Englishen

Đến Điện Biên ăn xôi sắn, cơm lam nếp nương

Thứ ba, 01/11/2022, 15:56 GMT+7

Người Thái ở Điện Biên ăn xôi sắn, cơm lam chấm với muối ớt, chẳm chéo.

Lên Tây Bắc, đặc biệt là Điện Biên, những ngày cuối thu khi tiết trời bắt đầu se lạnh, du khách thường bị hấp dẫn bởi những món cơm mới nóng hổi do người địa phương chế biến. Một trong số đó là xôi sắn - món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Xôi sắn có hương vị dẻo, bùi, ngậy và thơm của gạo nếp nương nấu cùng củ sắn.

Sắn được trồng trên nương, sau khi thu hoạch về thì chọn những củ ngắn, bở và tròn trịa để hấp xôi đãi khách. Ảnh: TTXTDL Điện Biên
Ngoài xôi sắn màu truyền thống, người dân thường nấu cả xôi sắn nếp cẩm. Ảnh: Hoa Thắng
Xôi nếp nương ngũ sắc của người Điện Biên. Ảnh: TTXTDL Điện Biên
Xôi sau khi đồ chín sẽ được đổ ra rổ lớn để mau nguội. Ảnh: TTXTDL Điện Biên
Cơm gạo đỏ được trồng trên ruộng bậc thang của người Hà Nhì. Ảnh: TTXTDL Điện Biên.

Sắn phải là những củ ngắn, tròn, sau khi rửa sạch mang luộc sơ để cho ráo nước rồi mới trộn lẫn cùng gạo để mang đi đồ thành xôi. Người Thái thường đồ xôi bằng chõ. Khác với chõ đồ xôi ở miền xuôi, làm bằng inox, chõ truyền thống của người Thái được làm từ gỗ vông. Sau khi xôi chín, bà con dân tộc Thái thường đổ xôi ra mâm, dàn mỏng cho nhanh nguội, bớt hơi nước rồi mới lèn vào các giỏ được đan bằng mây có nắp đậy. Đến bữa, mọi người sẽ mang những giỏ xôi này ra mời khách.

Xôi nếp nương cũng là đặc sản thường thấy trên mâm cơm đãi khách của người dân vùng cao. Hạt gạo nếp căng tròn, khi đồ lên thường sáng bóng, vị ngọt, dẻo thơm. Ngoài màu trắng nguyên thủy, người dân thường nhuộm màu cho xôi bằng các lại lá, quả, củ... Do đó, xôi còn có thêm màu tím, vàng, xanh... Cũng giống xôi sắn, gạo được vo sạch rồi cho vào chõ gỗ để đồ chín và thường được đồ hai lần để chín kỹ.

Sẽ là một thiếu sót nếu bỏ qua món cơm lam từ lâu đã là một trong những món ăn độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người Thái. Gạo nếp mới trộn cùng nếp cẩm (màu tím), cho thêm muối và gừng rồi ngâm qua đêm. Sau khi ráo nước, gạo được cho vào ống tre dài khoảng 20-30 cm, thêm chút nước rồi nút đầu lại bằng lá chuối.

Ngoài cơm lam nếp nương nguyên bản, người Thái còn thường dùng gạo nếp cẩm có màu tím để nấu cơm lam. Ảnh: TTXTDL Điện Biên
Chẳm chéo ướt. Ảnh: Hoa Thắng
Chẳm chéo khô. Ảnh: Mai Hoa
Đồ xôi trên bếp lửa với chõ gỗ. Ảnh: Mai Hoa
Chõ đồ xôi truyền thống của người Thái. Ảnh: TTXTDL Điện Biên

Tiếp đến, người dân sẽ nướng các ống cơm này trên than hồng, hoặc vùi trong bếp lửa, đảo đều để gạo chín bên trong. Một ống cơm lam ngon, đạt chuẩn là khi bóc lớp vỏ cứng bên ngoài vẫn còn lộ bên trong lớp vỏ lụa của ống tre dính vào phần cơm. Cơm bên trong chín đều, có độ dẻo, thơm và màu vàng nhạt đẹp mắt.

Ngoài ra, còn phải kể đến cơm đỏ của người dân tộc Hà Nhì. Gạo đỏ chỉ có ở ruộng bậc thang. Cơm đỏ được nhiều người đánh giá chế biến công phu. Muốn cơm ngon, gạo trước khi nấu phải ngâm 3-4 tiếng để hạt nở và mềm. Sau đó, đun nước trên chảo cho thật sôi thì đổ gạo vào đó luộc trong 5 phút. Dùng muỗng lớn đảo đều gạo để không bị dính chảo rồi vớt đổ ra rá lớn, tiếp tục đảo để hạt cơm tơi ra. Sau đó, lại tiếp tục đun sôi nồi nước, đổ gạo vừa sơ chế vào chõ rồi đặt lên đồ trong 40-50 phút.

Cơm lam, xôi sắn... ăn kèm thịt lợn, gà nướng. Ảnh: Hoa Thắng

Những món ăn trên, người dân tộc Thái thường ăn cùng chẳm chéo (thay vì muối vừng thường thấy). Chẳm chéo là một loại chấm nổi tiếng của vùng Tây Bắc, gồm muối, ớt nướng, hạt mắc kén giã nhỏ. Ngoài ra, thực khách có thể ăn các món trên cùng các món ăn truyền thống của người dân địa phương như gà, cá nướng, cá sấy, hay thịt trâu gác bếp.

(Nguồn: Anh Minh,. VnExpress, Thứ ba, 1/11/2022, 09:34 (GMT+7))