Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hỗ trợ toàn quốc
Hệ sinh thái biển ở Indonesia để lại nhiều ấn tượng cho Mai Thái Khang trong những lần đi lặn.
Mai Thái Khang, 27 tuổi, kinh doanh tự do ở TP HCM, vừa hoàn thành hai chuyến đi lặn ở quần đảo Raja Ampat và đảo Nusa Penida, Indonesia. Biết đến môn lặn ống thở (snorkeling) từ tháng 3/2020 và bắt đầu học lặn bình khí (scuba diving) từ tháng 5, Khang từng khám phá thế giới đại dương ở những vùng biển đẹp nhất Việt Nam như Phú Quý, Côn Đảo, Nha Trang.
Raja Ampat được coi là điểm đến mơ ước của dân mê lặn. Đây là một quần đảo rộng khoảng 8.000 km2 nằm ở đông bắc Indonesia, được nước này bảo tồn nghiêm ngặt từ năm 2007. Hệ sinh thái biển tại Raja Ampat chiếm hơn 70% đa dạng sinh học trên cả hành tinh. Để đến được đây, Khang đã phải trải qua ba chuyến bay và hai chuyến tàu.
Khang ấn tượng với thái độ của người dân đảo dành cho thiên nhiên. Cơ sở vật chất trên các đảo được tối giản hết mức, các homestay xây bằng gỗ, đồ đạc trong phòng chỉ có những thứ cơ bản. Người dân chỉ được phép đi thuyền ra đúng nơi câu cá và chỉ đánh bắt vừa đủ.
Sau 5 ngày lặn ở Raja Ampat, Khang choáng ngợp vì số lượng sinh vật biển mà anh quan sát được gồm rùa, cá đuối, sò tai tượng khổng lồ và thậm chí cả cá mập. Trong ảnh là một loài thuộc chi cá kèn đang bơi qua một rạn san hô.
Khang và bạn lặn lọt thỏm giữa một đàn cá nhòng. Chàng trai 27 tuổi khuyên những ai có ý định đi lặn ở Raja Ampat cần phải học kỹ năng cân bằng, bởi dòng chảy ở khắp nơi có thể cuốn bạn xuôi theo khi lặn.
San hô ở Raja Ampat được giữ gìn ở trạng thái lý tưởng. Dù vậy vẫn có dấu hiệu của hiện tượng tẩy trắng san hô do nước biển ấm lên. "San hô chết và gãy vẫn có, nhưng không quá nhiều", Khang cho hay.
Một chú cá mập con xuất hiện trước ống kính của Khang. Anh tiết lộ những chú cá mập này thậm chí còn bơi vào kiếm ăn ở khu vực ngay phía dưới chân homestay anh ở. "Gặp được cá mập là ao ước của người đi lặn. Khi gặp cá mập, mình đã cố đi theo để quay mà tụi nó bơi tránh mình", Khang chia sẻ.
Khi đi lặn ở đảo Nusa Penida, Khang có một khoảnh khắc thú vị chụp cùng một chú đá đuối. Đến Nusa Penida, du khách có thể đi lặn ở Manta Point để ngắm cá đuối và Crystal Bay để ngắm cá mặt trăng (vào mùa khoảng tháng 9).
Một chú rùa biển đang mải mê kiếm ăn. Khang kể khi đi lặn anh rất thích gặp rùa, nhưng rùa ở Việt Nam hiếm gặp mà lại sợ người, còn rùa ở Thái Lan và Indonesia rất dạn và hiền.
Lý giải cho điều này, Khang cho rằng tất cả nằm ở việc bảo tồn: "Koh Tao (Thái Lan) và Nusa Penida đều là những đảo lớn, nhưng các quán ăn ở đây không bán hải sản tràn lan mà chủ yếu chỉ có thịt heo, bò, gà. Trong khi đó ở Việt Nam thì ngược lại, đi biển là phải ăn hải sản, rảnh thì đi tour câu mực, mò ốc, bắt nhum rất tự phát. Không có gì bất ngờ khi các đảo bên đó có san hô đẹp, cá và rùa dạn người".
Nói thêm về đảo Nusa Penida, Khang khuyên du khách nên đi ngắm sống lưng khủng long sau 17h30 vì có hoàng hôn đẹp. Ngoài ra, tour lặn ống thở (snorkeling) bốn điểm trên đảo có giá 150 Rupiah (khoảng 230.000 đồng) rất đáng thử.
Khang kể việc đi lặn đã giúp anh khai mở những giới hạn của bản thân và nhận ra chân lý: "Trước mình cứ cho rằng mình mạng hỏa không hợp với biển, bơi cũng yếu nữa, nên chắc chỉ hợp núi. Nhưng từ giây phút đầu tiên lặn biển, mình nhận ra đã bỏ qua một thế giới rất khác. Cuộc sống này, thực sự chẳng có giới hạn nào cả".
(Nguồn: Minh Đức, Ảnh: Mai Thái Khang, VnExpress, Thứ tư, 20/7/2022, 02:14 (GMT+7))