặm cỏ trên phiến đá cao hai bên vách núi, những đàn vịt trắng bơi lội bên mạn thuyền và hoa súng nở bên những miệng hang.
Tĩnh lặng và bình yên... Ảnh: Trần Thùy Linh
Tĩnh lặng và bình yên là món quà mà thiên nhiên Thung Nắng hào phóng ban cho khách. Thuyền vừa vào hang, một cảm giác mát lạnh ập tới. Nhưng không gì có thể sánh được với sự phản chiếu của những nhũ đá nhiều hình khối in trên mặt nước trong suốt, nhìn tới tận đáy.
Khung cảnh hư hư thực thực, giống như trong bộ phim Avatar hay ở một cõi thần tiên nào đó. Ra khỏi hang là vào tới thung, một trảng cỏ ngập nước mênh mông nằm giữa bốn bề núi. Nơi đây có đền Thoong Nắng thờ bà Chúa thượng ngàn rất linh thiêng.
Ở Thung Nắng còn có đền Vối được xây bằng đá có niên đại đời Lê với những chi tiết chạm khắc rất công phu. Phong cảnh nơi đây không khác gì một bức họa tuyệt bích.
Đường vào. Ảnh Trần Thùy Linh
Không xa Thung Nắng là Thung Nham hay còn gọi là Thung Chim vì đây là nơi cư trú và sinh sống của rất nhiều loại chim như cò, vạc, le le, mòng két, chích chòe lửa, sáo đá..., có cả hai loài chim quý hiếm được ghi trong Sách đỏ là hồng hạc và phượng hoàng.
Thung Nham còn nổi tiếng với hàng loạt hang động có nhiều nhũ đá phát sáng, trong đó phải kể tới hang Bụt, nơi có phiến đá hình Phật ngồi giữa hang.
Thung Nham còn một loạt hang động hoang sơ rất hấp dẫn những du khách ưa khám phá. Để chinh phục động Vái Giời, bạn phải leo núi, vượt qua 439 bậc đá. Động rộng khoảng 5.000m2 với ba tầng, mỗi tầng có rất nhiều măng nhũ đá lung linh huyền ảo được ví như Trần gian, Địa ngục và Thiên đường. Đây là nơi người xưa đã lập đàn tế Trời để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Cảnh đẹp có một không hai - Ảnh: Trần Thùy Linh
Cũng không thể bỏ qua động An Tiêm, hay còn gọi là Tuyệt Tình Cốc, thuộc quần thể di tích cố đô Hoa Lư, nơi vua Đinh Tiên Hoàng từng nuôi hổ báo, xây pháp trường, đồng thời có ngôi chùa thái hậu Dương Vân Nga tu hành cuối đời.
Cao hơn nữa, có núi Mía với 486 bậc thang, bên dưới là hang Mía. Đẹp nhất là vào mùa lúa chín, khi leo lên đỉnh núi, bạn có thể phóng tầm mắt ngắm những dải núi đá vôi triệu năm tuổi ở xa hay cánh đồng lúa vàng bát ngát trải dài dưới chân.
HS TRẦN THÙY LINH
(Theo Tuổi Trẻ online, 14/08/2017 11:11 GMT+7)