Englishen

Cách làm kim chi Hàn Quốc đơn giản, chuẩn vị tại nhà

Thứ sáu, 03/05/2024, 16:31 GMT+7

Khi nhắc đến ẩm thực Hàn Quốc, bạn sẽ nghĩ ngay đến món gì? Nếu câu trả lời là kim chi thì bài viết hôm nay sẽ dành cho bạn. Ngay sau đây, TSTtourist sẽ cung cấp những thông tin vô cùng thú vị về nguồn gốc, ý nghĩa và công dụng của món ăn nổi danh này. Theo sau đó là hướng dẫn cách làm kim chi Hàn Quốc chuẩn vị và danh sách các món làm từ kim chi Hàn Quốc không thể bỏ qua.

1. Kim chi - món ăn quốc dân của Hàn Quốc

1.1 Nguồn gốc

Kim chi là một món rau củ lên men đã tồn tại từ rất lâu trong lịch sử Hàn Quốc. Theo "Samguk Sagi", một trong những bộ sách sử cổ nhất của Hàn Quốc, người dân của đất nước này đã biết làm kim chi kể từ thời kỳ Baekje, tức vào khoảng thế kỷ III - VII.

Lúc bấy giờ, thực phẩm vào mùa đông rất khan hiếm. Do đó, người Hàn quốc đã nghĩ ra phương pháp ủ rau củ trong bình gốm và chôn xuống đất. Sau một thời gian, rau củ trong bình sẽ tự lên men, điều này giúp chúng không bị mất đi hương vị và các chất dinh dưỡng vốn có.

Kim chi thực chất là một món rau củ lên menTừ chỉ có 2 nguyên liệu chính là rau củ và muối, kim chi Hàn Quốc đã trải qua nhiều sự biến đổi và phát triển theo thời gian. Nhiều loại gia vị và nguyên liệu khác nhau đã được thêm vào để tạo ra sự đa dạng và phong phú cho món ăn này.

Cho đến hiện nay, người Hàn Quốc đã chế biến ra hàng trăm loại kim chi khác nhau. Tên các loại kim chi Hàn Quốc được biết đến nhiều nhất là:

- Baechu Kimchi (kim chi cải thảo)

- Kkakdugi (kim chi củ cải)

- Oisobagi (kim chi dưa chuột)

- Yeolmu Kimchi (kim chi cải non)

- Pa Kimchi (kim chi hành lá)

- Bo Kimchi (kim chi cuộn)

- Nabak Kimchi (kim chi nước)

1.2 Ý nghĩa

Kim chi không chỉ là một món ăn mà còn là một biểu tượng văn hóa và ẩm thực quan trọng của Hàn Quốc. Đây là lý do vì sao khi khách du lịch nước ngoài nhắc đến đất nước này thì người ta sẽ nghĩ ngay đến danh xưng “xứ sở kim chi”. Vào năm 2013, hoạt động làm kim chi truyền thống “Kimjang” của người Hàn Quốc cũng chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Từ đó, món ăn này trở thành một phần không thể thiếu trong ẩm thực, văn hóa và du lịch Đông Bắc Á.

Lễ hội làm kim chi của Hàn Quốc được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loạiĐối với người Hàn Quốc, truyền thống làm kim chi luôn được truyền từ đời này sang đời khác. Và dù là trong bữa ăn hàng ngày hay các bữa tiệc lớn nhỏ, kim chi luôn là một phần không thể thiếu trên bàn ăn của họ.

Là niềm tự hào của quốc gia, kim chi còn được chính phủ Hàn Quốc quảng bá mạnh mẽ thông qua nhiều hoạt động, nhất là qua phim ảnh và các chương trình giải trí. Thậm chí, khi du lịch tại thủ đô Seoul, bạn còn bắt gặp một bảo tàng trưng bày các loại kim chi, được xây dựng để giúp du khách ngoài nước hiểu rõ hơn về món ăn này. 

1.3 Công dụng

Kim chi thường được thưởng thức như một món phụ ăn kèm với các món khác trong bữa ăn Hàn Quốc. Bên cạnh hương vị độc đáo và có thể dùng làm nguyên liệu nấu ăn, món ăn truyền thống này cũng có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe. 

Theo triết lý ẩm thực Hàn Quốc, kim chi thuộc nhóm “Yak Sik Dong Won”, ngụ ý nói thực phẩm cũng là một loại thuốc. Trên thực tế, thông qua quá trình lên men tự nhiên, kim chi Hàn Quốc chứa rất nhiều loại vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa. Do đó, việc ăn kim chi có thể giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, chống ngộ độc thực phẩm và tăng cường hệ miễn dịch.

Ngoài ra, theo viện nghiên cứu tại Gwangju, kim chi Hàn Quốc cũng mang lại tác dụng trong việc hỗ trợ chữa các bệnh về hô hấp, ngăn ngừa viêm da dị ứng, tai biến mạch máu não và phát triển khối u ác tính. Không chỉ vậy, việc tiêu thụ kim chi còn có thể giúp làm giảm căng thẳng tinh thần và tăng cường tuần hoàn máu.

2. Cách làm kim chi Hàn Quốc tại nhà

Kim chi của Hàn Quốc có rất nhiều loại. Nhưng nhìn chung các công thức đều được phát triển dựa trên cách làm kim chi Hàn Quốc truyền thống từ cải thảo. Ngay sau đây chính là công thức chuẩn vị nhất mà bạn có thể tham khảo.

2.1 Nguyên liệu

- 2 kg bắp cải thảo

- 1 củ cà rốt

- 1 củ hành tây

- 100g hành lá

- 100g hẹ

- 1 quả táo

- 1 củ gừng

- 10g tỏi băm

- 100g tôm khô

- 150g ớt bột Hàn Quốc

- 50g bột nếp

- 500g muối hạt

- Gia vị khác: nước mắm, muối bọt, bột ngọt

2.2. Các bước làm kim chi Hàn Quốc truyền thống

Bước 1: Sơ chế bắp cải thảo

- Bạn chẻ đôi hoặc làm tư mỗi bắp cải thảo theo chiều dọc, sau đó xát muối hạt đều lên thân và trong từng bẹ cải. Tiếp theo, bạn ngâm toàn bộ bắp cải với 1 lít nước lạnh đã pha 2 muỗng muối trong khoảng 4 - 5 tiếng.

- Sau khi ngâm xong, bạn rửa lại cải dưới vòi nước sạch từ 2 - 3 lần để loại bỏ vị mặn. Cuối cùng, bạn mang cải đi phơi dưới nắng gắt cho đến khi cải héo vừa phải.

Sơ chế bắp cải thảo làm kim chiBước 2: Sơ chế nguyên liệu khác

- Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch rồi thái sợi mỏng.

- Hành lá và hẹ bỏ gốc, phần bị úng, rửa sạch và thái khúc ngắn khoảng 5 - 10 cm.

- Gừng và táo gọt vỏ, rửa sạch, thái miếng nhỏ. 

- Hành tây lột vỏ, thái múi cau.

- Tôm khô ngâm với nước ấm khoảng 10 - 15 phút cho mềm sau đó rửa lại lần nữa với nước và để ráo.

Bước 3: Làm hỗn hợp trộn kim chi

Trước tiên, bạn tiến hành nấu bột nếp với 500ml nước lọc. Trong quá trình nấu, hãy giữ lửa vừa và khuấy đều tay để bột không bị dính đáy nồi. Khi nào bột tan hết và tạo thành hỗn hợp sềnh sệch thì bạn tắt bếp và để nguội.

Kế tiếp, bạn cho táo, gừng, tỏi băm, hành tây, tôm khô, 1/2 muỗng cà phê bột ngọt và 5 muỗng canh nước mắm vào máy xay sinh tố. Sau đó tiến hành xay thật nhuyễn tất cả các nguyên liệu này.

Cuối cùng, bạn trộn hỗn hợp đã xay với hỗn hợp bột nếp rồi thêm tiếp ớt bột Hàn Quốc là hoàn thành sốt trộn kim chi. Lưu ý, nếu bạn muốn học cách làm kim chi không cay thì lúc làm sốt kim chi có thể không thêm ớt bột nhé!

Bước 4: Ủ kim chi

Bạn cho cải thảo cùng sốt trộn kim chi vào 1 cái thau to. Sau đó hãy mang bao tay thực phẩm rồi dùng tay thoa đều và thật kỹ nước sốt lên từng bẹ cải thảo.

Khi cải đã phủ đều nước sốt thì bạn cho vào lọ, hộp hoặc hũ đựng thực phẩm và đậy nắp thật kín. Công đoạn tiếp theo chính là để kim chi lên men tự nhiên ở nơi thoáng mát và có nhiệt độ phòng ít nhất 2 - 3 ngày. 

Sau đó, khi kim chi đã lên men thành công thì bạn nên cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản. Điều này giúp kim chi không bị chua quá mức và đảm bảo bạn có thể ăn hết trước khi chúng bị hỏng. 

Để kim chi ở nơi thoáng mát để lên men tự nhiên

3. Các món ăn làm từ kim chi Hàn Quốc

3.1 Bánh kim chi

Chỉ với 3 nguyên liệu chính là kim chi, hành lá và bột mì là bạn sẽ có ngay món bánh kim chi “ăn một lần là ghiền”. Điểm hấp dẫn của loại bánh này nằm ở độ giòn tan và vàng óng của vỏ bánh. Cắn một miếng là sẽ cảm nhận được ngay vị cay cay của kim chi và mùi thơm của hành. 

Bánh kim chi giòn ngon, bắt mắt

3.2 Trứng tráng kim chi

Trứng tráng kim chi hay trứng chiên kim chi là một món vô cùng “bắt cơm” và dễ chế biến. Bạn có thể chiên trứng trực tiếp với kim chi hoặc dùng trứng chiên để cuộn kim chi. Vị chua cay của kim chi hòa quyện với vị béo của trứng đảm bảo khiến bạn muốn thưởng thức mãi không thôi.

Trứng tráng kim chi là một món ngon không thể không thử

3.3 Tôm xào kim chi

Đây là một món ăn không chỉ ngon miệng mà còn rất giàu dinh dưỡng. Ngoài kim chi, bạn có thể thêm cà rốt, cải thảo và hành tây vào xào chung với tôm để món ăn thêm bắt mắt. Thịt tôm dai dai kết hợp với rau củ đậm vị chua cay của kim chi thì ngon không gì bằng.

Tôm xào kim chi bắt mắt, giàu chất dinh dưỡng

3.4 Canh kim chi

Canh kim chi là một món canh truyền thống của Hàn Quốc. Đặc biệt vào những ngày se lạnh, không gì tuyệt vời hơn khi được ăn một bát canh kim chi nóng hổi kèm cơm trắng. Món canh này sẽ giúp bạn tận hưởng đồng thời hương vị độc đáo của kim chi, vị ngọt tự nhiên từ thịt và rau củ. 

Ăn canh kim chi vào những ngày se lạnh ngon không gì bằng Như vậy, TSTtourist vừa hướng dẫn xong cách làm kim chi Hàn Quốc chuẩn vị rồi đấy. Còn chờ gì nữa mà không vào bếp trổ tài ngay. Bên cạnh bí quyết làm kim chi thì bạn cũng đừng quên bỏ túi những thông tin hữu ích về món này. Có thể vào một ngày đó khi du lịch Hàn Quốc bạn sẽ cần đến chúng đấy.