Englishen

Tây Tạng “mong manh” khi du lịch bùng nổ

Thứ ba, 22/06/2021, 09:11 GMT+7

Trong đại dịch Covid-19, khách đến Tây Tạng tăng 12% trong năm 2020 khi người Trung Quốc không thể đi du lịch nước ngoài, kéo theo những lo ngại về tác động tiêu cực lên môi trường và di tích lịch sử.

Tây Tạng thu hút bởi những đỉnh núi phủ tuyết trắng, các đền thờ Phật giáo, những đàn bò yak và phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Chính quyền Tây Tạng cũng chuyển trọng tâm từ du khách quốc tế sang du lịch nội địa, khi tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc ngày càng gia tăng.

TSTtourist-tay-tang-1Du khách chụp ảnh với phông nền là cung điện Potala ở Lhasa. Nguồn: AP

Ông Gonggar Tashi – Trưởng Ban quản lý Cung điện Potala, nơi ở trước đây của Đạt Lai Lạt Ma cho biết, những thách thức ngày càng gia tăng trong việc cân bằng giữa nhu cầu của du khách với sự giảm thiểu hao mòn cấu trúc công trình: “Thách thức lớn nhất của chúng tôi là mâu thuẫn giữa việc bảo vệ và khai thác các di tích văn hóa”. Hiện nay, mỗi ngày chỉ có 5.000 người được phép vào thăm cung điện này.

Ge Lei - Phó chủ tịch Hiệp hội Tiếp thị Du lịch Trung Quốc cho biết, hàng triệu du khách đã tới Tây Tạng mỗi năm và lượng khách năm 2020 đã tăng 12,6% so với năm 2019. Dự báo lượng khách đến Tây Tạng sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2026. Lượng khách quá đông so với dân số chỉ 3,5 triệu người ở Tây Tạng, dẫn đến nhiều lo ngại về việc gìn giữ môi trường và văn hóa bản địa.

Người Tây Tạng không ít lần phàn nàn về những du khách không tôn trọng văn hóa truyền thống tại đây, như việc giẫm lên những lá cờ. Ông Ge Lei cho rằng, cần một kế hoạch dài hạn để bảo vệ hệ sinh thái và văn hóa của Tây Tạng, trước khi khu vực này đánh mất sức hấp dẫn vốn có: “Điều quan trọng là phải thiết lập một bộ quy tắc ứng xử cho du khách tại Tây Tạng, song song với việc xây dựng thêm cơ sở hạ tầng du lịch”.

TSTtourist-tay-tang-2Du khách chờ để tham quan bên trong cung điện Potala. Nguồn: AP

Du lịch sinh thái đang dần được phát triển nhiều hơn tại Tây Tạng, nhằm khuyến khích người dân và du khách cùng gìn giữ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học. Nhiều người dân được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng để chuyển sang làm du lịch bền vững và sản xuất các sản phẩm sạch.

Anh Palden – một nông dân sống ở làng Zhaxigang, thành phố Nyingchi, Tây Tạng cho biết gia đình anh đã kết hợp nông nghiệp, chăn nuôi với ngành du lịch đang nổi lên trong khu vực. Gia đình anh sản xuất loại bơ Tây Tạng với nguồn gốc tự nhiên và hữu cơ để phục vụ du khách. Mỗi năm gia đình anh đón khoảng 2.000 khách du lịch, thu về khoảng 200 nghìn Nhân dân tệ.

Còn tại thị trấn du lịch Lulang, nơi nổi tiếng với những khu rừng tự nhiên và đồng cỏ, phát triển du lịch thân thiện với môi trường là ưu tiên hàng đầu. Một đại diện chính quyền địa phương cho biết: “Bảo vệ hệ sinh thái là rất quan trọng. Độ che phủ rừng tại Lulang đã đạt hơn 80%, nhờ những đóng góp rất lớn của người dân địa phương”.

(Nguồn: Hải Nam, VOV, Thứ Ba, 22/06/202, 06:00 (GMT+7))