Englishen

Trải nghiệm ẩm thực người Hoa ở phố sủi cảo lớn nhất khu Chợ Lớn

Thứ hai, 28/11/2022, 13:23 GMT+7
Phố sủi cảo Hà Tôn Quyền (Q.11) là một trong những địa điểm lý tưởng để khám phá nét độc đáo của ẩm thực người Hoa khu Chợ Lớn. Con phố này còn đang được chính quyền địa phương lên kế hoạch phát triển thành phố đi bộ để phát triển du lịch.

Con đường Hà Tôn Quyền nối từ đường 3/2 đến đường Hồng Bàng tuy nhiên, đoạn nhộn nhịp nhất chỉ khoảng 300m từ Trần Quý đến Nguyễn Chí Thanh với một dãy dài các quán sủi cảo. Các quán thường mở cửa từ trưa đến tối nhưng đặc biệt sôi động từ sau 5 giờ chiều.

Thực đơn, hương vị và giá cả ở các quán đều khá tương đồng với các món cơ bản như sủi cảo sốt dầu hào, sủi cảo thập cẩm, sủi cảo chiên giòn, sủi cảo mì…

Một phần sủi cảo hấp dầu hào tại một trong những quán lâu đời trên con phố Hà Tôn Quyền sẽ giúp bạn no bụng (ảnh: MINH ĐĂNG)
Mỗi tiệm đều có thực đơn tới hơn chục món, mỗi món đều có sự hấp dẫn riêng (ảnh: MINH ĐĂNG)
Dù món ăn có nhiều thành phần nhưng vị riêng của từng nguyên liệu vẫn được thực khách dễ dàng nhận ra. Đây là điểm thú vị đặc sắc trong nét văn hóa ẩm thực của người Hoa (ảnh: MINH ĐĂNG).

Món sủi cảo gần giống với hoành thánh với vỏ bên ngoài làm bằng bột mì vàng óng bắt mắt. Tuy nhiên, nếu hoành thánh hình tròn và chỉ có nhân thịt heo còn sủi cảo có hình bán nguyệt, phần nhân bên trong là thịt xay bao trọn cả con tôm đỏ au ngọt lịm. Theo các chủ tiệm, về cơ bản thì cách thức làm ra món này ở các tiệm đều giống nhau. Điểm khác là kinh nghiệm và tài nghệ riêng của từng người chủ. Một số chủ quán “bật mí”, để cho phần thịt heo được ngon hơn và không bị khô cứng họ có trộn thêm một ít chả cá, chả tôm rồi giã nhuyễn và nhồi lại để tạo độ dai và giòn.

Nếu gọi món sủi cảo thập cẩm (nước), sẽ có thêm một số topping đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của người Hoa là da heo giòn, mực ngâm nước tro. Đây là hai món ăn rất độc đáo mà riêng việc chế biến đã phải mất rất nhiều thời gian. Ngoài ra món sủi cảo còn được kết hợp với mì, thịt xá xíu, xích quách (xương)…

Trong phần sủi cảo nước, thực khách có thể thưởng thức thêm nhiều điều thú vị khác từ món da heo giòn và mực ngâm nước tro Tàu cùng chả cá (ảnh: MINH ĐĂNG)
Để tăng thêm độ đậm đà, thực khách có thể pha một ít nước tương với giấm Tiều và sa tế. Món thịt heo giòn này là thứ gây "thương nhớ" trong văn hóa ẩm thực của người Hoa (ảnh: MINH ĐĂNG)

Một phần sủi cảo khoảng 60.000 - 70.000 đồng đủ giúp thực khách no căng.

Đa phần các quán này đã có từ lâu đời và là nghề truyền thống của các gia đình người Hoa ở khu Chợ Lớn. Chính sức hấp dẫn của món ăn và văn hóa nơi đây đã làm nên thương hiệu con phố này. Cũng từ đó, chính quyền địa phương hồi đầu năm nay đã lên ý tưởng phát triển nó thành phố đi bộ kết hợp ẩm thực để thu hút thêm du khách và phát triển kinh tế.

Sủi cảo và văn hóa ẩm thực làm nên thương hiệu cho con phố nhỏ ở khu Sài Gòn - Chợ Lớn (ảnh: MINH ĐĂNG)
Rất đông du khách trong và ngoài nước ghé đến con phố này nhất là vào dịp cuối tuần để khám phá ẩm thực nơi đây (ảnh: MINH ĐĂNG)
Con phố đang được lên kế hoạch phát triển thành phố đi bộ và ẩm thực. Xung quanh nơi đây, nhiều hàng quán đang được đầu tư để "đón đầu" phố đi bộ (ảnh: MINH ĐĂNG)

Theo một số tài liệu, ngày 19.10.1955, tên đường Hà Tôn Quyền chính thức ra đời, được đặt theo tên của nhà trí thức quê ở Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Ông đỗ tiến sĩ năm 1822, làm quan đến chức Tham tri Bộ Lại dưới triều vua Minh Mạng, khi mất được truy tặng Thượng thư Bộ Lại.

Còn sủi cảo, bắt nguồn từ tiếng Quảng Đông có nghĩa là bánh tai hay bánh chẻo, là loại bánh hấp. Một món ăn chính trong dịp Tết Nguyên đán. Tương truyền món ăn này có từ thời nhà Hán ở Trung Quốc.

(Nguồn: Chí Nhân, Thanh Niên, 12:06 - 27/11/2022)