Nhằm phục hồi ngành du lịch đang điêu đứng suốt hơn một năm qua, Indonesia dự kiến thiết lập hành lang du lịch tại một số điểm đến nổi tiếng để đón khách quốc tế.
Tuy nhiên, việc chính phủ nước này buộc phải ban hành lệnh hạn chế các sinh hoạt cộng đồng khẩn cấp tại đảo Java và Bali từ ngày 3-20.7, khiến kế hoạch phục hồi du lịch của xứ vạn đảo “gặp khó”.
Trong suốt một năm rưỡi kể từ khi đại dịch bùng phát toàn cầu, ngành du lịch Indonesia rơi vào trạng thái “cầm cự” nhờ các gói cứu trợ của chính phủ, dù đã vận dụng nhiều sáng kiến thu hút khách du lịch. Tháng 5.2020, chính phủ Indonesia tung gói kích cầu trị giá 25.000 tỉ rupiah (1,7 tỉ USD) dưới hình thức giảm trực tiếp giá vé máy bay, phòng khách sạn cũng như cung cấp các phiếu mua tour giảm giá trên các ứng dụng trực tuyến. Tuy nhiên, nỗ lực giải cứu trên đã không mang lại kết quả như mong đợi, do được tung ra quá sớm khi cả Indonesia và hàng loạt quốc gia trên thế giới đang phải áp đặt các lệnh hạn chế đi lại và phong tỏa quy mô lớn nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh. Năm 2020, Indonesia chỉ đón vỏn vẹn 4 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trong đó phần lớn được ghi nhận trong hai tháng đầu năm.
Tiếp tục nỗ lực hồi sinh ngành công nghiệp không khói, ngay từ đầu năm nay, chính phủ Indonesia đã đưa ra hàng loạt giải pháp mới, với mục tiêu thu hút 7 triệu lượt khách nước ngoài trong năm 2021. Tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Sandiaga Salahuddin Uno đã công bố gói kích cầu gần 3.700 tỉ rupiah dưới hình thức trợ cấp, hỗ trợ lãi suất, tái cơ cấu tín dụng và cấp các khoản vay vi mô nhằm tiếp sức cho các doanh nghiệp du lịch. Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp thu hút 736.000 khách quốc tế và mang lại 13.000 tỉ rupiah nguồn thu ngoại hối. Bên cạnh đó, Indonesia còn triển khai kế hoạch cử hàng nghìn công chức ở Jakarta tham gia chương trình “Làm việc từ Bali (WFB)”. Sáng kiến này được kỳ vọng tạo hiệu ứng dây chuyền, khuyến khích người lao động tới Bali làm việc từ xa, thông qua đó tạo nguồn cho khoảng 140.000 phòng khách sạn địa phương đang hoạt động ở mức 9% công suất.
Không chỉ vậy, chính phủ Indonesia còn đặt mục tiêu mở cửa một phần biên giới vào tháng 7, thông qua việc soạn thảo các quy trình hoạt động tiêu chuẩn về y tế, thiết lập các “vùng xanh” hay “hành lang không Covid-19” tại các đảo Bintan, Batam và Bali, với việc ưu tiên cung ứng vắcxin ngừa Covid-19 cho ít nhất 70% người dân các địa phương này. Đồng thời, Indonesia cũng đã tiến hành đàm phán và ký kết các thỏa thuận hợp tác thiết lập “bong bóng du lịch” với nhiều quốc gia, bao gồm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Qatar, Trung Quốc, Singapore và Hà Lan. Ngoài ra, Tổng thống Joko Widodo còn phê chuẩn chiến lược cung cấp vắcxin miễn phí nhằm hút khách du lịch đến với Bali.
Tuy nhiên, trong bối cảnh làn sóng Covid-19 được đánh giá là tồi tệ nhất đang càn quét Indonesia, khiến hệ thống y tế nước này có nguy cơ quá tải, từ ngày 3-20.7, chính phủ buộc phải áp đặt lệnh phong tỏa một phần tại thủ đô Jakarta, đảo Java và Bali. Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan cho biết, nước này đang tập trung xử lý đại dịch Covid-19, với việc siết chặt các hạn chế xã hội, trong đó có việc đóng cửa tất cả các điểm tham quan du lịch. Ông nhấn mạnh: “Vào thời điểm này, chúng tôi đang tìm cách giảm các ca mắc Covid-19, bằng cách đẩy nhanh tiêm chủng và đảm bảo người dân tuân thủ các quy trình y tế”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Sandiaga Salahuddin Uno cũng đã quyết định hoãn chương trình WFB, vốn dự kiến sẽ được triển khai từ đầu quý III năm nay. Đồng thời, Bộ trưởng Sandiaga quyết định đình chỉ các chương trình phục hồi du lịch khác, như tái mở cửa Bali cho khách du lịch nước ngoài, chương trình du lịch dựa vào vắcxin và thỏa thuận hành lang du lịch (TCA). Bộ trưởng Sandiaga cũng cam kết đẩy nhanh giải ngân các quỹ hỗ trợ, bao gồm các ưu đãi và hỗ trợ xã hội, nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi của ngành du lịch trong quá trình thực hiện lệnh phong tỏa khẩn cấp tại Java và Bali.
Như vậy, những diễn biến tồi tệ của đại dịch Covid-19 đã khiến kế hoạch tái mở cửa du lịch quốc tế của Indonesia buộc phải tiếp tục trì hoãn. Tuy xứ vạn đảo chưa thể đón khách quốc tế trở lại, nhưng với sự chuẩn bị tích cực, triển vọng “phá băng” hoạt động lữ hành của quốc gia này là rất khả quan.
(Nguồn: Hải Minh, VHO, Thứ Hai 05/07/2021, 10:34 (GMT+7))